28/03/2008 06:52 GMT+7

Hành trình cam

VI THẢO
VI THẢO

TT - "Chúng tôi gọi tên chuyến đi bộ xuyên Việt của mình là "Hành trình cam" vì đó là hành trình dành cho chính những nạn nhân da cam, trong đó có chúng tôi, để mọi người đến gần với nỗi đau da cam hơn" - Doc Bernie Duff tâm sự.

WYSaasoX.jpgPhóng to

Những nụ cười, những cái bắt tay rất chặt với lời chào “Hello”, những cuộc trò chuyện mà Doc gặp trong những buổi luyện tập luôn là động lực cho anh - Ảnh: CTV

TT - "Chúng tôi gọi tên chuyến đi bộ xuyên Việt của mình là "Hành trình cam" vì đó là hành trình dành cho chính những nạn nhân da cam, trong đó có chúng tôi, để mọi người đến gần với nỗi đau da cam hơn" - Doc Bernie Duff tâm sự.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Một chuyến đi khởi đầu cho "hành trình trả góp" món nợ gần 40 năm của anh, một chuyến đi cho sự sẻ chia những tình cảm của những người đồng cảnh...

Món nợ lòng 39 năm trước

39 năm trước, đúng vào sinh nhật tuổi 17 của mình, Doc Bernie Duff được điều sang VN tham chiến sau ba tháng huấn luyện ngắn ngủi. Doc tận mắt chứng kiến những em nhỏ bị hành hạ dã man, những cái chết vụt qua trong chớp mắt, những mất mát chỉ trong một giây ngắn ngủi... Doc tự hứa bằng tất cả sự dằn vặt, bằng lòng thành của một người bị bắt tham gia chiến tranh: "Sẽ trở lại VN, trả cho được món nợ lòng này".

X0EMa6iX.jpgPhóng to

Dù khá mảnh mai, Bảo Anh vẫn kiên trì đội nắng tập đi bộ mỗi ngày chuẩn bị cho “Hành trình cam” - Ảnh: CTV

Trở về sau chiến tranh, Doc phải điều trị tinh thần bị ám ảnh do chiến tranh gây ra nhưng chưa bao giờ nỗi kinh hoàng ấy ngừng đeo bám Doc trong từng giấc mơ. Cũng ngần ấy thời gian Doc phải đối mặt với chứng ung thư da, từng phần da trên người anh cứ chảy máu, bong tróc... Nhưng tất cả vẫn không trĩu nặng bằng món nợ lòng mà anh đã hứa.

Năm 2005, nhận một lời mời quay lại VN... "Tôi biết mình đã được sống lại lần nữa trên mảnh đất đau thương. Tôi như tìm được căn nhà mới cho riêng mình, cho cả những ám ảnh ký ức...", Doc hồ hởi nhớ lại chuyến "trở về đặc biệt" khi cùng 17 cựu chiến binh đi dọc từ Hà Nội vào Sài Gòn, và ở đâu họ cũng nhận được những nụ cười, những tình cảm thân thương của bà con người Việt. Doc ghé nhiều nơi; mỗi một cuộc trò chuyện, Doc như thêm một phần sức sống và có vẻ như hiệu quả hơn cả những liều thuốc thần kinh Doc phải dùng mỗi ngày.Một năm sau Doc chuyển hẳn về TP.HCM.

Và chuyến đi của "màu da cam"

Lần đầu tiên Doc đến thăm làng Hòa Bình (Từ Dũ) vào năm 2006 theo lời rủ của cô bạn mới quen Bùi Thị Bảo Anh. Mấy chục năm là một nạn nhân trực tiếp gánh chịu hậu quả của chiến tranh để lại, nhưng Doc vẫn "không thể tin nổi và không thể kìm được lòng" khi tận mắt chứng kiến những số phận ở làng Hòa Bình, những em bé vô tội không mắt mũi, không tay chân, những em bé với lớp da như vảy cá và hình hài kỳ dị, những đầu to nằm bất động suốt đời... Doc bật khóc.

Hơn hai năm ở Sài Gòn, không ít lần Doc vào vai ông già Noel trò chuyện, tặng quà cho học sinh nghèo, cho các em nhỏ ở làng Hòa Bình... Doc tâm sự với Bảo Anh và ý tưởng "Hành trình cam" ra đời từ đó. Hành trình này sẽ xuất phát từ làng Hòa Bình (Từ Dũ, TP.HCM) lúc 7g sáng 5-4, đi bộ dọc theo quốc lộ 1A và điểm đến là làng trẻ Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội). Dự kiến hành trình này sẽ kéo dài khoảng hai tháng, ở mỗi địa phương đến, nhóm sẽ dành một ngày ghé thăm những trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam. Những gì nhóm quyên góp được qua hành trình sẽ dùng để "hỗ trợ một số suất học bổng hoặc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, những gì chưa giúp được sẽ được ghi nhớ để quay lại vào lần sau", Bảo Anh cho biết.

Vui nhất là khi thử đưa kế hoạch về "Hành trình cam" lên mạng, lên blog của Ngầu (blog của Bảo Anh), rất nhiều người ủng hộ. Ở nửa bên kia Trái đất, Bob Schussler (62 tuổi, đã nghỉ hưu), Michael Eddie Quick (56 tuổi, cựu chiến binh tham chiến tại VN) và Karla Foss-Reilly (45 tuổi) đăng ký ngay ba suất cho suốt hành trình. Dù đã ở tuổi 54 và bị bệnh "chết dần từng bộ phận", Joanne Margaret Simpson (tên thường gọi là Jo) từ Úc email về VN để đăng ký một suất lái xe theo đoàn với nguyện vọng "nhất quyết lần này phải đi cho bằng được". Hai người con của Jo là Daniel và Jessica cũng ủng hộ mẹ dù phải xin nghỉ làm hơn hai tháng. Hành trình còn có thêm hai gương mặt trẻ người Việt là Phan Duy Phúc, Phan Thị Truyền tình nguyện cùng mọi người thực hiện hành trình nghĩa tình này.

Kế hoạch cho chuyến đi hơn 1.700km này khá vất vả, bình quân mỗi ngày nhóm phải đi bộ trên dưới 9 giờ với khoảng 40-45km. Suốt cả tháng nay, Bảo Anh và Doc tích cực tập luyện. Ăn sáng xong là cả hai rảo bước từ nhà ở quận 7 đi khắp Sài Gòn. Hôm nào có việc hoặc có hẹn, cả hai tích cực đi sớm hơn giờ hẹn một vài giờ để... đi bộ đúng giờ.

Với mười thành viên của hành trình, "đây sẽ là hành trình dài nhưng hạnh phúc nhất vì ở mỗi chặng đường, tất cả có thể tìm gặp, trò chuyện với những nạn nhân da cam, chia sẻ nỗi đau của các em" - Bảo Anh cho biết.

VI THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên