24/02/2008 02:25 GMT+7

Hoành tráng, đa dạng và... nói nhiều

NGUYỆT CA
NGUYỆT CA

TT - Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ nhất 2008 đã khép lại sau đúng bảy ngày (16 đến 23-2) nghệ thuật múa rối được lên ngôi tại sân khấu thủ đô Hà Nội.

Chuyện từ Liên hoan múa rối quốc tế lần I-2008:

KTlKrMYS.jpgPhóng to
Chuyện tò he đoạt huy chương bạc - Ảnh: Trọng Tùng
TT - Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ nhất 2008 đã khép lại sau đúng bảy ngày (16 đến 23-2) nghệ thuật múa rối được lên ngôi tại sân khấu thủ đô Hà Nội.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

20 chương trình thi (12 chương trình quốc tế, 8 chương trình VN), với sự góp mặt của hàng trăm nghệ sĩ múa rối đến từ 11 nước: VN, Trung Quốc, Ai Cập, Brazil, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Thụy Điển, Bỉ và Israel đã được trình diễn trên sân khấu trọn vẹn, lại thêm mười tiết mục của các đoàn rối nước ngoài được tặng riêng cho các em thiếu nhi tại Cung Văn hóa thiếu nhi Hà Nội vào năm buổi chiều (17 đến 21-2).

Trong suốt bảy ngày, 11 nước đã đem tới liên hoan đủ 11 bản sắc văn hóa riêng biệt, muôn màu muôn vẻ. Các khán phòng 300 - 500 chỗ ngồi của Nhà hát Múa rối trung ương, Nhà hát Quân đội, rạp Hồng Hà hay Cung Văn hóa thiếu nhi hoàn toàn kín chỗ. Liên hoan múa rối quốc tế lần này đã thành công. Nhưng để lần tổ chức sau sẽ tốt hơn lần tổ chức trước, có lẽ vẫn còn đôi ba chuyện phải bàn.

Múa rối hay chương trình tạp kỹ?

Mười nước được mời tham dự, do điều kiện phải di chuyển xa xôi, lượng nhân lực và kinh phí đầu tư có hạn, đều đem tới những đạo cụ gọn nhẹ, sân khấu nhỏ - đôi khi chỉ đúng một con rối (vở Mở đầu của sự sợ hãi của Brazil), số diễn viên hiếm khi vượt quá con số 5 và thứ họ trình diễn trên sân khấu chỉ hoàn toàn là múa rối, đôi lúc có kết hợp hai, ba loại hình múa rối với nhau. Trong khi đoàn VN, với lợi thế sân nhà, dựng tới cả tám vở diễn đều hoành tráng với đạo cụ cồng kềnh, phức tạp, dàn trải kín sân khấu và dàn diễn viên cho mỗi vở lên đến hàng chục người.

Và có lẽ để tăng thêm tính mới mẻ, mỗi vở múa rối lại là tổng thể của rất nhiều loại hình nghệ thuật khác, ví như Chuyện tò he (Nhà hát Múa rối T.Ư): rối cạn hiện đại + người diễn + nghệ thuật sắp đặt; Hồn quê (Nhà hát Múa rối T.Ư): rối nước + nghệ thuật sắp đặt; Huyền thoại cồng chiêng (Đoàn Nghệ thuật múa rối Đắc Lắc): rối que + người diễn, hay như vở Trấn Cổ Loa thành (Nhà hát Múa rối Thăng Long) lại hao hao giống một vở kịch nói, chỉ khác là diễn viên đeo mặt nạ của những nhân vật rối mà thôi.

Anh Thanh, một khán giả ở quận Ba Đình, nói: "Tôi thấy múa rối của ta giống chương trình tạp kỹ mà không món nào thật sự xuất sắc. Thà rằng để công sức đó mà trau chuốt điều khiển con rối được tinh xảo, sinh động, có hồn như nước ngoài có khi lại hay hơn".

Phải đậm giá trị truyền thống?

Y1IrpgZo.jpgPhóng to

Mở đầu của sự sợ hãi (Nhà hát Morpheus 12, Brazil) gần gũi về nội dung, gọn nhẹ về đạo cụ, đoạt huy chương đồng - Ảnh: Trọng Tùng

Đua nhau trình diễn những truyền thuyết, tích trò truyền thống của mỗi nước có lẽ là đặc điểm chính dễ nhận thấy nhất trong liên hoan lần này, đặc biệt là khu vực châu Á, dù rằng tính phức tạp, nhiều lớp lang trong cốt truyện, sự khó nhớ của vô vàn cái tên riêng đã gây không ít khó khăn trong việc tiếp nhận, hưởng thụ cái hay, cái đẹp của khán giả thủ đô. Riêng đoàn Việt Nam, nội dung này chiếm tới 7/8 tác phẩm dự thi.

Gần 2/3 tiết mục của các đoàn nước ngoài, đặc biệt là khu vực châu Á: Trung Quốc, Singapore, Philippines, Thái Lan, Indonesia, cũng cùng chung đề tài, với những Apsara, Dewaruci, Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài... Đành rằng đó là điều nên làm trong mỗi dịp giao lưu văn hóa quốc tế, nhưng nắm bắt được nội dung, diễn biến của từng ấy tích cổ trong một thời gian rất ngắn, và chỉ được biết đại khái nội dung qua lời giới thiệu sơ sài của MC ngay trước vở diễn, không ít thì nhiều cũng đã là một sự thử thách hơi quá sức, dù là với người lớn có kiến thức văn hóa nền tương đối tốt, chứ chưa nói tới đối tượng khán giả chính là các em nhỏ.

Không biết có phải vì thế mà những tiết mục được vỗ tay nhiều nhất lại chính là những câu chuyện giản dị, hài hước mang hơi thở hiện đại, gần gũi với đời thường nhất: Những người tốt bụng trình diễn vở kịch của mình (Nhà hát Tof, Bỉ), Mở đầu của sự sợ hãi (Nhà hát Morpheus 12, Brazil) hay Những con thú trong mơ (Nhà hát Train, Israel).

Rào cản ngôn ngữ

Rào cản lớn về ngôn ngữ thiếu chút nữa biến liên hoan trở thành tuần lễ sinh hoạt văn hóa cho... người lớn và biết tiếng Anh, bởi bên cạnh tám vở của đoàn VN hoàn toàn bằng tiếng Việt, có đến quá 2/3 các vở múa rối của các đoàn nước ngoài dùng tiếng Anh làm lời thoại, hoặc không thì cũng là tiếng bản ngữ (Indonesia, Ai Cập, Trung Quốc). Ngoại trừ hai phút giới thiệu sơ qua nội dung ở đầu chương trình, gần như không có bất cứ một sự chuyển ngữ nào trong suốt 45 phút của mỗi tác phẩm. Không ít khán giả... ngơ ngác trước những vở nhiều lời thoại.

Nghệ sĩ Danilo Liwanag (Đoàn Tali Galaw, Philippines) nói: "Khác biệt về ngôn ngữ đôi khi khiến chúng tôi khó khăn. Nếu được tham dự lần sau, chúng tôi sẽ thu âm trước một bản thuyết minh tiếng Việt cho tiết mục của mình".

Xung quanh vấn đề này, ông Vương Duy Biên, giám đốc Nhà hát Múa rối T.Ư, ủy viên ban giám khảo, nói: "Khi đã đi dự một liên hoan quốc tế phải để ý vấn đề rào cản ngôn ngữ. Mà tác phẩm nào đó sa vào chuyện nói nhiều, làm cho khán giả không hiểu thì họ sẽ không yêu thích tác phẩm của mình. Cách xử lý thông minh là nên lựa chọn một cách thể hiện nào đó thể hiện tính quốc tế cao nhất".

15/33 giải thưởng thuộc về VN

FdqAvZN6.jpgPhóng to
Liên hoan múa rối quốc tế lần thứ nhất 2008 chính thức khép lại bằng lễ bế mạc trang trọng tại Nhà hát lớn Hà Nội sáng 23-2-2008.

Mười lăm trên tổng số 33 giải thưởng chính của liên hoan đã thuộc về các đoàn múa rối và nghệ sĩ VN. Huy chương vàng duy nhất trong nhóm Giải chương trình xuất sắc nhất trị giá 16.200.000 đồng đã thuộc về vở Hồn quê của Nhà hát Múa rối T.Ư (ảnh). Ba huy chương bạc (trị giá 11 triệu/giải) được trao cho vở Chuyện tò he (Nhà hát Múa rối T.Ư), Huyền thoại Tiên - Rồng (Nhà hát múa rối Thăng Long, Hà Nội), và Apsara (Đoàn múa rối Hobbyhut Chiangmai, Thái Lan).

Năm huy chương đồng (trị giá 8 triệu/giải) cũng lần lượt được trao cho các đoàn múa rối tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đoàn Morpheus Teatro 12 từ Brazil, Nhà hát Train từ Israel, và hai tiết mục của hai đoàn múa rối từ Indonesia. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao cho các cá nhân 10 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 3 giải đạo diễn xuất sắc, 3 giải nhạc sĩ xuất sắc và 1 giải họa sĩ thể hiện xuất sắc.

Mặc dù được đánh giá là có phần giống những chương trình tạp kỹ khi trộn lẫn quá nhiều thể loại nghệ thuật trong một vở rối, nhưng do lợi thế sân nhà, cùng lối dàn dựng hoành tráng, cầu kỳ, đoàn VN đã giành gần hết các huy chương vàng, bạc của nhóm Giải chương trình/tập thể. Trong khi những vở rối ít người của các đoàn nước ngoài lại chiếm đa số huy chương ở khu vực Giải cá nhân xuất sắc.

Theo thông tin từ ban tổ chức, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao - du lịch Hoàng Tuấn Anh dự định tổ chức liên hoan múa rối quốc tế lần 2 vào năm 2010, góp thêm vào chuỗi sự kiện kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.

Nguyệt Ca

NGUYỆT CA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên