23/12/2003 10:46 GMT+7

Hoa thiếu nữ giữa rừng Trường Sơn

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên phó tư lệnh đoàn 559, đã từng liệt kê hàng loạt “sát thủ” của bộ đội Trường Sơn: bom mìn hỗn hợp, các trận bom tọa độ (đặc biệt là B52 rải thảm), lũ dữ bất ngờ, đói do tắc đường tiếp tế, sốt rét ác tính... Ông cũng không quên nhắc tới hàng chục ngàn cô gái trẻ VN đã từng là bộ đội Trường Sơn.

XyDAjxfy.jpgPhóng to

Cô Đặng Thị Vân và cô Võ Thị Sương - cựu TNXP Trường Sơn - nhận hoa từ các bạn trẻ - Ảnh: Thanh Đạm

TT - Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên phó tư lệnh đoàn 559, đã từng liệt kê hàng loạt “sát thủ” của bộ đội Trường Sơn: bom mìn hỗn hợp, các trận bom tọa độ (đặc biệt là B52 rải thảm), lũ dữ bất ngờ, đói do tắc đường tiếp tế, sốt rét ác tính... Ông cũng không quên nhắc tới hàng chục ngàn cô gái trẻ VN đã từng là bộ đội Trường Sơn.

Không ai biết rõ tên người con gái đầu tiên đặt chân tới Trường Sơn nhưng ngay từ năm 1965 trên mặt trận khốc liệt này đã có nhiều bóng hồng trong đội hình thanh niên xung phong(TNXP), dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, quân y và hậu cần.

Cựu đội viên TNXP Đặng Thị Vân (quê Ninh Bình) kể: “Hồi đó thanh niên miền Bắc ai cũng muốn vào Nam chiến đấu. Bố mẹ ngại tôi thân gái dặm trường nên cương quyết không cho, tôi đành đi lén. Mãi sau này tôi mới biết mỗi lần nhận được cánh thư gửi về từ chiến trường là ông bà không sao cầm được nước mắt”. Còn cô Võ Thị Sương, bác sĩ quân y, khi đó chỉ là sinh viên y khoa mới ra trường: “Lúc đầu tôi cứ lo không được đi do có con nhỏ…”.

Thử thách đầu tiên đối với họ chính là... đi bộ và mang vác nặng. Trên vai người nào cũng không dưới 20kg với lỉnh kỉnh gạo, lương khô, quần áo, mùng mền cùng với “đồ nghề” gồm túi cứu thương (quân y), cuốc xẻng (TNXP) và... chiếc gậy. Để giảm sức nặng, nhiều cô đã cắt bỏ bớt một nửa tấm mền. Lúc bấy giờ hệ thống đường Trường Sơn còn là những lối mòn nhỏ, việc vận chuyển lương thực, vũ khí chủ yếu bằng sức người. Núi rừng mênh mông, con gái chân yếu tay mềm phải liên tục vượt núi, lội suối, băng rừng.

Chính trong đêm đầu tiên giữa rừng Trường Sơn, Sương đã ghi vào nhật ký: “Con gái yêu quý của mẹ ơi! Con bắt chước mọi người giơ tay tạm biệt mẹ nhưng đâu biết rằng đó có thể là lời vĩnh biệt. Nếu mẹ và đồng đội có hi sinh thì cũng để cuộc đời của con được trọn vẹn hơn. Con hãy tha lỗi cho mẹ, nhưng lỗi này không phải do mẹ gây ra. Đất nước mình còn chiến tranh, mẹ là người trí thức được Đảng cho ăn học mà trong giờ phút này không góp sức đánh giặc thì liệu có xứng đáng không?”.

Chiều 20-12, đoàn viên thanh niên và cựu chiến binh cơ quan Báo Tuổi Trẻ đã có buổi sinh hoạt thú vị mang tên "Thân gái giữa rừng Trường Sơn", giao lưu với cựu nữ chiến binh và đội viên TNXP từng công tác và chiến đấu tại chiến trường Trường Sơn.

Cô Nguyễn Thị Lan, chiến sĩ thông tin, nhớ lại: “Một lần hành quân giữa rừng, phát hiện một hố bom đầy nước, chúng tôi xúm vô vốc đầy biđông và uống cho đã khát, đến lúc ai đó khẽ nhá đèn pin mới phát hiện toàn xác người...”. Cô Thanh Hường, người con gái dám bỏ dở ĐH thanh nhạc để tham gia đội hình văn công đầu tiên vào phục vụ chiến sĩ Trường Sơn, kể chuyện vui: “Binh trạm nọ chỉ có một chiến sĩ bám trụ và anh ấy đã nhảy cẫng lên sung sướng vì sáu năm qua mới được... bắt tay phụ nữ”.

Nếu gạo hết, lương khô hết, họ phải sống dựa vào rừng. Cô Hường cho biết tại nhiều binh trạm, bộ đội ăn chỉ toàn củ chuối, măng rừng, rau tàu bay và người chiến sĩ văn công cũng phải vậy; khi đó, mỗi lần lấy hơi để hát là bụng lại sôi rồ rồ. Mùa nắng, suối cạn khô, nước cực hiếm. Lúc đang khát hễ thấy nước ở đâu cũng múc lấy rồi cho thuốc sát trùng vào, còn nếu hết thuốc thì phủ khăn trên mặt liếm đỡ vài giọt nước. Nước không đủ để uống, nói chi để tắm. Muốn có nước để vệ sinh cơ thể sau cả ngày đường leo núi có khi lại phải đi lấy cách xa vài cây số”.

Đường Trường Sơn không chỉ là một tuyến đường mà còn là một mặt trận khốc liệt - “Máy bay địch phá chỗ nào là chúng tôi có mặt ngay chỗ đó. Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc. Nhiều lúc đang say sưa với công việc thì máy bay địch lại ập tới, đành chôn chân tại chỗ, nếu nó đánh trúng thì mình chết, vậy thôi!” - cô Vân nói. B52 đánh sập hầm, đồng đội moi đất cứu, duy chỉ có mình chiến sĩ Lan sống sót.

Những cái chết của đồng đội đã trở thành nỗi ám ảnh suốt cuộc đời họ, như chuyện của những cô gái đang bảo vệ khu vực ngầm Aki, một trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Mỗi lần ra suối tắm hay lấy nước đều có thể bỏ mình do máy bay địch đến bất ngờ. Và Thắm đã ôm trọn một quả bom bi vào ngực phải...

“Nhưng gay go nhất là cuộc chiến đấu với chính mình - tướng Hy cho biết - Có những đơn vị nữ sống biệt lập, hàng mấy năm trời không gặp nam giới nên họ mắc phải “bệnh cười”... Nhiều lúc họ bỗng nhiên cười ngất chẳng hiểu nguyên do. Ở tuổi thanh xuân, họ cũng khao khát được hưởng hạnh phúc lứa đôi... Cuộc chiến quá khốc liệt nên mỗi khi gặp nhau họ chỉ kịp chào hỏi, chọc ghẹo nhau vài câu rồi sau đó lại tiếp tục chiến đấu”. Cô Vân tâm sự: “Chiến tranh mà, ngày mai chẳng biết ra sao nên chẳng ai dám yêu đương, hứa hẹn. Có chăng là tình cảm đồng đội sống chết có nhau”.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy xúc động: “Tôi thấy con gái mình lớn lên và được sống sung sướng giữa thời bình mới thấu hiểu hết được sự phi thường của các cô gái Trường Sơn”.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên