![]() |
Tại nhiều địa phương do thiếu môi trường tồn tại và phát triển, thiếu điều kiện vật chất để duy trì, do sự chậm chạp của ngành VHTT, các nghệ nhân, các nhóm ca trù chỉ tồn tại âm thầm, "lay lắt". Chỉ có Hà Nội là tình hình còn "khả dĩ", tuy rằng, nếu thâm nhập vào "hậu trường ca trù", người ta cũng thấy lắm nhiêu khê!
Ca trù Hà Nội hôm nay có những ai?
Ra đời sớm nhất - mặc dù có thể coi là muộn so với thực trạng nhiều chục năm, ca trù im hơi lặng tiếng - là CLB Ca trù Hà Nội, được thành lập năm 1991 do nghệ sĩ Bạch Vân làm chủ nhiệm. Hiện CLB này đã tập hợp tới hơn 200 hội viên, sinh hoạt đều đặn 2 lần/tháng.
Trên đà trở lại của những quan niệm đúng đắn và thái độ tôn vinh đối với ca trù, năm 1994 có CLB Ca trù Lỗ Khê (Đông Anh), năm 1995 có CLB Ca trù Thái Hà của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi.
Trong năm 2006, cùng với những hoạt động sôi nổi quy mô lớn xung quanh việc đề cử ca trù lên UNESCO, CLB ca trù UNESCO và CLB ca trù của Cục VHTT cơ sở được thành lập.
Tháng 8, đông đảo báo chí đã chứng kiến và thông tin về cuộc ra mắt của nhóm ca trù người Việt do đào nương Phạm Thị Huệ (đồng thời cũng là giảng viên Nhạc viện Hà Nội) chủ trì.
Hiện nay, có lẽ đáng chú ý nhất phải kể đến nhóm ca trù Tràng An của NSƯT Phó Thị Kim Đức và các học trò, vừa ra mắt nhưng đã có quá trình rèn luyện nghiêm khắc nhiều năm qua với chất lượng nghệ thuật và tính chuyên môn cao.
Ngoài ra còn có CLB Hương Sắc tại phố Hàng Bồ - Hà Nội của một số nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp, kết hợp biểu diễn ca trù với một số loại hình khác như chèo, xẩm, hát văn,v.v.
Các nhóm, CLB ca trù hiện nay đều hoạt động thường xuyên, hoặc biểu diễn phục vụ khán giả, hoặc sinh hoạt nội bộ.
Thực trạng còn gây nhiều lo lắng
Sự phát triển của các nhóm, CLB ca trù ở Hà Nội cho thấy ý thức tôn vinh văn hoá dân tộc đã phần nào bắt rễ trong đời sống tinh thần của người dân thủ đô. Các hoạt động quy mô trong năm nay xung quanh bộ hồ sơ ca trù như Liên hoan Ca trù toàn quốc diễn ra tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế về ca trù... góp phần nâng cao sự quan tâm của công chúng và sự vào cuộc của ngành VHTT.
Các nghệ sĩ, nghệ nhân - trong đó có những người gắn cả đời với tiếng đàn, nhịp phách - có điều kiện hơn để giới thiệu với công chúng những giá trị âm nhạc, thơ ca và kỹ thuật hát, kỹ thuật gõ phách điêu luyện của ca trù. Có những người nhiều năm âm thầm gìn giữ, rèn giũa, nay mới có dịp thể hiện trước khán giả niềm say mê của mình.
Nhưng thực tế hiện nay không thể luôn đem lại những khả quan. Những gì vẫn tồn tại và âm thầm diễn ra sau nó có thể làm nhiều người lo lắng.
Ngoài sự "bằng mặt nhưng không bằng lòng" trong hậu trường của ca trù, thì chất lượng nghệ thuật nói chung thiếu sự đồng bộ.
Nếu như NSƯT Phó Thị Kim Đức học ca trù từ năm 7 tuổi, đến năm 13 tuổi bà mới được bố cho đi hát ở giáo phường Khâm Thiên, các học trò của bà trong nhóm Tràng An đều đã trải qua thời gian rèn luyện nghiêm túc 5 - 6 năm ròng, vẫn kiên trì luyện tập và sinh hoạt thuần túy vì mục đích nghệ thuật, thì hiện vẫn có những nơi mới chỉ tự học ca trù qua băng, đài, có những người thụ giáo nghệ nhân chưa được mấy..., đã tham gia biểu diễn.
Tất nhiên, trong sự phát triển các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, quy luật chọn lọc, đào thải sẽ phát huy tác dụng, nhưng trước đó, khán giả có thể chưa hiểu đúng về nghệ thuật ca trù với tính bác học, phức tạp và tinh tế của nó.
Trong sự nhiễu loạn thông tin, cơ hội để được chiêm ngưỡng nghệ thuật đích thực sẽ càng ít.
Nghệ sĩ Bạch Vân bức xúc: "Nếu sau này, các nghệ nhân có "quy tiên" hết thì liệu còn ai nghe ai, khác nào "ba anh xẩm đi xem voi"".
Có những nghệ nhân đã ra đi mà chưa kịp được vinh danh trước công chúng hoặc có điều kiện tham gia công tác đào tạo nghệ thuật. Điều này có thể do hạn chế của quan niệm sai lầm và ca trù một thời. Nhưng thậm chí hiện nay, một số nghệ nhân đã quá già yếu vẫn chỉ có thể truyền dạy các bài bản ca trù và ngón nghề của mình cho thế hệ sau trong các hoạt động nội bộ.
Vấn đề khác khiến chúng ta có thể xót xa là hiện nay, nhiều nghệ nhân vẫn sống trong thiếu thốn.
Nghệ sĩ Bạch Vân đề xuất: "Cần quan tâm bằng vật chất và tinh thần đối với các nghệ nhân cao niên nhằm lưu giữ những tinh hoa mà nghệ thuật ca trù xưa còn sót lại. Họ là những người đủ tư cách nhận xét và hướng dẫn cho hậu sinh. Cần đào tạo lớp kế tục từ 3 đến 5 năm trở lên một cách nghiêm túc, bài bản, do các nghệ nhân giỏi từng vùng đảm nhiệm. Ngoài ra, nên tổ chức liên hoan định kỳ 3 năm/lần nhằm khuyến khích; động viên và phát hiện những đào nương có tài năng".
Không gì hơn sự khổ luyện
Trong sự vận động riêng của mình, các nhóm, CLB ca trù tại Hà Nội đều có những tôn chỉ, mục đích riêng. Thậm chí rồi đây, trong xu thế xã hội hoá nghệ thuật, với nhu cầu phát triển phong phú của nghệ thuật và sự bùng nổ thông tin, người ta còn có thể áp dụng các phương pháp tuyên truyền, quảng bá, đẩy mạnh các chiến dịch PR, hoặc kết hợp đưa ca trù vào vô vàn những lĩnh vực, hoạt động khác như du lịch, giải trí, kinh doanh,v.v.
Với những điều kiện của mình, Hà Nội đã là môi trường đầu tiên có sự trở lại và sẽ là nơi đầu tiên đẩy mạnh phát triển kèm theo thử thách gay gắt đối với nghệ thuật ca trù.
Nhưng chắc chắn, trong sự "tồn tại sống" - tồn tại đích thực của ca trù là trình diễn và chiêm ngưỡng, mức độ tôn vinh của xã hội đối với nghệ thuật ca trù sẽ luôn tỷ lệ thuận với sự nghiêm túc khắt khe và khổ luyện của các nghệ nhân, nghệ sĩ.
Cuộc đời lao động và cống hiến nghệ thuật nhiều gian khó của những bậc thầy trong nghệ thuật ca trù - nay đã vắng bóng như NSND Quách Thị Hồ, nghệ nhân Phạm Thị Mùi, nghệ nhân đàn đáy Chu Văn Du, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ,v.v. đã chứng minh cho điều đó.
Chìm nổi ca trù Sài GònRa mắt địa chỉ văn hóa Ca trù Tràng AnKhai trương Ca quán đầu tiên cho nghệ thuật ca trùCô Huệ ca trùMột người trẻ yêu ca trùPhạm Thị Huệ và lễ “Mở xiêm áo” “Đổ hột là một kỹ thuật đặc trưng của ca trù”?GS Trần Văn Khê: Sự trở lại của mối quan tâm với ca trùCa trù Lỗ Khê: Của tin còn một chút nàyPhát hiện mới về lối hát Ca trù cổHội thảo quốc tế về ca trù: Nhiều khó khăn trong việc bảo tồnHoàn tất hồ sơ hát ca trù đệ trình UNESCO"Cơ sở để khôi phục nghệ thuật ca trù cổ rất vững chắc"Hát ca trù: nghệ thuật độc đáo riêng có của Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận