Tuổi Trẻ đã có bài viết phản ánh về tình trạng đáng buồn đó và rất nhiều mail của bạn đọc gửi về bày tỏ sự phận nỗ, bất bình trước những hành động của một số người thiếu ý thức đã giẫm đạp, ngắt và thậm chí cướp hoa trong lễ hội hoa.
Lễ hội phố hoa Hà Nội: Sao có thể như thế?!Bắt chướcNhững “thợ”... vớt đèn lồng hồ GươmNỗi buồn từ lễ hội hoa anh đào: Sao đành "bứt hoa bẻ cành"?!Ảnh... xấu trong ngày tết
Phóng to |
Nhiều bạn trẻ giẫm đạp lên hoa để tìm lối đi cho riêng mình trong lễ hội hoa ở Hà Nội đêm 31-12-2008 - Ảnh: Tuổi Trẻ |
* Sự tan hoang đó không chỉ ở những tác phẩm nghệ thuật hoa bị tàn phá chỉ sau lễ hội chính thức khoảng mươi phút. Sự tan hoang còn ở những ánh nhìn, những suy nghĩ “trầm cảm” trước hành vi cướp, phá, đạp, bứt tàn hại của đám đông dự hội lễ văn hóa đó. Sự tan hoang còn ở ánh nhìn thảng thốt, hốt hoảng của những người nước ngoài vô tình bị đẩy vào hội lễ, nhìn công dân thủ đô đang chuẩn bị kỷ niệm ngàn năm văn hiến của mình hành xử không có chút gì gọi là văn minh đô thị, văn hóa cộng đồng.
Tôi nhớ lại những tan hoang trước đó không bị nghiêm trị một cách thích đáng từ lễ hội hoa anh đào, từ việc bẻ lộc tết nguyên đán năm nào...
Tôi lại nhớ miên man sang những "phở quát", "miến chửi", "xôi chém"...
Đau đớn nhất là hình ảnh một ông bố ăn vận lịch sự thản nhiên cướp hoa trước mắt con mình, còn quay sang cao giọng sửa lưng người mắng: ăn nói mất văn hóa thế à? mà quên mất mình vừa nêu tấm gương “cướp bóc” trước mặt con...
Nghĩ và nghĩ để chạnh lòng với câu cách ngôn: Không gì tệ hại hơn làm hành động xấu đi kèm với những lời khuyên tốt...
Bắt đầu từ chỗ khi chờ văn hóa ngấm từ từ vào mạch máu người dân, trước mắt hãy nghiêm khắc với những hành động tàn hại văn hóa hơn nữa. Luật bất nghiêm thì pháp bất thành, lẽ đó tự ngàn xưa đã vậy...
* Còn nhớ cách đây không lâu, báo Tuổi Trẻ cũng đã viết bài về việc "bứt hoa bẻ cành" ở lễ hội hoa anh đào. Và bây giờ, hiện tượng này lại tiếp diễn, ở cùng một thành phố. Tôi phẫn nộ thì ít, mà buồn thì nhiều hơn. Đến bao giờ chúng ta mới tôn trọng và thôi lấy cái chung làm cái riêng? Và đứa con của "người đàn ông vừa cướp chậu hoa rất đạo đức" trong bài viết sẽ lại như bố nó trong một lễ hội nào đó? Tất cả đều bắt nguồn từ ý thức của mọi người. Lúc ý thức chưa được đặt đúng chỗ thì những chuyện như thế này vẫn xảy ra.
Tôi thiết nghĩ, khi mà lời kêu gọi như giọt muối bỏ biển, sự can thiệp của chính quyền là cần thiết để đưa ý thức về đúng nơi cần. Khi người ta "sợ", sự tự giác sẽ hình thành.
* Đọc xong bài trên tôi thật sự bất bình vì không ngờ một số người dân thiếu ý thức đã thể hiện.
Từ những năm mẫu giáo đến giờ tôi vẫn nhớ bài hát thiếu nhi có câu: "... Nhưng cô dặn đừng nên hái, vì hoa này là của chung...".
Hoa là tài sản, là tâm sức của các nghệ nhân hết lòng vì thủ đô nhằm tô điểm thêm vẻ đẹp chung của đô thị, nhưng những người được gọi là "hoa tặc" lại muốn sở hữu cái chung đó làm cái đẹp riêng cho mình. Chẳng lẽ cả một lễ hội hoa như thế không đẹp hơn một vài cánh hoa mà người ta "cướp" được rồi cầm chúng trên tay mình hay sao!? Tôi thật sự rất bất bình vì chuyện này!
* Tôi thật sự rất kinh ngạc và phẫn nộ khi đọc được bài viết về cảnh những người dân tàn phá phố hoa Hà Nội không thương tiếc như thế! Lòng tham hay sự thiếu văn hóa và ý thức xã hội đã khiến người ta làm như vậy?
Người dân thủ đô vốn là những con người lịch lãm, luôn coi trọng lễ nghĩa, coi trọng những nét đẹp tinh thần, nhưng qua những vấn đề như thế này chúng ta cần phải suy nghĩ lại về việc giáo dục ý thức công dân, ý thức cộng đồng cho những công dân trong thời đại mới.
* Đã có quá nhiều trường hợp như thế xảy ra, nào là ở đường hoa Nguyễn Huệ, lễ hội hoa anh đào... và giờ là đường hoa Hà Nội. Cái đẹp ai cũng thích ngắm nhìn nhưng không phải ai cũng có ý thức giữ gìn nó. Không hiểu tại sao trong thời gian qua tình trạng này diễn ra ngày càng tệ như thế. Các nghệ nhân nói sợ không dám tiếp tục làm nữa, còn với tôi, một công dân trẻ, tôi sợ nhìn thấy hình ảnh các bạn trẻ trong những hoàn cảnh ấy.
Mong sao mỗi người đều biết nâng niu cái đẹp, biết quý công sức của những người đã làm cuộc sống của chúng ta đẹp hơn, phong phú hơn. Và một điều ước nho nhỏ, khi đón tết âm lịch sẽ không có cảnh tàn phá như thế ở tất cả công trình làm đẹp phố phường, chào đón năm mới.
Phóng to |
Vô tư bẻ hoa - Ảnh: Tiền Phong |
* Tôi là người Việt Nam và có nhiều cơ hội công tác ở nước ngoài, khi đọc bài viết phản ánh về một số người thiếu ý thức trong lễ hội phố hoa Hà Nội, tôi nghĩ rằng muốn công dân Việt Nam thay đổi nhận thức nơi công cộng, Bộ Giáo dục - đào tạo phải có chương trình giáo dục tại nhà trường về nhận thức nơi công cộng, ý thức văn hóa, bảo vệ hoàn cảnh vệ sinh môi trường từ lớp mẫu giáo khi bắt đầu tiếp xúc với cách sống sinh hoạt tập thể, xem việc này như một bộ môn trong trương trình giáo dục.
Hi vọng mỗi công dân Việt Nam sẽ là người ý thức văn hóa trong thời đại văn minh.
* Nhìn những hình đăng tải trên báo trong vài ngày qua, chúng tôi thật phẫn nộ, chỉ muốn nói với những ai đã nhẫn tâm phá hoại lễ hội hoa là họ không xứng đáng là dân thủ đô, họ là những người thiếu văn hóa, thiếu giáo dục và thiếu cả lòng tự trọng...
Biết bao thành phố trong cả nước ước ao được có một lễ hội văn hóa như thế mà không được. Đã được thưởng lãm một lễ hội hoa độc đáo như vậy mà sao lại có thể cư xử thiếu văn minh đến thế, họ không xứng đáng được hưởng thành quả lao động của biết bao nghệ nhân hàng đầu cả nước tạo ra.
* Đọc bài này xong tôi thấy rất thất vọng về ý thức của một bộ phận người dân, trong đó có những bạn trẻ là những người có học. 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp đến, đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ hội phố hoa và có thể nói đây là một lễ hội đã được đầu tư rất công phu, vậy mà...
Không hiểu các bạn trẻ họ có nghĩ được rằng những hành động vô ý thức của họ đã vô tình xúc phạm đến những nhà tổ chức, những người dân chưa đi xem không?
Thiết nghĩ nếu lần sau tổ chức lễ hội hoa các nhà tổ chức cần tuyên truyền ý thức cho người dân đi kèm với giới thiệu lễ hội.
Phóng to |
Phố hoa Hà Nội được trang trí lộng lẫy dọc theo bờ Hồ Gươm với sự đóng góp công sức của nhiều người: nghệ nhân, công nhân Công ty Cây xanh, ban tổ chức... Ảnh: Tuổi Trẻ |
* Nếu ai cũng không có ý thức như thế thì nước Việt Nam mình làm sao khá được. Từ việc nhỏ đến việc lớn nếu ko có ý thức và luôn nghĩ cho bản thân mình thì nước ta có đến 1.000 năm nữa cũng không thể cùng sánh vai với các nước bạn được.
Tôi thấy buồn vì một số những người dân Hà Nội được vinh dự hơn những người dân ở những tỉnh thành khác, được sống trên đất Thăng Long ngày xưa, được tận hưởng một lễ hội hoa đẹp như thế mà không biết quý thì ai còn dám tổ chức, ai dám bỏ nhiều tiền của để dân chúng có thể thưởng lãm và nâng cao tầm nhìn về cái đẹp. Thật thất vọng.
* Tôi là một trong cả ngàn người đổ về hồ Gươm đêm 31-12-2008 và phải nói rằng thất vọng với cả hai phía: Bên tổ chức và bên thưởng lãm!
Dân mình nhiều người ý thức quá kém. Rất nhiều người không buồn ngắm bằng mắt, họ phải sờ bằng được một cái mới thỏa. Bị bảo vệ huýt còi (huýt đến thủng cả phổi) thì họ hồn nhiên nói: "Sờ một cái thì có sao đâu!!!???".
Tiêu biểu nhất là đám bông lau. Tôi thật sự thấy mình bất lực khi nhìn thấy một thanh niên bẻ nghéo một phát, hồ hởi mang chiến lợi phẩm chạy mất khi bảo vệ đang tá hỏa lo đối phó với một đám khác!
Ban tổ chức thật sự không lường trước được những chuyện này hay sao? Họ có thể làm nhiều việc đơn giản hòng đối phó với không ít người thiếu văn hóa như thế. Đơn giản nhất là hãy căng dây cách 1m xung quanh các tác phẩm, cắt cử thêm bảo vệ, phân luồng người vào khu triển lãm hoa và chặn các phương tiện giao thông từ Tràng Tiền Plaza. Tôi chỉ thấy đúng một khu trưng bày hoa (lớn nhất) là giăng được cái dây lên, nhờ thế mà nó bảo toàn nguyên vẹn được tới sau giao thừa. Nghĩ lại, tôi thấy thật sự thất vọng và tiếc cho những đóa hoa đẹp không được bảo vệ và thưởng lãm đúng cách.
* Thật đáng xấu hổ và đau lòng khi những cảnh tượng thiếu văn hóa, vô ý thức vẫn xảy ra hàng ngày tại thủ đô và những thành phố văn minh nhất nước. Những hành vi này xuất phát từ nhận thức của mỗi người và đó là trách nhiệm lớn của ngành giáo dục.
Thời trung học, trường tôi học là một trường điểm của tỉnh tuy nhiên một cách khách quan, môn Giáo dục công dân chẳng gợi cho chúng tôi ý thức thêm được gì ngoài những giờ trả bài chán ngắt.
Tại sao không đưa những bằng chứng thực tế từ cuộc sống để giáo dục công dân? Một bài báo cáo về tình trạng vi phạm an toàn giao thông? Một tình huống cư xử thiếu văn hóa với khách nước ngoài? Một hành vi làm mất vệ sinh công cộng?... Thiết nghĩ những báo cáo ấy sẽ sinh động và có tính giáo dục cao hơn. Xã hội sẽ bớt được rất nhiều công sức cho những lãng phí từ hậu quả không tốt do giáo dục tạo nên.
Đức Tùng (tung_exp@...)
* 23g ngày 31-12-2008. Chỉ còn một giờ nữa là đến giao thừa. Tôi dạo quanh thị xã để cảm nhận không khí của một đêm cuối năm. Phố đã vắng người qua lại. Tôi trở về trên con đường quen thuộc hằng ngày - khu trung tâm hành chính - đường Nguyễn Tất Thành. Tôi như không còn tin vào mắt mình nữa: một khu vực trước cổng Trung tâm hội nghị - nơi mà vài giờ trước đây người dân thị xã được thưởng thức một đêm nhạc mừng xuân - ngập tràn rác là rác. Nào là giấy, bao ni lông, lon nước... Cách đó không xa là những thùng rác công cộng và cả một bảng hoa với lời kêu gọi: giữ gìn thị xã Xanh - Sạch - Đẹp.
Sáng nay đọc bài báo: Lễ hội phố hoa Hà Nội: Sao có thể như thế?! Tôi nghĩ rằng không chỉ có ở Hà Nội, mà còn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, đêm 31-12-2008 cũng có nhiều chuyện đáng để báo động về ý thức của người dân. Là công dân, tôi cảm thấy xấu hổ cho những hành động thiếu ý thức trên. Tôi muốn gửi lời xin lỗi và lời cảm ơn chân thành nhất đến các nhà tổ chức, các nghệ nhân của Lễ hội phố hoa Hà Nội, và nhiều lễ hội khác diễn ra trong đêm 31-12-2008 trên khắp cả nước. Xin cảm ơn các anh, chị công nhân vệ sinh ở thị xã tôi đã làm việc suốt đêm để trả lại con đường sạch đẹp cho một ngày năm mới đầy ý nghĩa.
Lâm Phước Hùng (hungetanol@...)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận