06/09/2010 05:14 GMT+7

Họ đã bắn vào học sinh, phải không?

H.N. (Theo Observer)
H.N. (Theo Observer)

TT - Giảng viên Peter Gumbel của Anh đang là người khơi mào cho cuộc tranh luận về tính hữu hiệu của giáo dục Pháp. Ông cho rằng giáo dục Pháp cướp đi sự tự trọng của học sinh chỉ vì hay chỉ trích các em là “vô dụng”.

S88mA4P9.jpgPhóng to

Những người chỉ trích cho rằng giáo dục Pháp đặt nặng điểm số mà không giúp học sinh phát triển nhân cách toàn diện - Ảnh: AFP

Giảng dạy tại một trong những trường đại học hàng đầu ở Paris, ông Gumbel đã đưa ra báo cáo phê phán đối với nhiều trường học được xem thuộc hàng danh giá của Pháp. Theo ông, văn hóa giáo dục nơi đây đã làm nhục học sinh.

Trong cuốn sách vừa được xuất bản bằng tiếng pháp của mình, Gumbel cho rằng văn hóa lớp học của Pháp hay chỉ trích học sinh là “vô dụng” và như vậy rất phản tác dụng, đi ngược lại những tư tưởng cộng hòa của chính nước Pháp. Cuốn sách Họ đã bắn vào học sinh, phải không? của ông đã thật sự gây nên một trận bão tranh luận.

Văn hóa “Em thật vô tích sự”!

“Tại sao Pháp là nước làm nản lòng học sinh vì những gì chúng không làm được, thay vì khích lệ chúng làm những gì có thể? - Gumbel viết - Tôi tin rằng Pháp đang thiếu một yếu tố chính trong hệ thống giáo dục, mà bất kỳ người nước ngoài nào khi đến Pháp cũng nhận ra: đó là sự khắc nghiệt trong văn hóa lớp học. Đó là thứ văn hóa T’es nul (Em thật vô tích sự). Ai chẳng nghe thấy những từ này thường xuyên ở Pháp”.

Gumbel dẫn số liệu từ các nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển ở châu Âu cho thấy tại Pháp, cứ trong 10 học sinh có hơn sáu học sinh cho biết các em cảm thấy lo lắng, cứ 10 em có bốn em nói khó ngủ, và cứ 10 em thì hai em kêu bị đau dạ dày hoặc đau đầu ít nhất một lần trong tuần.

“Những nghiên cứu này cho thấy trong khi trẻ em Pháp đạt điểm cao tại trường thì khi tự nhận xét chúng thường đánh giá bản thân dưới cả những nước có tỉ lệ biết đọc biết viết thấp”. Và ông kết luận: “Do đó, ngay cả khi các em có khả năng thì người ta đã cướp đi của các em lòng tự trọng”.

Ông so sánh hai nền giáo dục Pháp và Anh: “Dù thời khóa biểu của Pháp vẫn chuẩn, nhưng hệ thống giáo dục lại tập trung vào truyền tải kiến thức mà không đề cập nhiều tới đứa trẻ cùng sức khỏe tinh thần và thể xác của chúng. Có nhiều thứ để nhận được ở trường chứ không chỉ là điểm số cao. Các trường học ở Anh không chỉ quan tâm tới trí não mà cả thể thao, nghệ thuật, và tìm kiếm những cách khác nhau để đạt được vị trí tốt nhất. Hệ thống giáo dục Anh có thể ít tập trung vào điểm số nhưng nuôi dưỡng lòng tự trọng, tính cách bản thân”.

Trên các chương trình truyền thông, quan điểm của ông nhận được sự đồng tình lớn từ các bậc phụ huynh. Tờ Le Nouvel Observateur (Người quan sát mới) dành hẳn sáu trang điểm về cuốn sách.

Giáo sư về khoa học giáo dục Philippe Meirieu thừa nhận: “Cách dạy, kiểm tra, đánh giá của chúng ta làm giảm sức sáng tạo và sự tham gia của cá nhân học sinh vào quá trình học tập. Đó là nguyên nhân khiến các em thụ động. Nếu trong lớp học sinh không đặt câu hỏi thì hoặc chúng chẳng thèm để ý đến giáo viên nói gì, hoặc sợ bị bạn học phân biệt đối xử.”

Patrick Gonthier, tổng thư ký Liên đoàn giảng dạy Unsa Education lớn thứ hai của Pháp, cũng nhận xét: “Giáo viên của chúng ta không phải là nguyên nhân mà là toàn bộ hệ thống giáo dục Pháp đã không chịu thay đổi, vẫn chỉ chăm chăm vào điểm số”.

Cảm giác vô vọng

Ông Gumbel, 52 tuổi, đã sống ở Paris từ năm 2002, thấy lo lắng khi con mình có những triệu chứng như đau bụng, căng thẳng, và cảm giác lo lắng khi mắc lỗi từ đó nghi ngờ về bản thân mình.

“Với môn toán thì con vô vọng thật rồi”, ông nhớ lại cô con cái lớn của mình đã nói như vậy. “Không, con chỉ cần học chăm hơn chút nữa thôi”, ông nói và được trả lời: “Ba chẳng hiểu gì cả. Con thật sự vô vọng”.

Khi bắt đầu đi dạy tại trường, ông nhận thấy ngôi trường của mình vốn dành cho những thành phần giàu có này có rất nhiều sinh viên giỏi, nhưng các em lại không tự tin vào bản thân. Để các em thảo luận ở lớp rất khó. Thời điểm thi cử là lúc căng thẳng nhất trong năm, và có vài em khóc òa lên trong kỳ kiểm tra nói là chuyện bình thường.

Ông dựa trên các dữ liệu được nghiên cứu từ trước để kết luận học sinh Pháp cảm thấy lo lắng và sợ hãi ở trường hơn so các nước châu Âu hay các nước phát triển khác. Chúng sợ mắc lỗi và do đó thường quyết định không phát biểu gì hết.

Vì tập trung vào việc truyền đạt kiến thức, ông Gumbel cho rằng hệ thống giáo dục đã bỏ quên các chức năng chính khác của trường học. Đó là xây dựng tính cách và con người.

Có độc giả Pháp đã nhận xét cuốn sách của ông Gumbel đã nói đến vấn đề mà ai cũng né tránh: “Chẳng ai từng nói về niềm vui đến trường ở đây cả.”

H.N. (Theo Observer)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên