07/06/2010 16:32 GMT+7

Hi Lạp: đền Parthenon dỡ giàn giáo sau gần 30 năm trùng tu

THƯỜNG NGA (Theo Reuters)
THƯỜNG NGA (Theo Reuters)

TTO - Từ nay cho đến tháng 9, khách du lịch đến Athens sẽ được chiêm ngưỡng ngôi đền Parthenon (ở thành cổ Acropolis) lần đầu tiên không còn giàn giáo sau 27 năm công trình này được trùng tu.

09afQKRl.jpgPhóng to
Từ giờ đến tháng 9, mặt ngoài của đền Parthenon, lần đầu tiên sau 27 năm trùng tu, được tháo dỡ giàn giáo - Ảnh: Fulbright

Chính phủ Hi Lạp đã phát động một dự án khôi phục đền Parthenon và các công trình khác trên di sản thế giới Acropolis từ năm 1975, nhưng đến tận năm 1983 công việc này mới được bắt đầu. Giàn giáo đã được dựng lên xung quanh ngôi đền cổ từ đó đến nay.

Quá trình xây dựng đền Parthenon kéo dài 9 năm từ năm 447 trước Công nguyên và các công việc trang trí điêu khắc mất thêm 10 năm nữa mới hoàn thành. Như vậy công cuộc trùng tu còn tốn thời gian hơn cả xây dựng.

"Chúng tôi “đối xử” với từng mẩu đá cẩm thạch như thể đó là một tác phẩm nghệ thuật. Người Hi Lạp cổ đại có thể bỏ đi một khối đá nếu bị hỏng và kiếm một khối khác nhưng chúng tôi thì không thể làm thế, vì vậy phải cực kỳ thận trọng” - Mary Ioannidou, người đứng đầu công việc phục hồi đền Parthenon, nói với Reuters.

Đền Parthenon thờ nữ thần Athena. Trong thần thoại Hi Lạp, thần Athena là vị thần của nghề thủ công mỹ nghệ, trí tuệ đồng thời cũng là một vị thần chiến tranh. Đền đã trở thành nhà thờ Thiên Chúa giáo trong gần 1.000 năm và có vai trò như một nhà thờ Hồi giáo dưới thời đế quốc Ottoman trong gần 400 năm sau đó.

Qua nhiều năm, đền Parthenon đã phải hứng chịu các cuộc hỏa hoạn, chiến tranh, cách mạng, sự phục hồi bất cập, nạn cướp bóc và ô nhiễm. Tuy nhiên, “cú đánh” mạnh nhất vào công trình kiến trúc này xảy ra năm 1687 khi một khẩu súng cối châm ngòi đốt cửa hàng thuốc súng Thổ Nhĩ Kỳ thời Ottoman bên trong đền và nạn cướp phá lan tràn sau đó. Từ năm 1801, đại sứ Anh Lord Elgin đã di dời một phần lớn các tác phẩm điêu khắc ở đây.

Giữa năm 1898 và 1938, công nhân đã xây dựng lại các khu vực lớn của ngôi đền và đúc bêtông các cây cột và khối đá bị mất. Nhưng họ đã sử dụng giằng sắt để giữ các khối đá lại với nhau và thay thế nhiều khối vào sai vị trí. Các giằng sắt từ đó bị gỉ và khi chúng trương nở quá mức lại gây ra các vết nứt gãy. Người Hi Lạp cổ đại cũng sử dụng giằng sắt nhưng bọc chúng trong chì để chống gỉ.

Nhóm các nhà khảo cổ, thợ cắt đá cẩm thạch, kiến trúc sư, kỹ sư dân dụng và hóa học đã tháo dỡ 1.852 tấn đá cẩm thạch và bắt đầu công việc đầy khó khăn để cố gắng đưa các khối đá trở về đúng vị trí, chèn thêm các mảnh vỡ khác mà họ tìm thấy. Việc gắn kết các bức tường của căn phòng bên trong ngôi đền cũng đang được tiến hành.

Bây giờ người ta dùng titan, chất có khả năng chống ăn mòn cao, để cố định các khối đá và cột chúng lại với nhau. Mỏ đá cẩm thạch gốc trên núi Penteli đang là một di tích lịch sử được bảo vệ, nhưng đá đã bị cắt xẻ ở một bên sườn núi.

Đá cẩm thạch mới được xẻ để đặt vào một số khoảng trống do bêtông để lại, cho phép các khối đá cẩm thạch nguyên thủy trở lại vị trí cũ trong công trình đá Parthenon. Các khối đá cẩm thạch gần như giống nhau nhưng không giống hoàn toàn. Đá cẩm thạch mới màu sáng hơn nhiều so với đá gốc.

Trong tháng 9 tới, các giàn giáo sẽ lại được dựng lên một lần nữa trên mặt tiền phía tây và dự án sẽ kéo dài ít nhất ba năm nữa.

THƯỜNG NGA (Theo Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên