Hoa ngâu ư! Tôi bỗng rùng mình, mắt lãng đi, kín đáo hít lấy một hơi dài cái mùi hương nhè nhẹ như hư ảo dù ngoại ô tôi bây giờ đâu còn thấy hoa ngâu.
Hoa ngâu mọc thành chuỗi dài. Nụ tròn xoay như những hòn bi bé xíu màu xanh lá rồi chuyển dần sang vàng. Vàng mà trông vẫn cứ rụt rè. Không thấy hoa ngâu nở, hay vì ngâu không kịp nở? Vào cái thời điểm được cho là “chín” ấy, người ta đã hái nó về, vò xát cho rụng hết nụ ra, đóng vào những bao lưới rất to rồi mang đi xa. Sau này, người ta chỉ còn nhìn thấy, mà không, chỉ còn ngửi thấy nó trong làn khói mỏng của những tách trà tri kỷ.
Cái ý nghĩ rằng “chị giống như một chuỗi hoa ngâu” không hiểu từ lúc nào đã hình thành trong đầu tôi. Có thể đó là một cách gọi tên những cảm nhận của tôi về chị, mà đã là cảm nhận thì cũng không giải thích được gì. Có thể anh cũng vậy. Và biết đâu anh cũng đã từng nói một câu hệt như vậy với chị. Còn bây giờ thì vì tôi trông giống chị. Ở cái xóm nhỏ này, mọi người, ngay cả chính tôi khi nhìn vào gương cũng phải giật mình, tôi giống như một bản sao vẻ ngoài của chị mấy năm về trước.
Hồi đó nhà tôi nghèo xơ nghèo xác, anh em lại đông, chị tôi lớn lên đã sớm phải chia sẻ gánh nặng cơm áo cùng cha mẹ. Những lo toan, mặc cảm phủ lên gương mặt xinh xắn của chị một nét buồn cố hữu. Chị che nó lại bằng một chiếc khăn để tránh mọi người, tránh cả ông mặt trời vui vẻ ở trên kia nữa. Má tôi ứng trước tiền công tháng của chị ở nhà ông Bảy và cứ thế mỗi sáng chị đến với một cái giỏ trên lưng đi vào trong vườn. Vườn rộng bát ngát. Chị hái hoa lài, hoa ngâu đem cân kí, xong việc thì quay qua nhổ cỏ dại mọc lan tràn ở bên dưới cho đến xế chiều.
Chị cũng có một cuốn sổ dành chép những bài hát, những bài thơ hay. Buổi tối mày mò viết viết, vẽ vẽ, lạ lùng, đôi lúc còn hát khe khẽ. Những tối phường tổ chức ca nhạc, hội chợ, còn chở theo Út Kim. Út ngồi loay hoay với ly chè để chị và bạn nói chuyện. Chuyện dài lê thê tưởng chừng không biết dứt và Út nhận ra có một mặt trời tỏa sáng trên khuôn mặt không che khăn của chị. Út cũng làm quen cả bạn chị, ngày nào mà anh không chở những bao lưới đầy hoa lài đi ngang nhà.
Những cuộc hẹn hò ngắn ngủi chưa đủ xóa đi những vết buồn trên khuôn mặt chị đã nghe xóm giềng xầm xì bàn tán. Thằng nghèo rớt mồng tơi, lấy nó có nước cạp đất mà ăn! Có con gái xinh đẹp, để như vậy là phí, cứ coi gương con Y, con Z... Ấy, cũng bởi ngoại ô dạo ấy dấy lên phong trào xuất ngoại, con gái lấy chồng ngoại, con trai thì xin đi lao động hợp tác. Nhiều ý kiến lắm. Mà có lý hết. Nó làm má tôi trằn trọc cả đêm không ngủ được. Chợp mắt lại mơ thấy giấc mơ đổi đời. Thấy nhà cửa, xe cộ, thấy cặp vở cho tụi nhỏ, thấy con Ngọc (tên chị) mặc lụa là, má hồng môi son đỏ, không phải đeo khăn che mặt. Mà má còn mong gì hơn nữa chứ. Vậy là má cấm ngặt không cho chị gặp anh. Những buổi tối bây giờ cũng không còn thuộc về chị.
Sau này, tôi cứ luôn tự hỏi, nếu lần ấy tôi đưa được bức thư của anh đến tay chị thì mọi chuyện sẽ ra sao? Chị có đủ dũng cảm đấu tranh để chờ đợi không? Tôi sẽ ngưỡng mộ lắm nếu chị là người dũng cảm đó, nhưng cũng lại xót xa bao nhiêu khi chị vì gia đình, vì chúng tôi mà phải nhận lấy một người Đài Loan luống tuổi. Tôi đã mang luôn cái mặc cảm tội lỗi với chị và cả với anh từ ấy. Tôi cứ hay nhớ lại cái dáng bồn chồn của anh khi đứng trước cổng trường tiểu học chờ để đưa cho tôi bức thư. Tôi đâu biết đó là lời cuối cùng của anh trước một chuyến đi xa, rằng là anh sẽ trở về thành đạt và giàu có để hỏi cưới chị, rằng chị hãy tin và đợi...
Nhưng tôi đã ngu ngốc giao nó cho má. Tôi giương mắt nhìn má đốt rụi nó và rồi vì sợ chị giận mà chẳng dám nói ra. Ngày chị đi, mọi người vui vẻ hoan hỉ, chỉ riêng tôi thắc thỏm, thấy chuỗi hoa ngâu chị sao cứ oằn oặt trong gió.
Tiền chị gửi về giúp sửa lại nhà, giúp hai anh tôi vào đại học, giúp má mỗi tuần đi châm cứu cái lưng đau. Thư chị ngắn, không kèm hình, chuyện kể chung chung. Má trách chị lạnh lùng. Tôi chỉ làm thinh, tối nằm trên chiếc giường cũ của chị mơ thấy khuôn mặt hoa ngâu đẫm đầy nước mắt. Thư lại cho chị tôi cũng cố lấy giọng tỉnh táo nhất để thăm hỏi, chưa bao giờ viết: chị có hạnh phúc không? Ấy, chúng tôi cứ luôn phải che chắn những thắc thỏm trong lòng mình như thế. Anh thì chỉ biết qua những lời đồn đãi, rằng đã lấy một cô bé lai và định cư luôn, rằng là nó đổ đốn ăn chơi nợ nần, suốt kiếp không thể quay về, bằng chứng là đám lao động hợp tác đợt ấy đã lần lượt về hết.
Cuối cùng thì Thiện cũng đã quay về. Không có gì giống với những lời đồn đoán. Thay đổi nhiều nhất có lẽ ở phía ngoại ô. Vườn co lại, nhà nhiều lên, người thì có kẻ chẳng bao giờ có thể gặp lại, và kẻ thì nhìn khác lạ đi. Con nhóc Út Kim gầy gò ngày nào nay là một cô gái tràn đầy sức sống, khuôn mặt rất xinh hệt như chị gái, duy có cái nhìn là mạnh mẽ, tự tin hơn.
Thật ra thì tôi không tự tin nhiều như anh tưởng. Khó khăn lắm tôi mới nói ra được hết những điều cất giấu trong lòng bấy lâu nay, vì chị và cả vì tôi bởi nói ra được tôi thấy nhẹ lòng hơn. Hai anh em ngồi cùng nhìn về phía sông. Tôi không dám nhìn nhưng điều tôi cảm nhận được ở anh là một thái độ bình thản như không. Lát sau, anh nói: “Út nhẹ lòng rồi phải không?” và kêu tôi về. Tôi đạp xe đi, hơi băn khoăn bởi cứ nghĩ mọi chuyện phải khác đi.
Thiện mở một cửa hàng kim khí điện máy ngoài đường lớn, thuê thêm vài người vừa bán vừa kiêm luôn việc sửa chữa. Tiếng nhạc xập xình suốt ngày. Thỉnh thoảng thấy anh chở thùng hàng khổng lồ phóng vèo vèo ngoài đường. Ngoại ô bây giờ nhìn anh bằng con mắt vị nể hơn.
Vào giờ tan học, Thiện ghé vào quán nước bên hông trường đợi Út Kim ra, nói để chơi thôi. Anh kêu chè thập cẩm cho tôi giống như hồi nhỏ, không một lần nhắc lại chuyện cũ. Và sau này cũng như vậy, tuần đôi ba lần. Tôi hơi băn khoăn nhưng rồi cũng chẳng câu nệ gì. Tôi cứ ngồi như thế, hai anh em đôi lúc kiếm một vài chuyện vui vui, kể rồi cười với nhau. Hết chuyện ngồi thừ ra. Một câu hỏi cứ hay bật lên trong lòng tôi “Chị có hạnh phúc không?” bây giờ tôi cũng đọc thấy trong anh. Có điều, giống như tôi, anh cũng không nói ra. Có lẽ vì chúng tôi đều sợ phải nghe câu trả lời. Tôi len lén nhìn, thấy anh già đi trong khi hết thảy mọi người đều cho là anh trông trẻ và sang. Giữa khoảng trống mênh mông lòng anh, tôi chỉ là một cái chấm nhỏ.
Chiều này, khi không Thiện lại nhắc đến hoa ngâu!
Tôi không biết mình có đúng không khi cho rằng anh thích hoa ngâu. Tôi cũng chẳng có ai để chia sẻ. Ước gì có thể nói điều này với chị. Tôi viết lá thư khá dài nhưng rốt cuộc cũng hủy nó đi. Và ngay trong tối đó tôi đã mơ thấy chị. Chị đứng giữa vườn ngâu hoa vàng rười rượi, mặt che khăn. Tôi nghĩ, lần này nhất định phải bắt chị trả lời bằng được câu hỏi ấy. Tôi tiến đến gần chị. “Hai có hạnh phúc không?”. Chị quay đi không đáp. Tôi vòng ra phía trước cố nhìn vào mắt chị. “Hai có hạnh phúc không?”. Tôi giật mình khi nhìn thấy hai mắt chị đỏ hoe. Chị đi, mà không, chị gần như bay trong khoảng không mỗi lúc rộng ra đến như vô cùng của vườn ngâu. Cái màu vàng rười rượi trải dài nối vào cùng màu của buổi chiều tà. Tôi chạy đuổi theo ở bên dưới, đôi chân mỗi lúc nặng nề kéo tôi lùi xa chị, và tôi òa khóc: “Chị không tìm được hạnh phúc thì sao em có thể hạnh phúc được!”...
Tôi tạt vào tiệm anh. Tiếng nhạc xập xình. Anh định bớt nhỏ nhưng tôi ngăn lại. “Hay mà anh!”. Thật thì vì tôi thấy khó khăn khi nói điều đã nghĩ từ đêm qua. “Em không phải là hoa ngâu” - nói thật nhanh, sát vào tai anh. Rồi tôi quay xe đi. Tiếng nhạc xập xình ở đằng sau. Ngoại ô bây giờ nhiều nhà nhiều xe nên cũng nhiều bụi. Bụi bay vào mắt tôi cay xè.
Áo Trắng số 9 (ra ngày 15-9-2007) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận