![]() |
Khi tập năm “Harry Potter and the Order of Phoenix” ra mắt, nhiều người dịch thành “Harry Potter và Mệnh lệnh Phượng hoàng” và... bị sai. Order là lệnh, là huân chương... nhưng còn có nghĩa là hội. Vì thế sau này tựa sách được dịch chính xác thành “Harry Potter và Hội Phượng hoàng”.
Trở lại tập truyện vừa mới được giới thiệu ầm ĩ, ngay chính tác giả cũng thừa nhận tựa sách rất khó dịch nếu chưa đọc hết sách nên đã đồng ý đặt thêm một tựa “Harry Potter and the Relics of Death”. Relics là di vật, thánh tích nên tựa đề tiếng Việt có thể sẽ là “Harry Potter và tử thần tích”, ý nói về các thánh tích của tử thần. Tựa sách ở Nhật Bản lại là “Harry Potter and the Secret Treasure of Death”.
Hallow trong tựa nguyên gốc thường dùng như động từ, có nghĩa “to make holy”. Nhưng trong sách nó là danh từ chỉ ba vật gồm “Elder Wand” (chiếc đũa thần), “Resurrection Stone” (viên đá hồi sinh) và “Invisibility Cloak” (áo khoác tàng hình) - the three legendary objects that conquer death. Tựa sách với ý nghĩa như thế thì khó dịch thật.
Một tập sách khác “Harry Potter and the Philosopher’s Stone” khi in ở Mỹ được chuyển thành “Harry Potter and the Sorcerer’s Stone”. Philosopher’s stone là viên đá biến kim loại bình thường thành vàng, dùng trong thuật giả kim nhưng trong truyện nó là viên đá làm cho con người bất tử nên biên tập viên bản tiếng Mỹ đổi lại để độc giả người Mỹ khỏi hiểu nhầm. Quyết định biên tập “dịch từ tiếng Anh sang tiếng Mỹ” của cuốn này bị nhiều người Mỹ chê trách. Một người viết: “I like to think that our society would not collapse if our children started calling their mothers Mum instead of Mom. And I would hate to think that today’s children would be frightened away from an otherwise thrilling book by reading that the hero is wearing a jumper instead of a sweater”. Chú ý người viết minh họa bằng hai cặp từ tiếng Mỹ và tiếng Anh (Mom - Mum; sweater - jumper).
“Dịch từ tiếng Anh sang tiếng Mỹ” bao gồm những công đoạn: “The first are spelling differences: gray for grey, color for colour, flavor for flavour, pajamas for pyjamas, recognize for recognise and the like”. Cái này những người học tiếng Anh đều biết nhưng đôi lúc trong cùng một văn bản, dùng lẫn lộn cả hai loại chính tả. “The second are differences in common words or phrases: pitch turns to field, fortnight to two weeks, post to mail, boot of car to trunk of car, lorry to truck”. Đa phần văn bản chúng ta tiếp cận thường xuyên là tiếng Mỹ cho nên dù đôi lúc cố ý dùng tiếng Anh nhưng chúng ta vẫn dùng truck (xe tải) chứ ít khi dùng lorry. Thử tưởng tượng bây giờ các nhà xuất bản Mỹ phải “dịch” như thế đối với các tác phẩm kinh điển của Charles Dickens hay Shakespeare mới thấy họ phê bình đúng. Ví dụ không lẽ biến tựa sách quen thuộc “A Christmas Carol” thành “A Christmas Song” hay “The Merchant of Venice” thành “The Salesman of Venice”!
Sách của bà J. K. Rowling khó dịch vì nhiều lẽ, trong đó lý do chính là bà sáng tạo ra nhiều từ mới và tên nhân vật đều có ý nghĩa riêng của nó. Những yếu tố này khi dịch thường bị mất đi. Ví dụ, tên nhân vật Tom Marvolo Riddle nếu sắp xếp lại sẽ biến thành “I am Lord Voldemort” (cảnh trong cuốn Harry Potter and the Chamber of Secrets khi Tom Riddle tiết lộ thân phận cho Harry) và bản thân từ riddle cũng có nghĩa là câu đố - vì thế bản tiếng Pháp tên nhân vật này được dịch thành Tom Elvis Jedusor để khi sắp xếp mới thành “Je suis Voldemort”. Chỗ này tiếng Việt chịu nên người dịch phải dùng chú thích.
Vì người dịch không được trao bản tiếng Anh trước lúc sách chính thức phát hành nên phải mất mấy tháng sau bản dịch các thứ tiếng mới xuất hiện. Từ đó mới có những câu chuyện “khó tin nhưng có thật”. Bản dịch lậu tiếng Tây Ban Nha cuốn Harry Potter và Hội Phượng hoàng vì dịch vội nên người dịch bí chỗ nào bèn xin lỗi chỗ đó. Bản tin BBC cho biết: On one page the translator warns: “Here comes something that I’m unable to translate, sorry”. Một chỗ khác: “You gave him ‘the old one-two’ (I’m sorry, I didn’t understand what that meant)”. Như thế cũng khá trung thực rồi. Ở Trung Quốc, thậm chí có sách giả với tựa đề: “Harry Potter and Leopard-Walk-Up-to-Dragon” cũng khét tiếng một thời.
Có một trang web cất công so sánh các bản dịch tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Việt về nhiều khía cạnh, trong đó có phần nêu một số lỗi của các bản dịch. Ví dụ, tên một cuốn sách “Magical Draughts and Potions” trong ấn bản tiếng Mỹ đã chuyển thành “Drafts” nên bị dịch sai thành “Đề cương phép lạ và độc dược” trong khi draught hay draft ở đây mang nghĩa thức uống, liều thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận