23/06/2011 09:26 GMT+7

Hẹn gặp nhau trên trang viết

TRƯƠNG ANH QUỐC
TRƯƠNG ANH QUỐC

AT - Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức hội nghị và trại sáng tác Những người viết văn trẻ TP.HCM lần III tại Trung tâm Dã ngoại thanh niên huyện Cần Giờ. Buổi hội thảo “Văn học trẻ và dòng chảy thị trường” đã diễn ra vào ngày 29-5.

td4TS4Kc.jpgPhóng to
Các nhà thơ, nhà văn trẻ tham dự Hội thảo văn học trẻ - Ảnh: TRƯƠNG ANH QUỐC

Ngoài các nhà văn nhà thơ khách mời: Tiến Đạt, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phạm Ngọc Hiền, Phùng Hiệu..., các đại biểu nhà văn khác đều còn khá trẻ. Có những đại biểu vừa là nhà văn vừa là nhà báo như Dương Thanh Vân, Song Phạm, Đoàn Phương Huyền, Trần Hoàng Nhân...

Có người đã in năm bảy đầu sách và đạt những giải thưởng, cũng có người mới có vài ba tác phẩm đăng báo, nhưng tất cả ở họ là tình yêu văn chương mãnh liệt. Dự hội nghị lần này có những đại biểu là các cây bút Áo Trắng: Lê Thùy Vân, Nguyễn Thị Vân, Ngô Thị Hạnh, Yến Linh, La Thị Ánh Hường, Nguyễn Đặng Tường Vi...

Thay cho việc đọc tham luận, các đại biểu nhà văn trẻ chỉ trình bày ý kiến của mình, đặt ra những câu hỏi, bàn bạc, thảo luận và đưa ra hướng giải quyết nhằm phát triển văn học trẻ thành phố.

Mở đầu buổi hội thảo, nhà nghiên cứu văn học Trần Hoài Anh nói: “Văn trẻ TP.HCM có vị trí quan trọng trong giai đoạn này. Sự chọn lựa văn chương là sự chọn lựa của định mệnh nhưng nhà văn phải lao động. Văn chương chọn chúng ta, chúng ta phải đáp ứng lại nó bằng cách rèn luyện và sáng tác”.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh nhận xét: “Thơ trẻ hôm nay không đằm thắm bằng thơ ngày trước, câu chữ màu mè nhưng khô khan về nội dung”. Nhưng anh vẫn tin tưởng vào những người sáng tạo con chữ dù cuộc sống vất vả sẽ ảnh hưởng đến thơ văn.

Nhà văn Yến Linh: “Người ta hay nói văn chương trẻ chỉ xoáy vào cá nhân, thiếu tính phù hợp thực tế. Vậy tiêu chuẩn của các anh chị muốn đưa ra là gì?”. Nhà thơ Phan Hoàng: “Văn thơ ngày trước hay đấy đẹp đấy nhưng như ngôi nhà cổ xây giữa thành phố, thời nay không hợp lắm. Văn học trẻ cô đơn nhưng thức tỉnh chúng ta”.

Nhiều nhà thơ cũng nêu ý kiến thơ hiện đại bây giờ đọc khó hiểu quá. Nhà thơ Thục Linh: “Người đọc thơ hiện đại phải có mặt bằng kiến thức, giống như có kiến thức về âm nhạc mới nghe và cảm được nhạc giao hưởng”. Phải chăng thơ hiện đại bây giờ chỉ dành cho tầng lớp trí thức?

Nhà văn Trần Văn Thưởng: “Thích sự hết mình, đốt cháy bằng tất cả tâm hồn trong tác phẩm văn học”. Nhà văn Bùi Tuyết Nhung bộc bạch: “Mỗi người viết là một cần ăngten thu sóng. Giữa cuộc sống bộn bề với nhiều sóng nhiễu, chúng ta phải chọn sóng thế nào để đạt hiệu quả nhất”.

Dịch giả Nguyễn Vũ Hưng: “Các nhà văn trẻ cần nâng cao tri thức. Nếu tiếp nhận thông tin thì ta mới đi được 1/3 chặng đường, 2/3 còn lại là sự sáng tạo”. Nhà thơ dân tộc Chăm Đồng Chuông Tử: “Nếu sống bằng cách làm thơ thì chết chắc. Tôi thường đói triền miên nhưng thơ tôi no thì tôi vui rồi”.

Nhà thơ Lê thiếu Nhơn: “Làm sao vực dậy thơ trẻ? Chỉ có Hội Nhà văn mới giúp được thơ trẻ. Trang web hội phải quảng bá thơ. Thơ trẻ không thể tự sống như văn trẻ. Thơ đang bị báo động đỏ do nhà thơ giàu in thơ đẹp hơn nhà thơ nghèo và những người có trình độ lơ mơ làm biên tập thơ. Thơ rất cần người có trình độ. Khi hội tài trợ in xong phải quảng bá”.

Nhà thơ Lê Quang Trang - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM: “Sẽ giúp đỡ đầu tư cho sáng tác bằng cách chọn theo tác phẩm giá trị. Những tác phẩm hay không bao giờ bị bỏ sót. Hội khuyến khích phát huy những cách viết mới và đề tài mới của hội viên cũng như của các cây bút trẻ”.

Liên quan đến vấn đề báo chí, nhà báo Tường Vân (SGGP) đề nghị: “Hội nên chọn những gương mặt nhà văn trẻ tiêu biểu để báo chí giới thiệu dễ dàng hơn. Có thể giới thiệu trong từng tháng chứ không phải đợi đến cả năm”.

Rất thú vị khi nhà văn trẻ Phương Trinh trình bày: “Với nửa ly nước, có người bảo ly nước đầy phân nửa, có người bảo ly nước vơi phân nửa. Một ánh lửa yếu ớt được nhen lên rồi truyền đi. Có thể những ánh lửa đầu tiên sẽ tắt đi. Nhưng rồi ngọn lửa sẽ rực rỡ nếu được tiếp thêm ánh sáng. Cứ thế ngọn lửa được thắp lại cho đến khi ánh sáng lan tràn. Để mỗi người chúng ta không cảm thấy mình phải sống mà được sống. Nhà văn trẻ, bạn có muốn làm những ngọn lửa luôn sáng?”.

Nhà văn Nguyễn Thu Phương góp ý: “Ngoài trang viết, nhà văn nên có khả năng chinh phục đám đông và thể hiện tác phẩm mình dưới các hình thức khác nhau. Nhà văn tạo được một lượng người hâm mộ như các giới nghệ sĩ khác thì không gì tốt bằng”.

Nhà thơ Trần Hoàng Nhân đặt câu hỏi: “Sao Hội Nhà văn thành phố không trao giải thưởng, tặng thưởng thường niên cho các tác giả trẻ dưới 30 tuổi như dự định ban đầu? Trong năm ấy, nếu có tác phẩm hay thì phải được trao”. Nhà thơ Lê Quang Trang trả lời: “Trong thời gian tới Hội Nhà văn thành phố sẽ hỗ trợ in văn thơ trẻ và xét giải thưởng cho các tác phẩm hay. Các nhà văn trẻ hãy mạnh dạn gởi tác phẩm đến hội và các nhà xuất bản để được chọn in”.

Buổi hội thảo thẳng thắn tháo gỡ được nhiều vướng mắc rất bổ ích. Các nhà văn trẻ biết được những khó khăn và thuận lợi từ nhiều phía, để có tác phẩm tốt và chọn nơi in ấn phù hợp hơn.

Chiều 29-5 đoàn nhà văn trẻ chia tay, lên xe về lại thành phố. Chỉ còn 10 nhà văn trẻ ở lại dự trại sáng tác: Trần Minh Hợp, Lê Miên Ca, Trần Huy Minh Phương, Nguyễn Đặng Tường Vi, Hoa Nip, Tuệ Nguyên, Đồng Chuông Tử..., dưới sự dẫn dắt của “trại trưởng” Phan Hoàng.

Đoàn nhà văn trẻ thăm vài khu vực của huyện Cần Giờ rồi kết thúc trại viết vào chiều 1-6 trong cơn mưa lớn. Thời gian dự trại đã hết, xe đã đến đón nhưng chẳng ai muốn về. Bịn rịn chia tay nhau. Thật ấm áp nghĩa tình! Hẹn gặp nhé, hẹn gặp nhau trên trang viết.

x3sCTN7I.jpgPhóng to

Áo Trắng số 11(số 94 bộ mới) ra ngày 15/06/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRƯƠNG ANH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên