Phóng to |
Một góc triển lãm - Ảnh: THI HƯƠNG |
Triển lãm được chia làm hai phần, ảnh đen trắng chụp trong chiến tranh và ảnh màu chụp trong thời bình. Hình ảnh người mẹ địu con cầm súng ra trận, trẻ em ngồi gỡ mìn, đám trẻ ngồi vui đùa bên chiếc thuyền thúng trên bãi biển, cảnh phụ nữ hái chè, phụ nữ các dân tộc thiểu số họp chợ... Tác phẩm của Nick Út thể hiện sự muôn hình muôn vẻ của VN. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc triển lãm được tổ chức tại quận 13 của Paris. Đơn giản đây là nơi tập trung đông nhất dân số gốc châu Á của thủ đô Pháp. Tuy nhiên, buổi chiều khi tôi đến xem triển lãm, đại bộ phận người tham quan lại là người Pháp. Có thể đó chỉ là một điều ngẫu nhiên.
1 Có hai cụ bà gây cho tôi sự chú ý đặc biệt. Họ tầm 70 tuổi. Họ dừng lại ở mỗi tấm hình và đều có bình luận gì đó. Bắt chuyện với họ tôi được biết cả hai người bạn già này - Noelle và Nicole - đều từng là những người tích cực trong các hoạt động chống chiến tranh VN. Đặc biệt Nicole trực tiếp tham gia Ủy ban VN của Paris. “Chiến tranh thì ở đâu cũng khủng khiếp, nhưng ở đó điều khủng khiếp nhất là họ đã thử nghiệm trên đất nước, trên con người VN những vũ khí mới có sức hủy diệt ghê gớm và lâu dài” - Nicole chia sẻ. Bà vẫn còn giữ như một kỷ niệm quý báu vài tấm apphich thời đó và cả một đĩa nhạc gồm các bài hát cách mạng của VN.
Đĩa hát đó Noelle cũng có. “Đó là đĩa cối và bây giờ tôi không còn máy để nghe nữa nhưng tôi vẫn lưu giữ - cụ già có mái tóc hỉ nhi cười nói - Ngày ký hiệp định hòa bình cho VN, gia đình tôi đã tụ họp và bật sâmbanh ăn mừng. Cái nút chai bật ra mạnh đến mức gây một vết lõm trên trần nhà”. Noelle bình luận nhiều về những bức ảnh mới cũng như cũ là do cách đây hai năm bà đã có dịp đến VN. Bà đã được nhìn thấy tận mắt những thay đổi của đất nước này. “VN ở ngoài đẹp hơn những gì tôi thấy trong phim ảnh. Tôi rất ngưỡng mộ ý chí của người VN”.
Cách chúng tôi không xa, một cụ ông, cùng khoảng lứa tuổi hai cụ bà Nicole và Noelle, đứng trước tấm ảnh Em bé napalm phóng cỡ lớn, vẻ rất xúc động. “Tội ác này không gọi được tên” - ông Christian lên án với giọng nghẹn ngào. Nước mắt ông trào ra và cổ họng ông như có cái gì chặn lại, khiến một lúc lâu sau ông mới tiếp tục được những gì định nói. “Cô bé này đã có thể là em gái tôi. Em gái tôi cũng trạc tuổi đó. Bất kỳ ai cũng đã có thể là nạn nhân như em bé này”.
Tất cả những người này không có mối liên hệ gì đặc biệt với VN. Nhưng họ có một điểm chung là cùng đau đáu cho hòa bình nhân loại.
2 Marie Odile - cũng là một người đến xem triển lãm - thì có mối liên hệ đặc biệt với VN. Bà từng sống ở Bà Rịa những năm 1950 khi bà 10, 11 tuổi. “Người Pháp đã từng độc ác như thế với VN. Tôi cảm thấy rất xấu hổ về điều đó” - bà tâm sự. Cách đây 18 năm, bà đã cùng chồng về thăm lại nơi thời nhỏ bà sinh sống. “Bố tôi hồi đó là tổng tư lệnh khu vực đó và đã lĩnh chiếm tòa thị chính của tỉnh để làm nhà riêng cho chúng tôi. Khi tôi quay lại thăm thì biết căn nhà đó giờ trở thành thư viện của địa phương. Tôi nói cho người phụ trách biết mình là ai và anh ta đưa tôi đi thăm lại ngôi nhà, thăm lại phòng ngủ của tôi với một thái độ rất thân thiện. Người VN thật là khoan dung. Tôi vô cùng ngạc nhiên, dù sao chúng tôi xưa cũng từng là...”. Marie Odile ngần ngừ và bỏ lửng câu nói của mình vì ngại ngùng không dám dùng chữ “thực dân”.
3 Thật ấm lòng khi nghe được những điều như vậy về đất nước mình. Dân tộc VN đã trải qua nhiều thử thách khó khăn. Người VN quả thật đã khoan dung, bỏ quá khứ sang một bên để lật sang một trang mới cho hòa bình. Nhưng trong hòa bình lại nảy sinh muôn vàn thử thách mới cho lòng nhân ái, sự chính trực, lòng vị tha của con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận