![]() |
Sau khi khám(thử máu, siêu âm...) em được biết có bệnh tim bẩm sinh, hở van tim và được yêu cầu phẫu thuật, nhưng vì điều kiện khó khăn nên không phẫu thuật.
Những ngày thường em thường cảm thấy mệt khi làm việc, học hành, đôi khi cảm thấy đau ngực , thỉnh thoảng thì như bị cái gì đó chèn ở ngực rất khó chịu (mặc dù không lâu). Em nghe nói, nếu bị bệnh tim bẩm sinh thì không nên mang thai vì khi sinh có thể nguy hiểm đến cả mẹ và con có đúng không ạ? (Hoang Lan)
Trả lời của phòng mạch online
Bạn Hoang Lan thân mến,
Theo thư bạn kể thì bệnh của bạn là hở van tim bẩm sinh, nhưng bạn không nói rõ là hở van tim nào, và hở van ở mức độ nào.
Hở van tim trên người trẻ thường có 2 nhóm nguyên nhân chính:
- Hở van tim bẩm sinh: do bất thường trong quá trình “tạo hình” trái tim trong bào thai (ví dụ như van động mạch chủ chỉ có 2 lá thay vì 3, van 2 lá loạn sản hay có kẽ hở trên lá van...).
- Hở van tim hậu thấp: thường xảy ra ở trẻ em tuổi đi học, do vi trùng streptococcus beta hemolytique type B gây viêm họng rồi sau đó hình thành một phản ứng dị ứng tấn công các khớp và các van tim của bệnh nhi.
Tùy theo mức độ hở van tim và ảnh hưởng của hở van tim lên chức năng tim, lên triệu chứng của người bệnh mà các bác sĩ sẽ quyết định phương pháp đều trị :
- Hở van tim nhẹ (từ ¼ đến 2/4) và/ hoặc hở van tim chưa bị suy tim, chưa hạn chế khả năng sinh hoạt, làm việc của bệnh nhân: không cần phẫu thuật ngay mà chỉ dùng thuốc, theo dõi định kỳ.
- Hở van nặng (từ ¾ trở lên) và/ hoặc có suy tim hay có nhiều triệu chứng lạm hạn chế sinh hoạt của bệnh nhân: cần phải phẫu thuật sửa lại van tim hay thay van cũ bằng một van tim nhân tạo tùy theo mức độ tổn thương van.
Vậy nên nếu bạn bị hở van tim nặng và bạn có nhiều triệu chứng khó chịu (khó thở, đau ngực khi làm việc, khó thở về đêm...) thì việc phẫu thuật là thực sự cần thiết.
Khi một người phụ nữ có thai thì như cầu cung cấp máu cho cơ thể tăng, lưu luợng tuần hoàn cũng tăng lên nên tim phải làm việc “gắng sức” hơn bình thường nhiều. Nếu bạn bị bệnh tim bẩm sinh (làm cho tim bị suy và/ hoặc làm giảm oxy trong máu) mà lại có thai thì có thể làm tim suy nặng hơn và giảm oxy cung cấp cho cả thai nhi và mẹ, hậu quả sẽ gây suy thai và suy tim. Vậy nên nếu bạn có bệnh tim bẩm sinh thì nên đi khám bác sĩ tim mạch định kỳ để được theo dõi sát và phẫu thuật trước khi có thai.
Thân mến.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode). Xin chân thành cảm ơn! B.CHÂU thực hiện |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận