21/09/2008 09:16 GMT+7

HDTV ở Việt Nam: Không chuyển không được

Theo QUYẾT THẮNG - eCHIP
Theo QUYẾT THẮNG - eCHIP

Truyền hình độ phân giải cao sử dụng công nghệ số (Digital HDTV) đang dần trở thành một xu thế tất yếu và là cái đích phải đạt được của nhiều hãng và đài truyền hình, trong đó có VTV.

o1Qm1P9A.jpgPhóng to
Hiện nay ở Việt Nam, phát sóng HDTV qua cáp vẫn thuận lợi hơn qua các phương thức truyền dẫn, phát sóng khác. Ảnh chụp tại VTV
Truyền hình độ phân giải cao sử dụng công nghệ số (Digital HDTV) đang dần trở thành một xu thế tất yếu và là cái đích phải đạt được của nhiều hãng và đài truyền hình, trong đó có VTV.

Kênh HDTV tại Việt Nam: Đã hoàn toàn là HD?HTVC: “Phải đi HD, càng nhiều càng tốt!"VTC: Ráo riết cho kênh HD riêng biệt

Khám phá HDTV

HDTV - tên viết tắt từ thuật ngữ High Definition Television - là hệ thống truyền hình có độ phân giải cao hơn các định dạng truyền hình truyền thống như NTSC, PAL, SECAM. Ngoại trừ một số định dạng truyền hình HDTV analog được phát quảng bá ở châu Âu và Nhật Bản từ sớm, các hệ HDTV hiện nay đều được phát dưới dạng digital để giảm thiểu băng thông.

Về cơ bản, độ phân giải truyền hình thể hiện số dòng tín hiệu trên một màn hình TV. Các hình ảnh không HD tại châu Âu bao gồm 625 dòng, trong đó có 575 dòng tích cực, thường được gọi là hệ PAL. Ngoài châu Âu, đa phần sử dụng hệ NTSC với 525 dòng tích cực. Các hình ảnh HDTV bao gồm 1.080 dòng và 1.920 điểm/dòng. Điều đó lý giải tại sao độ phân giải của HDTV cao hơn nhiều so với PAL và NTSC.

Về mặt hình ảnh, hình ảnh trên màn hình TV được tạo từ rất nhiều các thành phần nhỏ của màn hình, thường gọi là điểm ảnh. Các điểm ảnh trong HDTV có dạng hình vuông, nằm gần nhau hơn và nhỏ hơn. Vì vậy, HDTV thể hiện hình ảnh chi tiết hơn truyền hình truyền thống từ bốn tới năm lần.

Với HDTV, một đặc trưng cần nhắc ngay chính là tỷ lệ khuôn hình. Truyền hình truyền thống có tỷ lệ khuôn hình 4:3. Với HDTV, tỷ lệ này là 16:9, cho phép xem hình ảnh toàn cảnh hơn. Khi sử dụng HDTV trên màn hình rộng, người xem sẽ không còn thấy những hình ảnh mất cân đối. Màn hình cũng sẽ không còn hiện tượng bóng ma, mờ nhiễu như khi xem các chương trình truyền hình truyền thống hiện đang có tại Việt Nam.

Hiện tại, thế giới vẫn chưa thống nhất một tiêu chuẩn HDTV chung nhất. Các tổ chức truyền hình đành cố đạt vài thông số chung cho HDTV, theo cả hai loại tần số mành là 30Hz và 25Hz.

Thông số 30Hz

25Hz

Tỷ lệ khuôn hình 16:9 16:9
Số điểm ảnh tích cực/dòng 1280 1920 1280 1920
Phương pháp quét 1:1 2:1 (1:1) 1:1 2:1(1:1)
Tần số lấy mẫu Y (MHz) 74.25 74.25 74.25 74.25
Số dòng tích cực/mành 720 1080 720 1080
Số dòng/mành 750 1125 750 1125

Mặc dù vậy, HDTV đã trở thành một đích đến cho truyền hình của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả nhờ vào bước đột phá trong kỹ thuật nén file. Khi phát HD, nếu nén MPEG2 thì rất tốn kênh tần số, nhưng khi MPEG 4 xuất hiện thì các đài nhờ công nghệ này mà có thể phát tín hiệu cả mặt đất, lẫn cáp và vệ tinh cực kỳ thuận lợi.

Cách đây vài tháng, Sony - một trong những nhà sản xuất tivi lớn nhất thế giới - đã tuyên bố ngừng sản xuất tivi CRT, loại tivi có tỷ lệ khuôn hình 4:3 dùng để thu các chương trình truyền hình thông thường. Các dòng sản phẩm mà hãng này hướng tới là các màn hình HD LCD 16:9 có độ phân giải cao. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Informa Telecoms & Media, số hộ gia đình sở hữu ít nhất một chiếc tivi độ phân giải cao trên toàn cầu sẽ đạt 151 triệu chiếc vào năm 2011, tăng từ 48 triệu chiếc từ cuối năm 2006.

Động thái của Sony và nghiên cứu của Informa Telecoms and Media cho thấy HDTV đang dần trở thành “trái tim” của công nghệ truyền hình hiện tại. Việc sử dụng HDTV sẽ trở thành một xu hướng tất yếu và cấp bách.

Tại Olympic Bắc Kinh 2008, BBC và NBC đã chính thức tiến hành ghi hình và phát sóng trực tiếp sự kiện này bằng công nghệ HD. Chất lượng hình ảnh giúp mắt thường có thấy từng bắp cơ co duỗi, từng mạch máu nổi phồng, từng dây gân căng cứng và từng hạt mồ hôi chảy trên gương mặt các vận động viên đã được những người yêu thích thể thao đón nhận. Ở những quốc gia chưa phát sóng HD, những người khao khát HD tìm đến Internet để có thể thỏa mãn nhu cầu của mình…

HDTV đang trở thành một xu thế tất yếu không chỉ do thị trường màn hình LCD phát triển mà còn bởi chính nhờ khả năng phát tín hiệu đa dạng của HDTV. Với HDTV, người ta có thể phát tín hiệu thông qua mạng sóng mặt đất, qua vệ tinh, qua mạng cáp, mạng IP, qua đầu đĩa Bluray và HD DVD, thậm chí một số máy chơi game như Xbox, Xbox360, PlayStation 3 cũng có đầu ra là tín hiệu HD. Sự đa dạng đó, bằng cách này hay cách khác sẽ đưa người dùng đến gần, đến nhanh với HD hơn.

Lộ trình nào cho VTV?

Trả lời câu hỏi liệu đến thời điểm này, VTV mới bắt đầu chuyển sang HDTV thì có muộn chăng, ông Đinh Quang Hưng - phó tổng giám đốc VTV - đáp: “Chúng tôi nhận thấy HDTV là một xu thế tất yếu, tuy nhiên không thể cứ muốn là triển khai ngay. Trong quá trình triển khai, cần phải có lộ trình thích hợp, làm từng bước để phù hợp với nhu cầu cũng là phù hợp với cơ sở vật chất của Đài.”

Ông Hưng nhấn mạnh: “Chúng tôi là đài truyền hình nhà nước và chúng tôi phải đáp ứng nhu cầu cho 15-16 triệu máy thu hình analog hiện tại. Gần một năm trước, ở Hải Dương vẫn còn tới 100.000 hộ dân còn chưa mua được tivi… Điều đó để nói rằng VTV không thể tách ra khỏi nhiệm vụ chính trị của mình để đi ngay vào khoa học công nghệ…”

Với bài toán sản xuất chương trình, VTV mỗi ngày phải sản xuất khoảng 120 giờ chương trình phát sóng cho các kênh từ VTV1 đến VTV6. 120 giờ ấy chuyển toàn bộ sang HD thì không phải đơn giản và dễ.

Dù sao, hiện VTV đã có năm trường quay với camera do Sony cung cấp (chuẩn 16:9), có thể sử dụng HD. Toàn bộ hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Truyền hình cáp khi đấu thầu cũng đã được chỉ đạo phải có hỗ trợ HD. Như vậy có nghĩa, không phải tất cả nhưng hiện VTV đã có rất nhiều điểm đã có HD.

Cùng với HTV, SCTV - một bộ phận của Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM đã bắt đầu phát sóng một số chương trình HDTV để phục vụ một bộ phận người dân có nhu cầu xem truyền hình với chất lượng cao nhất. Ông Hưng cho biết thêm: “Hiện SCTV đã phát 70 kênh số SD, và tám kênh HD, đã cung cấp được 500.000 settopbox.”

Ông Hưng nhấn mạnh: “Đây đúng là thời điểm không chuyển cũng không được. Không phải VTV ngồi khoanh tay và đứng yên, song chúng ta vẫn phải chú ý tới khách hàng của chuẩn 4:3. Việc triển khai HDTV trên hệ thống truyền hình cáp là hoàn toàn thuận lợi về băng thông, nên VCTV ở Hà Nội sẽ triển khai HDTV trong vài tháng tới. Trên các phương tiện truyền dẫn khác, VTV cũng sẽ triển khai HDTV, chỉ còn đợi vấn đề về băng thông…”.

Lộ trình của VTV? Vẫn… bí mật!

Ông Ngô Thái Trị, giám đốc Trung tâm Tin học và Đo lường, Đài Truyền hình Việt Nam, cũng khẳng định việc chuyển sang HDTV là tất yếu. Tuy nhiên, ông không tiết lộ kế hoạch vụ thể của VTV trong cuộc chuyển đổi này.

Dự kiến VTV sẽ phát thử nghiệm HDTV trong năm nay, nhưng do thủ tục đầu tư, hẳn phải đến đầu năm 2009 mới có thể phát tại Hà Nội, TP.HCM qua hệ thống cáp. Vì sử dụng cáp không phải xin giấy phép về tần số, không phải đầu tư máy phát. Nơi đã có cáp, chỉ cần các bộ mã và giải mã. Xu thế hiện nay là sử dụng chuẩn nén MPEG4.

Trong khi đó, ông Bùi Huy Năm - trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm Truyền hình cáp VCTV - cho biết: VCTV chỉ sản xuất chương trình HD về quảng cáo và phát triển thương hiệu chứ chưa có kế hoạch sản xuất các chương trình tin tức, phim truyện bằng HD.

Được biết VCTV đã thử nghiệm chuyển đổi từ SD sang HD với sáu kênh, trong đó có bốn kênh tiếng Việt: VTV1, VTV3 và VCTV 1 (tin tức tổng hợp của nước ngoài), VCTV3 (kênh thể thao). Hai kênh của nước ngoài (sẽ mua của China Sat và Luxury TV), chưa có phụ đề. Chậm nhất cuối năm nay, VCTV sẽ cung cấp dịch vụ này trên toàn quốc trên hệ thống DTH và truyền hình cáp. Dự kiến cước thuê bao sẽ là 100.000đ/tháng (thuê bao truyền hình cáp đang là 65.000đ/tháng), VCTV sẽ bán settopbox để bán kèm thẻ và bảo hành.

Theo QUYẾT THẮNG - eCHIP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên