Cùng thảo luận để tìm lời giải vượt qua thử thách tại các địa chỉ văn hóa - lịch sử ở mỗi trạm - Ảnh: K.ANH
Vòng chung kết hội thi "Tự hào sử Việt" (do Thành Đoàn TP.HCM phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức) vừa diễn ra với "Hành trình lịch sử" của 14 thí sinh.
Các bạn đã trải nghiệm và vượt thử thách với việc tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế đặc trưng tại nhiều địa điểm lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP.HCM - thành phố bên sông Sài Gòn.
Những điểm đến gắn với dòng sông Sài Gòn
Điểm đầu tiên của hành trình là Lăng Ông - tên gọi phổ biến trong dân gian để chỉ Khu di tích lịch sử - văn hóa lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, bao gồm cả khu vực mộ và miếu thờ.
Sau khi nghe thuyết minh về cuộc đời, sự nghiệp của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, các thí sinh vượt qua thử thách là những câu hỏi về kiến thức lịch sử, rồi sau đó tiếp tục đến trạm thứ hai của hành trình chính là hội quán Tuệ Thành (quận 5).
Thử thách trải nghiệm "Thách thức vị giác" các thí sinh qua các món ăn đặc trưng ẩm thực của các vùng miền. Các thí sinh phải bịt mắt, ăn và cảm nhận mỗi món, sau đó các đội cung cấp các dữ liệu: tên món ăn, xuất xứ của món ăn và liệt kê ba thành phần chính làm ra món ăn đó...
Tham quan tìm hiểu về hội quán Tuệ Thành, về văn hóa của người Hoa tại khu vực Chợ Lớn, cả ba đội cùng trải qua thử thách chung, ghép những đoạn thơ thành bài thơ "Người đi tìm hình của nước".
Đó cũng là thông điệp địa điểm tiếp theo của hành trình - Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM.
Thử thách "Dòng chảy lịch sử" được ban tổ chức sắp đặt 15 giá tranh có hình ảnh của 15 địa điểm, công trình, biểu tượng gắn với lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM và con sông Sài Gòn để các đội tỏa ra tìm kiếm và trả lời cho những dữ liệu mà ban tổ chức đặt ra.
Khi MC hỏi "Nơi mà bạn sắp đến đã từng là trụ sở hoạt động của những tổ chức đấu tranh công khai do tuổi trẻ Thành Đoàn Gia Định lãnh đạo?", các đội nhận ra ngay điểm tiếp theo của hành trình chính là Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Đến đây, các bạn được ông Hoàng Đôn Nhật Tân (bí danh Sáu Triều) - nguyên trưởng Ban tuyên huấn Thành Đoàn, thành viên CLB Truyền thống Thành Đoàn - giới thiệu vắn tắt về địa chỉ này và phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định giai đoạn 1954 - 1975.
Cùng thảo luận để tìm lời giải vượt qua thử thách tại các địa chỉ văn hóa - lịch sử ở mỗi trạm - Ảnh: K.ANH
Lan tỏa tình yêu sử Việt trên không gian mạng
Khép lại hành trình dù đã quá trưa nhưng phần thi "Hiến kế" tại vòng chung kết vẫn diễn ra sôi nổi giữa ba đội, ngay tại phòng truyền thống Đoàn, Nhà văn hóa Thanh niên.
Với phần hiến kế về giải pháp hiệu quả trong công tác tuyên truyền lịch sử, truyền thống cho đoàn viên, thanh thiếu nhi TP trên không gian mạng, đội 1 gồm bốn thành viên: Trương Văn Hoài Khanh, Phạm Quang Thắng, Nguyễn Minh Trí và Hà Thị Kim Khánh đã đưa ra dự án "Những cánh chim Lạc", dự án tuyên truyền trực tuyến trên không gian mạng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi TP về lịch sử nước nhà.
Hoài Khanh đại diện nhóm nêu ra thực trạng điểm thi môn lịch sử của học sinh cuối cấp THPT những năm gần đây luôn thấp, điểm dưới trung bình khá nhiều. Đây là những con số biết nói, phần nào phản ánh được hạn chế trong tinh thần của các bạn trẻ đối với việc nghiên cứu lịch sử.
Khanh nói: "Việc cần làm là phải thay đổi cách dạy để lịch sử vừa được tiếp cận một cách tự nhiên và cuốn hút nhất, vừa thay đổi được tư duy, khi đó việc học lịch sử mới trở nên hiệu quả và có chân giá trị đối với đời sống xã hội".
Xuất phát từ mong muốn trên, các thành viên đội 1 đề xuất dự án "Những cánh chim Lạc" là giải pháp thực hiện công tác tuyên truyền lịch sử trực tuyến xác định đối tượng chính là đoàn viên, thanh thiếu nhi TP.HCM. D
ự án đề ra ba mục tiêu hành động lớn, diễn ra song song, cụ thể: thay đổi tư duy của các bạn trẻ về việc học lịch sử theo hướng tiếp cận mới; xây dựng cộng đồng những người yêu thích lịch sử và xây dựng, giới thiệu về kho dữ liệu lịch sử theo hướng trải nghiệm - tương tác.
"Dự án "Những cánh chim Lạc" là dự án phi lợi nhuận, được vận hành bởi các thành viên có sự yêu thích và có chuyên môn về lịch sử, mong trở thành một hệ sinh thái trên các nền tảng phổ biến với các bạn trẻ (YouTube, Spotify, Facebook, Instagram, Twitter...), để dễ tiếp cận với người trẻ nhất là các bạn gen Y, gen Z", Hoài Khanh cho hay.
Thành viên của đội 2 lại đưa ra ý tưởng xây dựng các câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" trong trường học để là nơi gắn kết, tổ chức các hoạt động từ đó chính các em học sinh sẽ là những đại sứ lan tỏa tình yêu với lịch sử đến bè bạn, mọi người xung quanh.
Còn đội 3 cũng nêu ra thực trạng dạy và học môn lịch sử hiện nay với mong muốn được thay đổi phương pháp dạy môn lịch sử trong trường học.
Cùng với đó là những cách thức lan tỏa tình yêu sử Việt đến với người trẻ thông qua các hoạt động của Đoàn, Đội...
Chị Trịnh Thị Hiền Trân, trưởng Ban tuyên giáo - đối ngoại Thành Đoàn TP.HCM, trưởng ban tổ chức hội thi, cho biết: "Khi thiết kế những trạm thử thách cho các đội vào chung kết, chúng tôi muốn lồng ghép kiến thức lịch sử, văn hóa của TP.HCM gắn liền với sông Sài Gòn".
Thông qua các hoạt động trải nghiệm của vòng chung kết, các thí sinh đã hiểu thêm lịch sử, văn hóa của Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP.HCM từ thuở khai hoang lập ấp cho đến nay; đó là sự đa dạng văn hóa của vùng đất từng là thương cảng lớn bên dòng sông Sài Gòn, nơi tiếp nhận văn hóa đa dạng từ nhiều vùng miền.
Cũng từ đây, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết tâm ra đi tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc. Nhiều nơi dọc bờ sông Sài Gòn cũng ghi lại những chiến công và cả sự hy sinh của cha anh trong cuộc chiến giành độc lập.
Cuộc thi với mong muốn lan tỏa hơn nữa tình yêu sử Việt đến đông đảo các bạn trẻ, đặc biệt là niềm tự hào về sông Sài Gòn - con sông của TP.HCM.
Hội thi thu hút hơn 80.000 lượt thí sinh thi trực tuyến là đoàn viên, thanh niên, đội viên của TP.HCM và bạn đọc báo Tuổi Trẻ trên toàn quốc. Ban tổ chức tiếp nhận hơn 130 sản phẩm tuyên truyền và hơn 100 hiến kế lan tỏa sử Việt.
Ở phần thi trực tuyến "Tranh tài sử Việt", các thí sinh trải qua ba đợt thi, mỗi đợt năm ngày, từ 26-7 đến 14-8. Điểm mới của hội thi năm nay là mở rộng sân chơi này cho đội viên, thiếu nhi. Cạnh đó, các câu hỏi cũng mở rộng kiến thức về địa danh, di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn TP; văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam; lịch sử hình thành, phát triển và văn hóa của đô thị ven sông Sài Gòn; các kỳ đại hội Đoàn TP.HCM và toàn quốc.
Hội thi năm nay còn có nội dung đóng góp các ý tưởng cho dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn TP.HCM lần XI (nhiệm kỳ 2022 - 2027) trong công tác giáo dục lịch sử, truyền thống qua phần thi viết "Hiến kế lan tỏa sử Việt" và tọa đàm "Tuổi trẻ TP.HCM tự hào sử Việt".
Ban tổ chức sẽ tổng kết và trao giải hội thi tại chương trình tọa đàm "Tuổi trẻ TP.HCM tự hào sử Việt" dự kiến diễn ra ngày 15-9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận