29/06/2005 12:12 GMT+7

Hiện tượng ăn đất: Di sản văn hóa dân tộc?

Theo VietNamNet
Theo VietNamNet

Hôm qua, 28-6, một hội thảo liên ngành do Trung tâm Tiền sử ĐNA chủ trì đã được tổ chức nhằm đưa ra kiến giải về hiện tượng kỳ lạ: chứng nghiện... ăn đất ở vùng Lập Thạch (Vĩnh Phúc)

gDb81qzx.jpgPhóng to
Cụ Nguyễn Thị Lạc đang thưởng thức món đất nướng
Hôm qua, 28-6, một hội thảo liên ngành do Trung tâm Tiền sử ĐNA chủ trì đã được tổ chức nhằm đưa ra kiến giải về hiện tượng kỳ lạ: chứng nghiện... ăn đất ở vùng Lập Thạch (Vĩnh Phúc)

Nghiện... đất

Có mặt tại Bảo tàng Dân tộc học VN sáng qua, cụ Nguyễn Thị Lạc, 81 tuổi, quê ở thị trấn Lập Thạch - Vĩnh Phúc, đã 'biểu diễn" màn chế biến đất ăn mà cụ vẫn thường làm ở quê.

Một túi to gồm những miếng đất to nhỏ cỡ ba đốt ngón tay đến bằng lòng bàn tay được cụ Lạc xắt miếng cẩn thận đựng trong ba lô và khệ nệ mang từ Lập Thạch xuống tận Hà Nội. Các miếng đất màu hồng hồng, trắng nâu, trông có vẻ rất "nạc" và ngon mắt. Cùng với đất là các bó lá cỏ tế, lá chè, lá sim, những loại lá có tinh dầu dẫu tươi vẫn cháy và có mùi thơm. Lá cùng rơm mồi lửa được nhét bên dưới kiềng và đất rải ở phía trên (theo GS Lê Nhâm Tuyết, có nơi người ta đào một cái hố nhỏ, bỏ nguyên liệu lá làm "gia vị" bên dưới, phủ đất lên trên; như thế khói mới hun và ngấm kỹ vào đất).

IMMAxZfv.jpgPhóng to

"Biểu diễn" nướng đất... ăn tại Bảo tàng Dân tộc học VN sáng 28-6

Lửa cháy nhỏ, khói bốc mù mịt, mùi ngái ngái thơm thơm từ các món lá tươi được cố ý làm cho ngấm vào đất; một lát sau, những miếng đất đã có màu vàng sậm, cháy cạnh, giống màu sô-cô-la! Nhiều người có mặt tại hội thảo nôn nóng chờ đến "tiết mục" hấp dẫn này để cố nếm thử một miếng thứ đất bùi bùi và không hề sạn một tí nào ấy.

Cụ Nguyễn Thị Lạc kể: "Tôi ăn đất từ hồi nhỏ. Chẳng có ai bảo cả. Cũng không phải nhân dịp đặc biệt nào mới ăn, mà ăn hằng ngày. Hồi nhỏ, đi chợ thấy người ta ngồi thành từng dãy, bán đất, thấy thèm nên mua ăn. Về sau ăn mãi đâm nghiện, có khi chồng cấm mà đêm thèm quá còn dậy trốn ra đồi đào đất về nướng ăn".

Có khi đi qua chỗ người ta nung ngói cụ Lạc cũng chợt thấy thèm, ngói lợp nhà ấy thì đúng là không ăn được, nhưng thèm cái mùi hương của nó! Có người cùng quê với cụ, đã đi làm ở HN bao nhiêu năm, mà thi thoảng thèm quá, lại về xách hai bao dứa mang xuống HN ăn dần. Lại có người nghiện đất, quyết tâm "cai" bằng cách đem đất về nghiền mịn rồi trộn với mật ăn, rồi "mất dạ" từ đấy. Theo cụ Lạc, đó là cách duy nhất để "cai nghiện đất" cho đến nay mà cụ đúc kết được.

Sau khi một số báo đăng chuyện lạ về ăn đất ở Lập Thạch, nhiều người ở tận HN, có khi từ TP.HCM ra hoặc gửi người về quê cụ Lạc mua đất. Không biết họ ăn hay để làm gì, chỉ biết là quả đồi nơi quê cụ Lạc từ đó đến giờ đã bị khoét vẹt đi thêm một hõm lớn!

Công thức chế biến đất ăn

GS Lê Nhâm Tuyết là người đi đầu ở VN trong việc nghiên cứu về tục ăn đất, đã tóm tắt việc chế biến đất ở Lập Thạch thành 3 bước:

- Lấy đất: Dùng dao lấy đất ở cách mặt đất chừng 15-20m (đó gọi là "giếng đất"), hoặc đào ở dưới mặt đất chừng 4-5m (đó gọi là "hầm đất"), lấy lên những miếng đất to chừng 5-6m3, màu xám tro, có vệt nâu đỏ, mịn, mềm, không có sạn, nặng mùi bùn.

- Phơi đất: Chặt đất thành miếng vừa ăn, phơi khô cho đất bớt mùi bùn và chuyển sang màu xám trắng.

- Hun đất: Đặt đất lên giàn nướng. Đặt giàn lên mặt hố tròn sâu hơn lòng chảo. Dưới hố đặt cỏ tế và cây sim. Hun chừng một buổi. Khói vào đất, đượm mùi khét, gọi là ngói, bấy giờ mới đem ra ăn.

Ở Lập Thạch hiện còn khá nhiều người nghiện ăn đất. Phần lớn là các cụ già 60-70 tuổi, ngoài ra còn cả đàn ông thuộc lứa tuổi 40-50, đàn bà 30-40, và không phải chỉ người chửa mới ăn. Những người "nghiện đất" thường khen là "ngon lắm, thơm, bùi", "như miếng gan lợn", "có thể ăn hàng rổ một lúc". Đàn bà giắt vào cạp váy, cạp quần đem theo ra ruộng ăn, ở nhà để trên đầu giường, ăn đêm, ăn ngày...

Theo TS. Nguyễn Việt, GĐ Trung Tâm Tiền sử ĐNA, tục ăn đất không phải là hiếm. Trên thế giới tục này phổ biến ở miền trung Châu Phi. Ở VN, tục ăn đất có thể có từ thời Hùng Vương. Hiện nay, tục này còn sót lại ở một số dân tộc như người Mãng, Khơ Mú, Ê đê, Ba na, và một số vùng như Lập Thạch-Vĩnh Phúc, Nghĩa Lộ-Yên Bái, Mường Nhé- Điện Biên...

Điều kỳ lạ là việc ăn đất không phải chỉ có ở phụ nữ mang thai, người ăn thưởng thức hương vị của đất và bảo là "thấy ngon". Không phải đất nào cũng ăn được. Đất ăn được cần phải mịn (nhiều chất sét), không có "xương", tức là "nạc", không bị sạn... Và không phải nơi nào người ta cũng nướng đất lên như ở Lập Thạch, có nơi họ ăn đất "sống", tức là lấy về thế nào chỉ phơi qua rồi ăn luôn.

Một hiện tượng văn hóa

Thực ra, đây là hiện tượng không có gì đáng ngạc nhiên đối với các nhà khoa học và một nhà báo đi tiên phong trong loạt bài viết về hiện tượng này đã thú nhận trong hội thảo sáng qua rằng, hoá ra anh cứ miệt mài mở một cách cửa đã được mở từ trước đó hàng chục năm, thậm chí hàng thế kỷ. Vậy vì đâu mà ăn đất lại luôn ở trong vòng bí mật đến mức khi được "khui ra" lập tức nó trở thành "chuyện lạ Việt Nam"?

abjhg6hX.jpgPhóng to

Quả đồi nơi dân làng chỗ cụ Lạc thường lấy đất ăn. Ảnh chụp chiều 27-6. Phần hõm vào là phần đất mới bị lấy ăn trong vòng nửa tháng lại đây

Có lẽ là bởi tất cả những người ăn đất đều che giấu chuyện này như một chuyện xấu hổ, một chuyện đáng ngượng. Vợ của ông chủ tịch UBND một xã người Hà Nhì ở Mường Nhé (Điện Biên) khi dẫn một phóng viên lên để chỉ cho cái hang lấy đất mà hầu như tất cả đàn bà vùng đó đều ăn, đã dặn thêm: "Nhà báo đừng nói là tôi cũng ăn đấy nhé".

Còn cụ Nguyễn Thị Lạc có mặt tại hội thảo sáng qua kể: "Khi thấy hình tôi lên báo, đài kể rằng mình ăn đất, con cháu tôi cứ bảo bà làm thế ngượng chết, ra đường ai cũng quở, bà này "ăn đất". Và cụ mong: "Tôi thấy cái từ "ăn đất" nghe nó ghê lắm, nói là ăn ngói thì vừa đúng hơn, lại đỡ sợ hơn, vì đất được chúng tôi đem nung lên vàng thơm như ngói cơ mà!".

Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt, GĐ Trung tâm Tiền sử ĐNA, khẳng định: "Cần kể ra cho mọi người cùng biết câu chuyện về ăn đất, xem xét hiện tượng không thể ngăn được này, song phải thấy, đây không chỉ là một thói quen, mà đã thăng hoa lên thành một hiện tượng văn hoá".

Về nguyên nhân ăn đất, nhà địa chất học Võ Công Nghiệp và Trần Tân Văn đều cho rằng, người ta ăn đất (ngói) để bổ sung lượng muối khoáng và nguyên tố vi lượng (chất dinh dưỡng vô cơ) mà cơ thể thiếu. Do đó, điều này đặc biệt dễ thấy ở những người đàn bà đang trong kỳ thai nghén. Khoa học thế giới còn nhắc đến một số nguyên nhân khác, chẳng hạn: ăn đất do đói, trong những thời kỳ đói kém; ăn đất để tiêu độc, giải độc, trị đau bụng; nhằm giải toả căng thẳng về thần kinh, tâm sinh lý. Ăn đất có khi như một tín ngưỡng.

Tuy nhiên, điều đáng báo động là trong đất có thể có những chất độc hại đối với cơ thể như chì, thuỷ ngân... và nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, thậm chí cả thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... Do đó, cần sử dụng có liều lượng vừa phải và tốt nhất nên qua chế biến (chẳng hạn, nướng lên như ở Lập Thạch-Vĩnh Phúc). Và muốn có được những chỉ dẫn như vậy, cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học, mà hội thảo hôm qua khởi xướng lên công cuộc tìm một kiến giải cho hiện tượng kỳ lạ này.

Song, trên hết phải khẳng định - nói như PGS.TS Nguyễn Văn Huy, GĐ bảo tàng Dân tộc học VN - ăn ngói (đất) đã trở thành một hiện tượng văn hoá, và nên được xem như một di sản văn hoá dân tộc.

Theo VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên