29/03/2006 05:25 GMT+7

Hành trình vất vả của một triết gia

NGUYỄN KHẮC PHÊ
NGUYỄN KHẮC PHÊ

TT - “Giáo sư Trần Đức Thảo thuộc số những trí thức Việt Nam được người nước ngoài đọc và hiểu nhiều hơn là đồng bào của mình. Đó vừa là một vinh hạnh vừa là một thiệt thòi của dân tộc…”.

Hành trình vất vả của một triết gia

(Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo - NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội)

gAfuVx6j.jpgPhóng to

TT - “Giáo sư Trần Đức Thảo thuộc số những trí thức Việt Nam được người nước ngoài đọc và hiểu nhiều hơn là đồng bào của mình. Đó vừa là một vinh hạnh vừa là một thiệt thòi của dân tộc…”.

Đây là những dòng mở đầu “Lời giới thiệu” cuốn sách. Quả là những công trình triết học của ông như Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Những nghiên cứu nguồn gốc của ngôn ngữ và của ý thức, Vấn đề con người và chủ nghĩa “lý luận không có con người”... còn ít độc giả Việt Nam biết đến, nhưng cuộc đời không ít những bi kịch của ông, hành trình vất vả gian nan đi tìm chân lý và đến với cách mạng của nhà triết học luôn phải sống trong cảnh cô đơn này lại được nhiều người truyền tụng với những giai thoại thực hư lẫn lộn.

“Để tránh những hiểu nhầm và sự đồn thổi không đáng có” (“Lời giới thiệu”) về nhân vật nổi tiếng này, cuốn sách đã tập hợp trên 20 bài viết của nhiều tên tuổi cũng rất nổi tiếng - từ Nguyễn Đình Thi, Trần Văn Giàu, Phan Ngọc, Phùng Quán, Đỗ Lai Thúy, Hà Xuân Trường, Nguyễn Đình Chú, Hàm Châu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đức Hiền, Đỗ Chu... Do đó, những thông tin cuốn sách mang lại có thể nói là đáng tin cậy, không chỉ giúp chúng ta hình dung được đúng đắn tính cách đa dạng và diện mạo tinh thần một nhà khoa học chân chính mà còn gợi những suy nghĩ bổ ích về một vấn đề thiết yếu đối với mọi thời đại: đối đãi và trọng dụng trí thức, hiền tài.

Đọc cuốn sách, chúng ta được dõi theo hành trình của ông từ chàng sinh viên Việt Nam đầu tiên đỗ đầu khóa thạc sĩ triết học (năm 1943) ở ngôi trường nổi tiếng chuyên đào tạo những nhân tài, những nhà tư tưởng và chính khách của Pháp (Ecole Normale Supérieure de la Rue d’Ulm) đến cuộc tranh luận lịch sử năm buổi liền (năm 1949) với nhà văn - triết gia hiện sinh Pháp J.P.Sartre về “Chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa hiện sinh”; từ những tháng ngồi tù vì đã công khai tuyên bố với báo chí tại Paris (tháng 9-1945) rằng:

“Nếu quân đội viễn chinh đổ bộ thì người Đông Dương phải nổ súng”, đến lúc ông quyết định rời bỏ cuộc sống với con đường danh vọng rộng mở ở thủ đô Paris hoa lệ để dấn thân vào cuộc kháng chiến gian khổ tại chiến khu Việt Bắc (năm 1951)... Thế nhưng từ khi giặc Pháp rút khỏi Hà Nội, chỉ sau một thời gian ngắn làm công tác giảng dạy ở Trường đại học Sư phạm, ông bị “vướng” vào vụ “Nhân Văn - Giai Phẩm”…

Từ ngày ấy, 50 năm đã qua! Hình như có thông lệ những sự kiện sau 50 năm thì được “giải mật”. Có phải vì thế mà cùng với bài viết của Trần Ngọc Hà làm sáng tỏ đời tư không may của ông, nhiều bài trong cuốn sách đã không tránh né vụ “Nhân Văn”; hơn thế, còn trích in hai bài của ông đã đăng trong báo Nhân Văn Giai Phẩm.

Ông Hà Xuân Trường, người lãnh đạo ngành tư tưởng văn hóa nhiều năm, đã viết những dòng có thể gọi là minh oan cho ông Thảo (đăng báo Văn Nghệ ngày 24-7-1993) khi “người lữ hành đã một mình đi xa mãi” (Nguyễn Đình Thi) ở trời Tây ba tháng trước.

Còn 50 năm trước... Có lẽ chẳng cần phải nhắc nhiều đến những nỗi cơ cực mà ông phải gánh chịu, từ việc “Trần Đức Thảo chăn bò ở nông trường Ba Vì” để “cuộc đời dài dài phí hoài” mà Tô Hoài cũng đã nhắc đến trong hồi ký Chiều chiều, đến tận khi hộp tro đựng di hài ông từ Paris chuyển về chiếm “kỷ lục” tạm trú 50 ngày đêm “dưới cái gầm cầu thang của nhà tang lễ thành phố 125 Phùng Hưng, Hà Nội” để “chờ quyết định trên có được đưa vào Mai Dịch hay phải về Văn Điển” như nhà văn Phùng Quán đã xót xa kể lại; chỉ cần ghi lại ở đây một câu trong bài viết của GS Trần Văn Giàu:

“...Sự cư xử thiếu tế nhị, thiếu thuyết phục đối với một trí thức không phải là đảng viên như anh - mà đối với trí thức đảng viên thì cũng không thể làm như vậy - một trí thức từ nước ngoài tìm về với kháng chiến, theo tôi, là điều đáng phải nghiêm khắc coi lại”.

Dù sao thì nhờ “đổi mới”, hơn nửa thế kỷ sau ngày nhà triết học trẻ tuổi được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm thư ký tại hội nghị Fontainebleau, Đảng và Nhà nước ta đã thể hiện sự tôn trọng người hiền tài, đánh giá đúng cống hiến của ông cho khoa học bằng việc truy tặng triết gia Trần Đức Thảo Giải thưởng Hồ Chí Minh.

NGUYỄN KHẮC PHÊ

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên