21/01/2008 19:02 GMT+7

Hãy suy nghĩ lớn nhưng hành động nhỏ

Theo NHẤT NGUYÊNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo NHẤT NGUYÊNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Có vẻ nổi tiếng vì phong cách lập dị và những quan hệ tình ái lăng nhăng hơn là sự nhạy bén trong kinh doanh, Howard Hughes lại thật sự là một trong những doanh nhân thành công nhất của thế kỷ XX.

CEchQs0G.jpgPhóng to
Howard Hughes
Có vẻ nổi tiếng vì phong cách lập dị và những quan hệ tình ái lăng nhăng hơn là sự nhạy bén trong kinh doanh, Howard Hughes lại thật sự là một trong những doanh nhân thành công nhất của thế kỷ XX.

Ông đã chuyển số tiền thừa hưởng trị giá 1 triệu USD của mình thành một tài sản 2 tỉ USD, tương đương với 6,6 tỉ USD tính theo hiện giá ngày nay. Dù ở cương vị của một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, một kỹ sư, hay một nhà sản xuất phim, Hughes luôn làm những gì mình yêu thích và làm giàu từ đó. Howard Hughes đã và vẫn sẽ được xem là một trong những người giàu nhất thế giới…

Howard Hughes sinh năm 1905 ở Houston, bang Texas, Mỹ đúng vào đêm Giáng sinh. Cả cha và mẹ của Hughes đều là doanh nhân. Cha của cậu đã sáng chế ra một loại trục lăn, tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành khai thác dầu mỏ và làm cho gia đình mình giàu có. Gia đình Hughes đã thành lập Công ty Công cụ Hughes để đưa sáng chế này ra thị trường.

Khi cha mẹ Hughes lần lượt qua đời trong vòng hai năm, các thành viên trong gia đình đã rơi vào cuộc chiến tranh chấp tài sản thừa kế. Trước khi qua đời, cha Hughes đã nhờ luật sư tạm giao quyền sở hữu tài sản cho những người thân của Hughes. Đến khi bước vào tuổi trưởng thành và có đủ tư cách pháp lý, Hughes mới nhận lại quyền nắm giữ tài sản và điều hành công ty do cha mẹ để lại.

Khi còn nhỏ, Hughes nuôi rất nhiều tham vọng. Cậu từng nói: “Tôi muốn trở thành một tay chơi golf nổi tiếng nhất thế giới, một nhà sản xuất phim tài ba ở Hollywood, một phi công giỏi nhất thế giới và một người giàu nhất thế giới”. Để khuyến khích Hughes học hành, cha mẹ đã gửi cậu đến hai trong số những trường có uy tín nhất ở Massachusetts và California. Thế nhưng, Hughes đánh golf giỏi hơn học tập. Sau này, cha Hughes lại gửi cậu vào Viện Công nghệ California và Đại học Rice bằng cách đóng góp tiền cho hai trường này. Nhưng rồi Hughes cũng chẳng học ở đâu được lâu. Chính trong thời gian ở California, niềm đam mê làm phim đã trỗi dậy trong Hughes và cậu đã dành khá nhiều thời gian để cùng làm việc với người chú ruột là Rupert Hughes - một nhà viết kịch bản phim cho hãng phim của Samuel Goldwyn.

Năm 1925, Hughes lập gia đình lần đầu tiên với một người có địa vị xã hội ở Houston là Ella Rice, rồi chuyển đến sống ở California để Hughes có thể theo đuổi niềm đam mê trong lĩnh vực điện ảnh. Sau này, Rice và Hughes ly dị do Hughes bắt đầu sa vào một loạt vụ quan hệ tình ái lăng nhăng với các cô đào nổi tiếng, trong số đó có Jean Harlow, Bette Davis, Katharine Hepburn, Ava Gardner, Jane Greer, Rita Hayworth...

Sau khi thuê một nhân viên kế toán từng là một tay đua xe hơi có tên là Noha Dietrich về điều hành công ty gia đình của mình, Hughes có nhiều thời gian rảnh rỗi và bắt đầu theo đuổi mục tiêu đích thực là tạo cho mình một tên tuổi riêng.

Ở tuổi 21, Hughes đã tham gia một loạt các dự án làm phim và đều thành công. Bộ phim đầu tay của Hughes là Swell Hogan không được trình chiếu, nhưng đến phim Two Arabian Knights (Hai chàng hiệp sĩ Ả Rập), ông đã giành được giải thưởng của Viện hàn lâm (Academy Award) vào năm 1927. Vài năm sau, Hughes bỏ ra đến 3,8 triệu USD để làm bộ phim Hell’s Angels và cũng khá thành công. Mong ước làm được một bộ phim hoàn hảo của Hughes lớn đến nỗi khi đang làm phim The Outlaw, anh đã sử dụng kiến thức về kỹ thuật của mình để thiết kế một chiếc áo lót rất độc đáo cho nữ diễn viên chính vì không hài lòng với chiếc áo lót của cô.

Khi lâm trọng bệnh tưởng như sắp phải từ giã cuộc đời, Hughes nói: “Tôi muốn được mọi người nhớ đến vì một điều, đó là những đóng góp của tôi trong ngành hàng không”. Năm 1932, Hughes thành lập Công ty Hughes Aircraft để theo đuổi ước mơ phá kỷ lục về tốc độ của máy bay. Chỉ trong vòng ba năm sau, Hughes đã lập được hai kỷ lục mới sau khi thiết kế chiếc H-1 Racer. Sau khi đạt được mục tiêu ở Mỹ, Hughes quyết định đặt ra kỷ lục mới về thời gian bay vòng quanh Trái đất. Năm 1938, ông lại lập được kỷ lục này với thời gian bay chỉ trong vòng 91 giờ, nhanh hơn kỷ lục trước đó hơn bốn ngày. Được trao huy chương vàng của Quốc hội Mỹ nhưng Hughes chẳng bao giờ đến Washington để nhận giải thưởng này.

Để duy trì vị thế cạnh tranh trước các đối thủ, Hughes mua lại phần lớn cổ phần của Hãng hàng không TWA và thiết kế chiếc máy bay thương mại đầu tiên có khoang hành khách được điều chỉnh áp suất ổn định. Ông cũng giúp thiết kế ra chiếc Lockheed Constellation. Dưới sự lãnh đạo của Hughes, TWA đã tăng trưởng rất nhanh.

Năm 1946, một bước ngoặt lớn đã đến với Hughes và làm thay đổi cuộc đời của ông theo hướng xấu đi: chiếc máy bay thử nghiệm do ông thiết kế cho quân đội Mỹ đã bị rớt ở Los Angeles khi chính ông đang bay thử. Bị phỏng nặng với nhiều vết thương ở khắp cơ thể, Hughes trở nên bất thường trong ứng xử và phải sống lệ thuộc vào thuốc giảm đau trong quãng đời còn lại.

Năm 1948, Hughes mua lại RKO - một phim trường lớn ở Hollywood nhưng sau đó hoạt động của RKO gặp khó khăn và ông phải bán lại phim trường này cho Desilu Productions. Tiếp sau đó, một vụ kiện chống độc quyền lại buộc Hughes phải bán cổ phần của mình trong TWA với giá 546 triệu USD. Rồi ông bán tiếp cổ phần của mình trong Hughes Aircraft để thành lập Viện Y khoa Howard Hughes. Hiện nay, viện này là tổ chức tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ và có đóng góp nhiều nhất cho lĩnh vực nghiên cứu y học và sinh học.

Sau này, mặc dù sống cuộc sống khá ẩn dật và bị bệnh tật hành hạ, Hughes vẫn tiếp tục theo đuổi thương vụ lớn khác, trong đó có nhiều khách sạn, sòng bạc, một đài truyền hình, Hãng hàng không Alamo và khoảng 10 ngàn hécta đất xung quanh thành phố Las Vegas để thay đổi hình ảnh buồn tẻ của vùng đất này. Hughes qua đời năm 1975 khi ông bước vào tuổi 70.

Các nhà nghiên cứu khởi nghiệp đã rút ra những bài học sau từ những thành công của ông.

1. Theo đuổi mục tiêu đến cùng. Khi ai đó nói “Không” với Hughes, ông không lắng nghe. Khi bị từ chối một điều gì, Hughes tự tìm cách để có được điều đó. Khi có ai đó nghĩ rằng Hughes không làm được điều gì đó, ông càng quyết tâm làm cho bằng được. Niềm đam mê dành cho công việc của Hughes mạnh đến nỗi không có gì có thể ngăn cản được ông.

2. Sử dụng những người giỏi nhất. “Đừng bao giờ ra quyết định. Hãy để ai đó quyết định và nếu đó là một quyết định sai, anh có thể phủ nhận nó, còn nếu đó là một quyết định đúng, anh có thể sử dụng nó” - Hughes khuyên. Với mỗi dự án, ông chọn những người cộng sự giỏi nhất để tạo nên sự khác biệt.

3. Tham gia vào mọi chi tiết của công việc. Hughes là một người luôn quan tâm đến các chi tiết của công việc, nhờ vậy ông luôn tạo ra được những sản phẩm mà ông có thể tự hào. Mặc dù luôn được bao quanh bởi những người giỏi nhất, nhưng để đạt đến sự hoàn hảo, Hughes thường phải tham gia vào nhiều công việc. Ông đã thổi vào các nhân viên của mình tinh thần làm việc và phong cách lãnh đạo này.

4. Suy nghĩ lớn, hành động nhỏ. Hughes luôn đặt ra những mục tiêu lớn nhưng tập trung vào từng bước nhỏ, những chương trình hành động ngắn hạn để đi đến mục tiêu. Đối với ông, mỗi chi tiết nhỏ của một dự án cần phải hoàn hảo trước khi sản phẩm cuối cùng được xem xét đưa vào giai đoạn hoàn tất.

5. Tách biệt công việc với cuộc sống cá nhân. Khi cần phải ra những quyết định khó khăn trong kinh doanh, Hughes sẵn sàng hy sinh mọi thứ để tập trung cho công việc. Vì vậy, mặc dù gặp khá nhiều thử thách lớn trong cuộc sống cá nhân, Hughes vẫn thu được nhiều thành công trong kinh doanh.

Theo NHẤT NGUYÊNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên