![]() |
Trẻ khó ngủ-Ảnh: N.C.T. |
Hoảng loạn trong lúc ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ được đặc trưng bởi những giai đoạn âu lo quá độ kèm với sợ hãi quá mức thường biểu hiện ra bên ngoài bằng la thét, đập giường, thở nhanh hổn hển, mạch nhanh và tháo mồ hôi.
Hoảng loạn lúc ngủ thường xuất hiện vào đầu giấc ngủ, trong vòng một giờ. Trẻ đang ngủ đột ngột ngồi dậy, mắt mở thao láo, la hét, tháo mồ hôi và hốt hoảng cực độ. Thời gian cơn hoảng loạn có thể kéo dài 5-20 phút. Trong khoảng thời gian này, trẻ thật sự vẫn đang ngủ mặc dù mắt có thể mở trừng trừng, đồng tử dãn lớn và dĩ nhiên là không nhìn thấy gì. Một phần ba trẻ mắc chứng hoảng loạn có biểu hiện mộng du.
Cơn hoảng loạn trong lúc ngủ khác với ác mộng ở chỗ chúng thường xuất hiện trong giờ đầu tiên của giấc ngủ, trong khi ác mộng có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào. Mặt khác, trẻ mắc cơn hoảng loạn thường ngủ thiếp đi ngay sau cơn và không nhớ gì vào ngày hôm sau. Còn trẻ gặp ác mộng thường tỉnh ngủ hẳn và có thể nhớ lại cơn ác mộng với trình tự như thể một cuốn phim.
Thời điểm đi khám Đưa trẻ đi khám khi có một trong các biểu hiện sau đây. Trẻ có nhiều hơn một cơn hoảng hoạn trong tuần. Trẻ vẫn xuất hiện cơn hoảng loạn sau khi đã được đánh thức phòng ngừa 15 phút trước cơn.Cơn kéo dài trên 45 phút.Trẻ có biểu hiện xuất tiết đàm dãi, rung giật cơ và gồng cứng người. Trong cơn trẻ có bất kỳ biểu hiện nào có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trẻ có vẻ hoảng sợ trong ngày. Ở người trưởng thành nếu cơn hoảng loạn xuất hiện thường xuyên một cách bất thường, không giảm sau khi đã điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống thì nên khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh hoặc tâm lý. |
Ở trẻ em cơn hoảng loạn thường gặp hơn và có thể xảy ra khi trẻ quá mệt mỏi, mất ngủ, thay đổi giờ ngủ, do tiếng ồn hoặc thậm chí khi trẻ buồn tiểu.
Ở người lớn khi bị stress, dùng các thức uống chứa cồn cũng làm tăng đáng kể tần suất các cơn hoảng loạn. Cơn hoảng loạn cũng có thể xuất hiện sau một chấn thương đầu. Các nguyên nhân khác không gây nên cơn hoảng loạn nhưng có thể góp phần thúc đẩy sự xuất hiện cơn bao gồm một số thuốc, quá mệt mỏi trước khi ngủ, bữa ăn tối quá no, nghiện ngập...
Có các phương pháp điều trị đơn giản sau đây. Trong hầu hết trường hợp trẻ đang bị cơn hoảng loạn vẫn tiếp tục ngủ và rất khó đánh thức. Mục đích can thiệp lúc này là đưa trẻ đang bị hoảng loạn trở lại giấc ngủ yên tĩnh. Cần bật đèn sáng, ôm và vỗ về nhẹ nhàng, tránh dùng những động tác đột ngột, thô bạo như lay giật hoặc hét vào mặt để làm trẻ thức giấc.
Không để trẻ phải chịu đựng những stress trong gia đình, ở trường học cũng như trong các mối quan hệ khác ngoài xã hội. Trường hợp trẻ thường xuyên xuất hiện cơn hoảng loạn và có biểu hiện nặng nề nên đi khám tại bác sĩ chuyên khoa nhi. Tùy từng nguyên nhân mà thầy thuốc có thể khuyến cáo biện pháp điều trị thích hợp cho từng trẻ.
Nhẹ nhàng đánh thức
Lưu ý rằng bất kỳ trẻ em nào cũng đều có thể gặp cơn hoảng loạn khi ngủ. Tuy nhiên nếu cơn chỉ thỉnh thoảng xảy ra thì đó là biểu hiện bình thường trong quá trình phát triển chứ không phải do bệnh tật hay rối loạn tâm lý nào cả.
Về cách phòng ngừa, nếu trẻ thường xuyên xuất hiện cơn hoảng loạn, ba mẹ có thể theo dõi và xác định được thời điểm thường xảy ra cơn. Lúc này các bậc phụ huynh nhẹ nhàng đánh thức trẻ khoảng 15 phút trước thời điểm thường xảy ra cơn. Giúp trẻ tỉnh táo một thời gian ngắn, ra khỏi giường và sau đó mới cho trẻ ngủ lại. Thiếu ngủ cũng là một nguyên nhân gây xuất hiện cơn hoảng loạn, do vậy không cho trẻ thức khuya. Nhớ cho trẻ ngủ trưa.
Người lớn mắc chứng hoảng loạn cần giảm stress, tránh lạm dụng bia rượu và các chất kích thích như trà, cà phê, nước tăng lực vào buổi tối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận