![]() |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Nhớ lại hôm nghe tin đoạt giải nhất, Hoài bồi hồi: “Lúc đó mừng đến nỗi Hoài cứ nhảy lưng tưng, lưng tưng như trẻ nhỏ - một cảm giác chưa từng có”.
Trước khi Thung Lam xuất hiện, vốn truyện ngắn của Hoài còn khiêm tốn lắm, mới chỉ có tám truyện. Hai truyện ngắn đầu tay Bi kịch phố huyện (giải nhất cuộc thi tác phẩm Tuổi xanh - báo Tiền Phong - 1992) và Cô bé khó tính (1993) được Hoài viết khá nhanh, mặc dù “vừa viết vừa học vừa yêu; vừa mang bầu vừa viết”.
Nhắc về sự khởi động tốt đẹp này, Hoài cho rằng những ngày đầu viết rất tự nhiên nhờ vốn sống đã được tích lũy thời sinh viên. Khi làm giáo viên, thời gian hứng thú dành cho cây bút thật hiếm hoi. Thế nhưng Thung Lam vẫn được ra đời với gần một tháng viết và thêm một tháng chỉnh, sửa. Hoài tâm sự: “Khi Thung Lam ở trong đầu, đêm nào chợp mắt cũng mường tượng ra hình hài của “nó”. Viết xong, thấy thèm một không gian sống rộng mở, thèm được đi nhiều hơn để tiếp tục tích lũy vốn sống, tầm nhìn. Nhưng trước hết là thèm được đọc, được học cho chắc chắn. Chứ nếu mình không từng trải, không sâu sắc thì viết truyện ngắn dễ đổ, phí công sức lắm”.
Đang học năm 2 khoa văn Trường đại học Vinh thì Hoài nghỉ ngang chỉ vì một sự không công bằng mà Hoài gặp phải. Hoài “vỡ mộng bởi học đường không chỉ toàn màu hồng như tuổi sinh viên thường nghĩ”. Về quê ít lâu, Hoài lại thèm được đi học, ham muốn đọc, viết lại trỗi dậy. Vậy là Hoài lại thi, học tiếp. Vượt lên sự chán chường, Hoài có thêm một cách nhìn của người cầm bút: “Thường những cái gì không suôn sẻ trong cuộc sống lại có thể giúp mình tìm đến với văn chương”.
Trong ý nghĩ của Hoài, giáo dục là một môi trường có nhiều chuyện cần viết. Nhưng cái nghiệp của người viết văn cần được trải nghiệm nhiều môi trường sống khác nhau để tạo vốn hiểu biết rộng và sâu. Hoài khao khát: “Thích khơi sâu vào đời sống tâm hồn, tâm lý con người. Khi tâm hồn con người “va đập” với mọi góc cạnh cuộc sống sẽ nảy sinh nhiều góc cạnh tâm lý. Mình nắm bắt được, hiểu được những va đập, những nảy sinh ấy thì tác phẩm sẽ có giá trị văn học”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận