13/01/2008 09:02 GMT+7

HLV Hồ Thị Từ Tâm: "người hai mặt" tận tụy

KIM EM
KIM EM

TT - Với việc các học trò giành cả 4 HCV cự ly 800 và 1.500m nam, nữ ở SEA Games 24, HLV Hồ Thị Từ Tâm đã trở thành gương mặt sáng giá của điền kinh VN, đồng thời giúp chị đứng đầu danh sách bầu chọn HLV tiêu biểu của thể thao VN năm 2007. Nhưng thật lạ khi chị lại có biệt danh hoàn toàn trái ngược với cái tên của mình: người hai mặt.

TT - Với việc các học trò giành cả 4 HCV cự ly 800 và 1.500m nam, nữ ở SEA Games 24, HLV Hồ Thị Từ Tâm đã trở thành gương mặt sáng giá của điền kinh VN, đồng thời giúp chị đứng đầu danh sách bầu chọn HLV tiêu biểu của thể thao VN năm 2007. Nhưng thật lạ khi chị lại có biệt danh hoàn toàn trái ngược với cái tên của mình: người hai mặt.

Về biệt danh này, HLV Hồ Thị Từ Tâm giải thích với cái giọng "mềm như nước" của các cô gái Huế: "Bên ngoài đường chạy, mình luôn hiền lành, nhẹ nhàng với các em. Nhưng ra sân tập thì khác. Nếu không cứng rắn với các em trong lúc tập luyện thì làm sao các em có được những thành tích cao của ngày hôm nay".

26 năm nếm mật với điền kinh VN

26 năm ở vị trí HLV điền kinh từ thời còn làm phong trào ở Sở TDTT Nghĩa Bình, Bình Định rồi đến khi trở thành HLV cự ly trung bình, dài của điền kinh VN, đến nay chị Tâm không tài nào nhớ hết mình từng huấn luyện bao nhiêu VĐV. Chỉ biết rằng "đi đến tỉnh nào, tôi cũng có học trò và chúng toàn gọi tôi là mẹ. Nhiều đứa còn dắt con cái đến chào bà” - chị nói với vẻ mặt ngời ngời hạnh phúc.

Sinh năm 1961 tại Huế, từ phong trào TDTT của Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế, Từ Tâm không chọn con đường trở thành giáo viên như gia đình mong ước mà lại trở thành một VĐV điền kinh của tỉnh Bình Trị Thiên. Từ những năm 1977-1978, Từ Tâm nhiều lần khoác áo đội tuyển điền kinh của tỉnh đi thi giải quốc gia ở Hà Nội.

Năm 1992, chị theo chồng về Bình Định và trở thành HLV điền kinh của Sở TDTT Bình Định với nhiệm vụ phát hiện, đào tạo VĐV điền kinh cho tỉnh. Chị kể hồi ấy nghèo lắm, vợ chồng chị nhờ cùng trong nghề nên được phân một căn hộ trong khu tập thể của sở. Hằng ngày hết lăn lộn với học trò trên sân tập, tối về vừa chăm hai con nhỏ vừa chăm đàn heo bốn con. Lương hai vợ chồng chỉ đủ lo cái ăn hằng ngày nên mọi thứ tiền chi dụng trong nhà khác đều trông vào bầy heo. Ngày ấy, mấy khi được may một cái áo đẹp đâu. Sống kham khổ riết rồi cũng thành "tật".

Cũng vì vậy mà cô con gái lớn Đỗ Thị Tân Thanh chẳng bao giờ đòi mẹ mua quà bánh như nhiều đứa trẻ khác. Do thường đưa VĐV đi thi đấu ở các giải từ huyện, tỉnh rồi quốc gia nên chị không có nhiều thời gian dành cho con gái. Vì thế, bé Thanh vừa đi học, vừa thay mẹ chăm sóc cả nhà. Ngày cháu trai Đỗ Nhật Quang tròn 4 tuổi, chị được mời về làm HLV cho đội điền kinh trẻ ở Trung tâm Huấn huyện thể thao quốc gia III (Đà Nẵng). Vậy là cái gia đình bé nhỏ ấy phải tạm thời chia đôi. Trong hai năm em trai theo mẹ về Đà Nẵng, bé Thanh (ở với bố tại Qui Nhơn, Bình Định) ngày nào cũng thút thít khóc vì nhớ mẹ, nhớ em.

Chị nhớ lại: "Công việc vất vả đã đành, tối về nằm ôm cháu Quang, nghĩ cảnh hai bố con anh ấy hẩm hút mà không tài nào ngủ được". Thông cảm với hoàn cảnh của chị, Sở TDTT Đà Nẵng nhận anh về phụ trách bể bơi chất lượng cao của TP. Vậy là gia đình lại được đoàn tụ bên nhau dù cuộc sống chưa hết khó khăn.

Tháng 7-2003, chị được triệu tập vào ban huấn luyện đội tuyển điền kinh VN, phụ trách tổ cự ly trung bình và dài. Công việc HLV đội tuyển quốc gia buộc chị phải đi xa nhà nhiều hơn và gần như không còn nhiều thời gian dành cho gia đình. Hết đợt tập huấn này lại đến đợt khác, rồi đưa học trò đi dự các giải đấu, hầu như tâm sức chị dành hết cho công việc. "Hai đứa con mình quen với việc mẹ vắng nhà nên tự lo hết mọi việc. Bé Thanh đã học nghề xong và đang làm việc tại TP.HCM. Nhưng cháu Quang đang tuổi lớn, mẹ cứ đi vắng hoài thế này, mình lo lắng lắm". Nhắc đến con, gương mặt chị chợt trở nên đăm chiêu.

"Phụ nữ mà theo nghiệp thể thao thiệt thòi lắm!" - chị nói với giọng buồn buồn. Không chỉ chị mà các học trò như Nguyễn Thị Kim Nhung, Bùi Thị Huyền rồi Đỗ Thị Bông, Trương Thanh Hằng... ai cũng thấy rõ điều ấy nhưng đã "trót mang lấy nghiệp vào thân". "Phụ nữ ai mà không muốn làm đẹp, vậy mà cô lẫn trò cứ quần quật trên sân tập cả ngày dưới trời nắng nóng. Mặt mày, thân thể các em đen nhẻm và quắt lại như cây khô, nhìn thật thương. Vinh quang thì ai cũng thấy, nhưng đằng sau những thành tích, những tấm HCV ấy là cái gì thì không phải ai cũng hiểu được" - chị nói như gió thoảng.

Mẹ Tâm

Nhắc đến các học trò của mình, mắt chị Tâm lại lấp lánh niềm vui. "Chúng nó từ Bông, Cương, Dương rồi đến Hằng đứa nào cũng ngoan. Thương thì thương nhưng tôi buộc phải nghiêm khắc với các em. Nghề HLV buộc tôi phải vậy chứ lúc ra sân nhìn học trò tập luyện vất vả, mồ hôi ướt đầm đìa nhưng vẫn phải tiếp tục tập dưới trời nắng như đổ lửa, tôi xót xa lắm chứ. Nhiều lúc mặt tôi lạnh như tiền nhưng trong ruột thì như có lửa đốt".

"Niềm vui nhiều nhưng nỗi buồn không phải ít - chị nhớ lại - Thương các em nhất là buổi chiều hôm xảy ra sự cố Nguyễn Đình Cương bị tước HCV do Lê Văn Dương cản trái phép một đối thủ Myanmar tại SEA Games 23. Lúc ấy cả cô và trò ngồi mà nước mắt cứ lăn dài trên má. Nghĩ mà tiếc công sức của mấy cô trò suốt cả năm. Nhưng chuyện lỡ rồi, có trách mắng cũng không làm được gì. Thấy mình khóc, tụi nó hối hận nhưng không đứa nào dám mở lời. Giờ đây, mỗi lúc nhớ lại, thấy thương mấy đứa vô cùng".

Với Nguyễn Đình Cương, chị kể: "Vừa rồi, Cương bị chấn thương phải đưa đi phẫu thuật. Sáng đó, do có cuộc họp đột xuất tại trung tâm nên tôi không xuống với em được. Họp xong tôi tất tả xuống thăm thì Cương nằm trên giường bệnh nhìn tôi mà không nói gì, chỉ thấy hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Tự dưng lúc ấy tôi thấy mình có lỗi với em quá”.

Chị Tâm nói với giọng chan chứa yêu thương: "Hằng ngày, các em quen được cô lo lắng từ chuyện ăn, chuyện học rồi tập tành trên sân nên có gì cũng nói với cô, kể cả chuyện có người yêu... Những đợt đi tập huấn dài ngày, mấy cô trò quấn quít nhau như gà mẹ và gà con. Mấy đứa học trò của mình toàn con nhà nghèo. Có đứa ra tập trung tại trung tâm thì nhường suất trợ cấp hằng tháng của tỉnh cho gia đình ở nhà. Nhiều lúc nghe học trò kể chuyện nhà mà rớt nước mắt. Hằng là một điển hình. Mới đây, Hằng khoe với tôi rằng tiền thưởng kỳ SEA Games này mang về sửa lại nhà cho mẹ. Thấy tụi nó biết lo cho gia đình, tôi cũng thấy vui lây".

Trải qua một SEA Games 24 thành công cùng các đồng nghiệp và VĐV của tuyển điền kinh VN, chị Tâm lại nhìn về SEA Games 25 với cùng câu hỏi: tìm đâu lực lượng để tiếp tục thống trị đường chạy ở khu vực Đông Nam Á?

Có lúc mẹ Tâm "rắn như đá”

"Mỗi khi ra sân tập, cô Tâm như biến thành người khác ấy. Bình thường cô hiền lắm, nói năng nhỏ nhẹ. Vậy mà khi tập luyện, cô "rắn như đá”. Lúc ấy tụi em đứa nào cũng nem nép. Đứa nào mà tập sai, biết tay cô ngay". Đó là nhận xét của Trương Thanh Hằng (VĐV đoạt 2 HCV SEA Games 24) khi nói về mẹ Tâm của mình.

"Nhưng tụi em thương cô lắm. Xa nhà từ năm 16 tuổi, em chỉ có cô là gần gũi. Nhiều lúc em nhớ nhà, nhớ mẹ, cô an ủi, động viên. Cô coi em như con gái vậy, dạy bảo đủ điều. Em nghĩ cô giống mẹ của em hơn là một HLV".

Nghe Hằng nhận xét về mình, chị Tâm cười vui: "Vậy mà khi mới được gọi về Đà Nẵng tập trung cùng đội tuyển, Hằng hay phản đối mình lắm. Lúc đó, do Hằng mới xa nhà, chưa quen kỷ luật tập luyện, mình muốn đưa Hằng vào nề nếp nên áp dụng chế độ luyện tập và giờ giấc rất gắt gao. Mình luôn theo sát Hằng và để ý từng biểu hiện của em để uốn nắn. Vì vậy, Hằng nghĩ cô Tâm không thích mình".

Trong khi đó, đàn chị Đỗ Thị Bông đã quen nề nếp, ít bị cô nhắc nhở nên Hằng cho là cô Tâm thiên vị chị Bông. Phải đến khi đoạt HCV cự ly 1.500m tại SEA Games 23, Hằng mới hiểu hơn về những điều mà cô Tâm đã làm cho mình. "Bây giờ, mẹ Tâm luôn là người mà em nhớ đến mỗi khi đạt được một thành tích mới" - Hằng bộc bạch. 

KIM EM

KIM EM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên