21/02/2005 22:14 GMT+7

Hậu quả sóng thần: những tổn thất về văn hóa

DinhThang
DinhThang

Sau những đau thương từ tổn thất của cơn biển động tạm lắng xuống, mặc dù còn ngổn ngang trăm mối lo cho cuộc sống của các nạn nhân sống sót, nhưng hôm nay ở các vùng xảy ra thảm họa, người ta đã bắt đầu có thời gian xem xét đến những mất mát của kho tài sản văn hóa.

9PeVJAXC.jpgPhóng to
Có đền thờ Hồi giáo ở Aceh mất sạch những bức tượng cổ và các đồ thờ cúng sau vụ sóng thần
Sau những đau thương từ tổn thất của cơn biển động tạm lắng xuống, mặc dù còn ngổn ngang trăm mối lo cho cuộc sống của các nạn nhân sống sót, nhưng hôm nay ở các vùng xảy ra thảm họa, người ta đã bắt đầu có thời gian xem xét đến những mất mát của kho tài sản văn hóa.

Những đoàn chuyên gia đầu tiên của UNESCO và các tổ chức bảo vệ di sản đã có trong tay bản điều tra trung hạn về tình hình hậu sóng thần.

Quá sớm?

Khi tin tức về thảm họa sóng thần lan đi khắp thế giới, những động thái đầu tiên của cộng đồng thế giới là lo việc hỗ trợ khôi phục cơ sở sinh sống cho vùng bị nạn. Những chuyến hàng đầu tiên chở đầy thuốc men và thực phẩm, những đoàn chuyên viên cứu hộ làm việc ngày đêm để ngăn ngừa dịch bệnh, tư vấn tâm lý, xây lại tổ ấm cho hàng ngàn đứa trẻ mất hết cha mẹ và người thân. Liệu trong giờ phút ấy có đáng trách những ai quan tâm đến một ngôi chùa hoang, một thư viện đầy sách vở ngập bùn đất, một pho tượng bị sóng đánh trôi?

Câu hỏi đó hoàn toàn có lý, nhưng câu trả lời nằm sâu hơn một suy nghĩ nông cạn ban đầu. Sự mất mát của di sản văn hóa thoạt tiên chưa có hình dạng cụ thể, mà nó thuộc về những tác động tiêu cực về tâm lý mà các nạn nhân phải cố gắng vượt qua. Họ mất đi không những chỉ vài vật dụng trong nhà, mà còn các nét thân thuộc trong môi trường xung quanh, những công trình văn hóa mang tính biểu tượng mà thiếu chúng thì sau một thời gian mới biết rằng cuộc sống nghèo nàn đi biết bao. Đó là tổn thất về văn hóa khó bù đắp nổi, vì khi những nhân tố của cuộc sống phi vật thể bị gạt khỏi trí nhớ, con người còn lại bao nhiêu phần trăm của chính mình?

Thêm vào đó, cần biết rằng đa số các nước chịu tai họa sóng thần có một nền kinh tế phụ thuộc khá nặng vào công nghiệp du lịch. Những tài sản văn hóa của họ, nói cho cùng là nguồn thu nhập lớn và chính yếu từ hàng triệu du khách mỗi năm. Bên cạnh những tổn thất trừu tượng, sự thiệt hại kinh tế nhắc nhở bằng một ngôn ngữ tàn bạo nhưng rất thực tế rằng, đã đến lúc bắt tay vào cứu vớt và khôi phục di sản văn hóa trong các vùng bị thiên tai.

Bảo tàng, đền chùa, thư viện

Những chuyên viên của UNESCO, ICOMOS (Ủy ban quốc tế về công trình văn hóa công cộng), ICOM (Hội đồng bảo tàng quốc tế) v.v... thống kê sơ qua vài tổn thất ban đầu, trong đó hàn loạt công trình thuộc về di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Ở BandaAceh, thủ phủ của tỉnh Bắc Indonesia nằm gần trung tâm địa chấn, bộ sưu tập đồ gốm cổ nổi tiếng bị hủy hoại nặng. Nhiều địa phương như Phang Gha và Krabi của Thái Lan bị sóng san thành bình địa. Ở đây có di tích tranh khắc trên đá 2.000 năm tuổi ở các hang động nguyên thủy, tuy không bị hư hỏng song đòi hỏi phải có biện pháp gia cố tốt hơn, nhất là ở các vòm hang gần mép nước. Thành phố cảng Koh Kor Khao từ thế kỷ 9 với những công trình xây dựng được ghi vào danh sách di tích lịch sử bị mất đi nhiều nhà cửa mang đặc tính của văn hóa của người Mogen, ngư dân quần đảo Surin. Sri Lanka bị mất mát nhiều nhất. Ở các tỉnh miền Nam như Hambantota, Matara, Galle và Kalutara tổng cộng 52 thư viện cổ và 43 đền chùa Phật giáo bị sóng nhấn chìm. Bảo tàng hải dương ở Galle, sản phẩm của các nhà truyền đạo Bồ Đào Nha thế kỷ 16, cũng bị nước triều đánh tan tác. Viện khảo cổ biển, nơi lưu trữ kết quả của 5 năm cuối và được UNESCO bảo trợ thành trung tâm đào tạo nghề, nay chỉ còn trơ lại nền đất. Chưa kể đến các khu phố cổ từ thế kỷ 16, mang nặng dấu ấn của nghệ thuật xây dựng thời xa xưa. Tại vùng duyên hải phía Đông Sri Lanka, nơi cuộc nội chiến âm ỉ từ bao năm, khó đánh giá được hết các thiệt hại. Tổ chức LTTE ("Những con hổ Tamil") trách cứ chính phủ ngăn trở các chuyến hàng cứu hộ, tuy nhiên hôm nay các xung đột đã giảm dần. Trong quá trình đồng tâm tái thiết, hy vọng sẽ thống kê được những thiệt hại trên lĩnh vực văn hóa.

Ở Mahabalipuram (Ấn Độ), các ngôi đền ven biển may mắn được vẹn toàn nhờ lớp tường thành bảo vệ xây từ 1978, song làng mạc xung quanh bị tàn phá bi thảm. Các ngôi chùa cổ ở Tamil Nadu và Kerala, cũng như một bảo tàng thời mới về lịch sử thời thực dân Anh cũng bị hư hỏng gần hết.

Trở ngại chính trị

Sri Lanka và Indonesia từ nhiều năm qua vốn đã không yên ổn trong nội trị, nhất là Aceh và những vùng Tamil kiểm soát chưa bao giờ ngưng cuộc nội chiến dai dẳng và đẫm máu đòi quyền tự trị của dân địa phương. Nhiều chính trị gia lợi dụng tình hình hậu sóng thần để xuyên tạc lịch sử và khai thác lợi thế cho mình. Công tác trùng tu các công trình văn hóa bỗng nhiên được tôn lên ý nghĩa tư tưởng khác hẳn với mục đích tôn giáo nguyên thủy, cốt chỉ để kích động quần chúng theo một hướng tư duy trục lợi.

Chịu ảnh hưởng của các tiêu chí UNESCO, có lẽ chỉ những công trình văn hóa vật thể được tài trợ tái thiết. Nhiều ngành nghề thủ công ở những vùng ven biển, những đoàn ca múa dân gian lưu động hay các họa sĩ đi rong phục vụ lễ hội địa phương - những di sản văn hóa phi vật thể song không thể thiếu trong văn hóa bản địa - sẽ không bao giờ được để ý tới.

Bên cạnh đó, một khó khăn không nhỏ là khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt. Nếu những di sản văn hóa không được nhanh cóng tôn tạo thì nấm mốc, không khí ẩm ướt và đủ loại ký sinh trùng sẽ phá hủy các phần còn lại trong chớp mắt.

Le lói một hy vọng nhỏ: Ấn Độ Dương, hôm nay mang màu sắc dữ dằn của cơn động biển, xét về lịch sử đã từng là điểm giao lưu kinh tế và văn hóa hàng thế kỷ trước khi công cuộc toàn cầu hóa có một cái tên rõ rệt. Qua thảm họa sóng thần, có thể các quốc gia trong khu vực sẽ xích lại gần nhau hơn, không chỉ để trước mắt thành lập một dây chuyền dự báo thiên tai, mà còn trong nỗ lực giữ gìn và phát triển di sản văn hóa?

Theo Thể Thao & Văn Hóa

DinhThang
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên