![]() |
Tranh: Hoàng Tường |
Là sinh viên khóa 1 Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế, thuộc lớp họa sĩ Việt Nam đầu tiên theo đuổi trường phái ấn tượng - siêu thực, Lâm Triết cũng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên có tên trong Viện Bảo tàng Nghệ thuật Los Angeles, Hoa Kỳ.
Sau 15 năm định cư ở Mỹ, năm 1990, họa sĩ Lâm Triết về thăm lại quê hương. Với ông, chuyến đi đó cũng là hành trình quay về với nghệ thuật của người nghệ sĩ. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra tại nhà riêng của ông trong khu biệt thự Thảo Điền, quận 2 vào một buổi chiều tháng 4, mở đầu bằng những hồi ức rời rạc về những ngày đầu đặt chân đến nước Mỹ:
- Khi máy bay cất cánh, đưa tôi rời xa bầu trời xứ sở, tôi cũng chưa có ý niệm gì về nơi mình sẽ đến. Lúc máy bay hạ cánh xuống đảo Guam, chặng dừng chân đầu tiên trước khi làm thủ tục nhập cảnh vào Mỹ, tôi cảm thấy hụt hẫng. Rồi đột nhiên tôi lên cơn kinh phong, hơn ba tháng trời không nhận mặt, gọi tên được các con của mình… Cũng như những người Việt khác, tôi phải làm nhiều việc để mưu sinh, từ lái xe giao hàng, mở tiệm cơm, vẽ bìa sách cho một vài nhà xuất bản… Tích lũy được chút vốn, tôi mở nhà in. Nhờ vậy mà cuộc sống cũng dễ thở hơn.
* Công việc làm ăn đang tiến triển như vậy, đâu là lý do khiến ông về lại quê hương?
- Thực tình, ban đầu tôi cũng chưa có ý định ở hẳn, về thăm quê hương chủ yếu là để vơi bớt nỗi nhớ tích nén lại trong lòng suốt quãng thời gian xa xứ. Suốt 15 năm ở Mỹ, tôi không sáng tác được. Vậy mà về tới Việt Nam là vẽ lại được liền và vẽ rất dễ dàng. Màu sắc tự do chảy tràn ra đầu cọ.
Chính quê hương làm hồi sinh sức sáng tạo trong tôi. Chính quê hương giúp tôi lý giải được tại sao luôn mang cảm giác xa lạ, bất ổn trong suốt quãng thời gian ở Mỹ. Nơi đó, cái gì cũng lạ, cũng đẹp, nhưng không phải của mình, không cảm thấy quyến luyến. Một số bạn bè họa sĩ của tôi cũng không vẽ được. Không ai sống được bằng tranh. Mọi người đều phải làm những nghề khác để kiếm sống… Ngày trở về cũng là lúc các con của tôi đã trưởng thành, nên tôi quyết định về hẳn.
* Người ta thường ví tác phẩm như những đứa con của người nghệ sĩ. Vậy mà, nhìn lại tất cả các cuộc triển lãm của ông thì thấy rằng ông không hề đặt tên cho những đứa con của mình?
- Thông thường, cái tên giúp cho người xem một phương tiện để giải mã bức tranh. Nhưng cũng chính cái tên khiến người xem bị chi phối trong quá trình tiếp xúc với tác phẩm. Ví dụ đề tên cho một tác phẩm là giông bão thì người xem sẽ cố gắng đi tìm giông bão nhưng có khi lại chẳng thấy được. Thêm nữa, việc đặt tên cho tranh trừu tượng, theo tôi, là không phù hợp.
* Ông có thể nói rõ hơn…
- Người họa sĩ sáng tác bằng cảm nhận, người xem tiếp cận với tác phẩm cũng bằng cảm nhận. Không thể dùng lời lẽ, cách thức hay bất cứ dấu hiệu nào khác để dẫn đường cho người xem. Nói một cách hình ảnh thì tranh trừu tượng cũng giống như nhạc hòa tấu, không có lời nhưng vẫn có thể lay động được xúc cảm của người nghe. Những bức tranh của tôi không có tên. Tôi thường lấy một cái tên chung cho những bức tranh được bày ra triển lãm. Chẳng hạn như triển lãm Từ cõi an bình thực hiện năm 1993 thì bức nào cũng là Từ cõi an bình.
* Nghe nói cũng chính vì cái tên mà ông bị đánh tơi tả khi mang triển lãm này sang California?
- Những người quá khích còn đe dọa phá phòng tranh. Họ chất vấn tôi tại sao lại lấy tên là cõi an bình trong một xã hội cộng sản. Tôi trả lời rằng cái cõi an bình ấy là ở trong tâm của tôi. Nhờ tìm lại sự an bình nên tôi mới sáng tác được. Tuy nhiên, cuối cùng thì cuộc triển lãm cũng không thành.
* Sau sự cố đó, ông có còn mang tranh qua triển lãm ở Mỹ?
- Còn. Nhưng tôi không triển lãm trong cộng đồng người Việt. Tôi treo tranh của mình ở một số gallery Mỹ.
* Nghe nói ông cũng có một phòng tranh riêng ở bên đó?
- Phòng tranh này có từ năm 1992, đặt tại nhà của con trai lớn của tôi. Phòng tranh chỉ bày tranh của tôi, không mở cửa thường xuyên. Ai có nhu cầu thì gõ cửa.
* Không chỉ Từ cõi an bình không thành ở Mỹ, triển lãm Lắng đọng ông tổ chức ở Hà Nội năm 1997 cũng phá sản vào phút chót. Ông Thái Bá Vân, một cây bút phê bình - nghiên cứu nghệ thuật của Hà Nội viết trong sổ lưu niệm, rằng: “Lắng đọng nhưng mà rạo rực, xôn xao. Chúng ta đâu có đứng trên mặt đất, chúng ta đang đứng trên mặt đại dương đấy chứ, và gió bão dội vào người nghệ sĩ nhiều hơn cả. Thế mà lắng đọng, thế mà âm thầm. Tôi xem tranh Lâm Triết dựng ở chân tường Hà Nội, chứ không phải treo trên cao. Tôi hiểu thêm thế nào là thân phận”. Kể từ lần đó, ông có còn mang tranh của mình trở lại Hà Nội?
- Không. Tôi nghĩ một lần là đủ. Trước khi tôi mang tranh ra Hà Nội, một người bạn của tôi khẳng định rằng sẽ có được giấy phép. Nhưng đến phút chót thì tôi không nhận được sự đồng ý của ngành văn hóa. Những người có trách nhiệm giải thích rằng người ký quyết định cấp phép đi công tác, không về kịp. Tuy nhiên, bạn bè vẫn đến khá đông đủ, cùng uống rượu và xem tranh bày dưới chân tường. Cảm động lắm.
* Ở Mỹ, làm triển lãm có phải xin phép không, thưa ông?
- Không. Chính quyền không can thiệp vào các hoạt động nghệ thuật. Chỉ cần có đủ tranh và gallery đồng ý là treo thôi.
* Nhìn lại chặng đường hơn 50 năm cầm cọ, đâu là bức tranh mà ông hài lòng nhất?
- Bức nào tôi cũng hài lòng, nhưng chỉ trong một thời điểm nhất định. Lâu lâu nhìn lại, thế nào cũng còn một vài chỗ “sạn”. Có lẽ bức tranh hài lòng nhất là bức mà tôi chưa vẽ.
* Nếu tự làm một cuộc tổng kết cho hành trình đến với hội họa trừu tượng, ông thấy mình đã đi đến đâu?
- Tôi nghĩ mình vẫn cần phải học nhiều. Tôi học ở bạn bè, đồng nghiệp, không câu nệ già - trẻ. Ngay cả điều dở cũng có thể trở thành những bài học. Tôi học từ lao động quá khứ của mình. Càng học, càng đi, càng thấy hội họa mênh mông, không biết đâu là giới hạn.
* Nghĩa là có thể ông sẽ không đến đích?
- Tiếp tục “đi”. Tiếp tục sáng tạo. Điều đó quan trọng hơn đối với tôi. Ngừng sáng tạo là xem như cái phần nghệ sĩ trong mình đã chết.
* Sơn mài thường được nhắc đến như một món “đặc sản” của Việt Nam. Còn ông thì có vẻ hết mực trung thành với sơn dầu?
- Mỗi loại hình nghệ thuật đều có nét ưu việt riêng. Không nên so sánh cái này với cái khác. Tôi chọn sơn dầu vì nó thể hiện chân thực được tâm tư của tôi. Tức là tôi nghĩ gì thì thể hiện được điều đó ra trên tranh. Màu sắc của sơn dầu cũng bền hơn.
* Sơn mài cũng bền màu?
- Đúng. Thực tế là tôi cũng đã vẽ sơn mài một thời gian. Nhưng loại hình này đòi hỏi nhiều giai đoạn, khiến mình bị chậm lại khi thể hiện cảm xúc.
* Tranh của ông bán có khá không?
- Tôi bán được không nhiều. Mỗi lần triển lãm bán được vài ba bức. Có lẽ một phần vì tranh trừu tượng cũng kén người xem.
* Theo ông thì số lượng tranh bán ra có phải là thước đo năng lực của một họa sĩ?
- Nếu chỉ nhìn vào số lượng thì e rằng hơi phiến diện. Việt Nam chưa có thị trường tranh. Người mua tranh hiện nay đa phần là khách du lịch. Họ xem tranh như một món quà kỷ niệm trong một chuyến đi. Thực tế thì có một số người sẵn sàng hạ giá tranh của mình. Nói cách khác, giá nào họ cũng bán.
* Ông đã từng hạ giá tranh của mình?
- Có. Tôi đã bán bức tranh của mình với giá 500 USD, bằng một phần sáu mức giá “niêm yết”. Người mua tranh của tôi là một cô chủ tiệm hớt tóc. Cô ấy viết vào sổ lưu niệm rằng thích bức tranh đó, muốn mua bức tranh đó về treo ở cửa tiệm để cô ấy và khách hàng của cô ấy hàng ngày có thể xem tranh. Có một khách hàng như vậy thật đáng quý.
* Có ý kiến cho rằng tranh Lâm Triết khó hiểu?
- Chuyện đó là bình thường.
* Từng là một giáo sư dạy về mỹ thuật ở trường trung học, ông nghĩ sao về vấn đề giáo dục thẩm mỹ ở giáo dục phổ thông hiện nay, đặc biệt là hội họa?
- Tôi thấy chúng ta chưa quan tâm đến giáo dục thẩm mỹ. Nếu không thể triển khai từ bậc tiểu học thì có thể đưa vào bậc trung học. Biết rung động trước cái đẹp là vô cùng cần thiết trong hành trang vào đời.
* Nghệ thuật sắp đặt bắt đầu du nhập vào Việt Nam hơn mười năm trở lại đây. Ông nhìn nhận thế nào về loại hình nghệ thuật này?
- Tôi nghĩ đó không phải là hội họa. Không thể là xếp cái bàn chỗ này, đặt cái ghế chỗ kia mà gọi đó là hội họa. Theo tôi biết thì thế giới cũng không xem đó là hội họa.
* Nhưng có ý kiến cho rằng hội họa giá vẽ bó hẹp khả năng sáng tạo của người họa sĩ?
- Với tôi, mỗi bức tranh là một mẩu chuyện nhỏ trong một cuốn sách không có trang cuối. Tôi không nghĩ rằng khung vải giới hạn khả năng sáng tạo của người nghệ sĩ. Chỉ cần thay đổi một chút là màu sắc đã khác đi rồi.
* Vậy hội họa là cuộc chơi của màu sắc hay tư tưởng, thưa ông?
- Tôi nghĩ đó là cuộc chơi bất tận của màu sắc. Hội họa không phải là sự kể lể, cũng không thể đưa triết lý vô. Nếu muốn nói triết lý thì hãy viết ra, đưa vào hội họa làm chi, mất công cắt nghĩa thêm một lần nữa. Làm như vậy nghĩa là vô hình trung biến hội họa thành minh họa.
* Ông có nghĩ luận điểm này sẽ bị phản đối?
- Nếu không có chuyện đó thì tôi mới bất ngờ. Đây là vấn đề quan điểm, không phải chuyện đúng - sai.
* Cũng như việc có nhiều người không qua trường lớp mà đam mê hội họa?
- Vâng, nếu việc đó mang lại cho họ niềm vui. Xem hội họa là một thú tiêu khiển lành mạnh thì rất tốt. Tuy nhiên, cũng cần có sự nghiêm túc và công tâm khi đánh giá tác phẩm của họ. Bởi từ đam mê đến việc trở thành họa sĩ thật không đơn giản. Cũng như các ngành nghệ thuật khác, hội họa đòi hỏi người nghệ sĩ phải hiến thân cho nó.
* Vậy còn năng khiếu thì sao, thưa ông?
- Năng khiếu rất quan trọng, quyết định khoảng 70% tài năng của người họa sĩ. Nhưng không thể xem thường 30% còn lại, gồm các kỹ năng căn bản như màu sắc, bố cục, đường nét… Kỹ năng căn bản không phải chuyện ngày một ngày hai mà có. Nó đòi hỏi sự thực tập liên tục trong một thời gian dài. Thiếu những kỹ năng này thì 70% năng khiếu cũng giống như ngọc trong đá. Tôi mê hội họa từ nhỏ. Lên trung học bắt đầu cầm cọ. Rồi thi vào Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế. Được sự chỉ dạy tận tình của các thầy, nhưng lứa sinh viên chúng tôi hồi đó cũng phải học bốn năm.
* Nhưng phong thanh rằng ông đã bỏ ngang trước khi tốt nghiệp?
- Tôi học ở Cao đẳng Mỹ thuật Huế hai năm (một năm dự bị và năm thứ nhất). Năm thứ hai tôi vào Sài Gòn vì muốn học hỏi thêm những điều mới lạ vì vùng đất này là nơi tiếp xúc với giới thưởng thức hội họa có trình độ cao hơn ở thành phố nhỏ! Tuy nhiên, tôi vẫn thích sáng tác hơn là lấy bằng cấp… để mưu sinh, và tôi đã bỏ học.
Cũng cần nhắc lại là các giáo sư dạy trong trường vẫn có thói quen bắt sinh viên làm theo những điều mà mình muốn mà không cần khai phá và hướng dẫn theo năng khiếu hay sự sáng tạo của sinh viên… để tìm tài năng mới. Thật sự, rèn luyện kỹ thuật căn bản cho sự sáng tác hội họa cũng chỉ cần ba năm là đủ và người nghệ sĩ phải biết quên kỹ thuật ấy mà sáng tạo thì mới dễ tìm được cái riêng biệt cho mình.
* Có khi nào ông cảm thấy hối tiếc về quyết định đó?
- Không. Tôi không hề hối tiếc!
* Trong số những họa sĩ thế hệ đi sau của ông, ông có ấn tượng với ai?
- Ở phía Nam, tôi thích Hồ Hữu Thủ. Anh ấy làm việc khá say sưa. Ngoài Hà Nội cũng có một vài người, nhưng tôi không nhớ tên. Đương nhiên, đấy là những người mà tôi biết. Tôi có cảm giác bây giờ một số họa sĩ thích đăng đàn, lập ngôn hơn là lao động nghệ thuật. Hình như họ sợ người ta quên mất mình.
* Một ngày làm việc của ông như thế nào nhỉ?
- Đều đặn, mỗi ngày tôi dành ra năm tiếng để vẽ. Vẽ trở thành một nhu cầu tự thân. Vả lại, tuổi cũng lớn rồi, không cầm cọ thì cũng chẳng biết làm gì. Thời gian còn lại thì đọc sách, đọc báo, thăm thú bạn bè. May mắn là bà xã tôi cũng mê bạn. Khách đến chơi là quý. Nhà tôi là một tụ điểm được bạn hữu ưu ái.
* Bà nhà cũng là nguồn cảm hứng để ông thực hiện triển lãm Từ giọng hát em tại TP.HCM năm 2006, khi vừa bước sang ngưỡng thất thập cổ lai hy?
- Nhà tôi là chỗ dựa tinh thần của tôi. Cô ấy cũng am hiểu hội họa, có thể chia sẻ với tôi niềm đam mê hội họa. Cô ấy cũng là người đầu tiên xem tranh của tôi. Trong quá trình sáng tác, đôi lúc, tôi cũng bí. Ngồi trước bức tranh đang hoàn tất, thấy mênh mông quá, đắn đo không biết nên dừng lại ở đâu thì cô ấy sẽ đưa ra những nhận xét tế nhị. Có thể là “bố cục này không thích lắm”, “thấy thiếu thiếu một cái gì đó”…
* Một câu hỏi cuối cùng. Từ giờ cho đến cuối năm, những người yêu hội họa có thể chờ đợi gì từ Lâm Triết?
- Tôi dự định làm một cuộc triển lãm vào cuối năm nay tại TP.HCM. Tôi tiếp tục trung thành với trường phái trừu tượng. Tác phẩm cũng đã hòm hòm. Còn tên triển lãm là gì thì vẫn chưa có.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận