26/02/2010 15:11 GMT+7

Hạnh phúc là mục đích của giáo dục

TSUNESABURO MAKIGUCHI
TSUNESABURO MAKIGUCHI

TTO - Hạnh phúc là một từ thông thường quen thuộc đến nỗi tưởng đâu như không cần phải định nghĩa gì nữa. Nhưng nếu xét kỹ ta thấy rằng có nhiều cách hiểu nghĩa khác nhau về hạnh phúc, và về cách trả lời câu hỏi: khi nói tới hạnh phúc thì người ta muốn chỉ cái gì.

Ý nghĩa của hạnh phúc

JAq4pGrf.jpgPhóng to

Nếu hạnh phúc được dùng làm cơ sở để chỉ mục đích của giáo dục thì nhất thiết phải có một cách định nghĩa thật minh xác về khái niệm này.

Nếu tìm cách cắt nghĩa từ hạnh phúc bằng những quan điểm của triết học duy niệm thì sẽ rất dễ gây hiểu lầm, vì hạnh phúc là chuyện kinh nghiệm của mỗi con người chứ không phải chuyện lý thuyết.

Cho nên một khi hạnh phúc là một cái gì mà chúng ta nghiệm thấy trong cuộc sống hàng ngày, thì dùng một vài ví dụ cụ thể về hạnh phúc sẽ hữu ích hơn là cắt nghĩa bằng từ ngữ suông. Để hiểu rõ hơn khái niệm hạnh phúc, chúng tôi sẽ dùng cái phản đề của nó là sự bất hạnh, và sẽ kể ra một số sai lầm thường có nhằm vạch rõ thêm những ranh giới chung của nó.

Có lẽ, trước hết nên đặt vấn đề là liệu có một lý tưởng hay mục đích trong đời khác hơn là hạnh phúc hay không? Nếu có, thì có thể nó được đặt trên một cơ sở nhận thức về khái niệm hạnh phúc khác với khái niệm của chúng tôi, hay cũng có thể nó lầm một yếu tố hay một thành phần của hạnh phúc với hạnh phúc hiểu theo đúng nghĩa.

Từ hạnh phúc có thể lý giải theo nhiều cách khác nhau, tùy kinh nghiệm từng người. Rất khó đi tới một cách định nghĩa chung. Có nhiều người hễ cảm thấy có nhiều tiền thì cảm thấy mình hạnh phúc và lấy làm thỏa mãn, lại có những người cảm thấy hạnh phúc khi đạt địa vị cao trong xã hội. Nhiều ví dụ khác nữa có thể kể ra đây, nhưng chúng đều bắt nguồn từ một cách hiểu không đầy đủ về khái niệm hạnh phúc.

Đã có lần một học giả có tiếng căn vặn tôi rằng có phải toàn bộ mục đích của một đời người có thể cắt nghĩa được bằng một từ ngữ quá sức đơn giản như Hạnh phúc không. Rõ ràng là vị ấy không nghĩ thế. Nhưng nếu kết luận rằng từ hạnh phúc không thỏa đáng thì liệu có thể thay thế nó bằng một từ nào khác không? Có lẽ đối với nhân loại còn có những mục đích khác, nhưng rất khó tìm ra một mục đích nào bao quát hơn là hạnh phúc.

Một số người có lẽ không chấp nhận hạnh phúc là mục đích của giáo dục vì họ nghĩ rằng đó là mục đích ích kỷ cá nhân, nhưng nếu chúng ta xét nó một cách hợp lý như một hiện tượng xã hội (như tôi sẽ làm trong các mục tiếp theo) ta sẽ tìm ra một định nghĩa rộng hơn cho hạnh phúc, là một mục đích sống đầy tinh thần trách nhiệm.

Chẳng hạn, một trong những nhận thức rút ra được từ cách xem xét của chúng tôi là: những người chọn một nghĩa đơn độc nào đó của ý nghĩa cuộc đời họ, hoặc giả là tiền của tích lũy được, hoặc giả là địa vị xã hội cao, hay là một cái gì khác, đều đã lẫn lộn bộ phận với toàn thể, và trong khi làm như vậy họ đã chọn phải một cái gì nhỏ hơn là hạnh phúc thực sự nhiều.

Những kiểu lựa chọn như thế có thể ví như một quá trình phát triển của ý thức bị chặn lại giữa chừng trong quá trình hình thành một quan niệm về hạnh phúc, dừng lại ở khía cạnh cá biệt nào đó của cuộc sống và loại trừ tất cả những khả năng khác không kém phần thiết yếu của con người. Từ đó chúng tôi thấy rằng phải nói đến hạnh phúc không phải như một cái mốc định sẵn mà như một cảm thức về sự hình thành.

Chính cái bản chất năng động, đang tiến triển của hạnh phúc này khiến các nhà giáo dục chúng tôi quan tâm nhiều nhất. Vì trong cách định hướng giáo dục một cách thực tiễn cho cuộc sống, của cuộc sống và bằng cuộc sống, có hàm ẩn cách quan niệm “sống” và “học” như một quá trình.

Cách hiểu của chúng ta về Hạnh phúc trong những năm gần đây đã được tăng cường nhờ sự phát triển của bộ môn xã hội học. Như đã nói trên, Kant phản bác quan niệm lấy Hạnh phúc làm mục đích của giáo dục.

Tuy nhiên tôi tin rằng ông sẽ nghĩ khác đi nếu khoa học xã hội ở thời ông đã phát triển. Quan điểm Hạnh phúc hồi ấy không bao gồm các yếu tố xã hội. Trước khi môn xã hội học phát triển do công của Auguste Comte, xã hội không được coi là đối tượng và vì vậy đã không được Kant quan tâm.

Nhờ những công cụ tư duy mới do ngành xã hội học cung cấp, nay chúng ta có thể phân biệt rõ ràng những yếu tố khách quan và chủ quan trong hạnh phúc, như đang được các thành phần xã hội quan niệm. Những yếu tố làm bối cảnh chính, tức là những điều kiện khách quan có thể đưa tới hai phản ứng hoàn toàn khác nhau ở hai người, hoặc ngay ở cùng một người ở những thời điểm khác nhau, cùng một chuỗi các điều kiện ấy có thể mang lại hạnh phúc ở thời điểm này, và mang lại bất hạnh vào thời điểm khác.

Hơn nữa, chúng ta đều có thể hiểu rằng người ta có thể bề ngoài có đủ dấu hiệu của một số phận ưu đãi, được mọi người ganh tỵ, so bì nhưng đồng thời vẫn thấy mình hẩm hiu và bất hạnh. Hoặc nữa, cũng có thể xảy ra điều ngược lại. Như vậy, hiển nhiên là có ít nhất hai mặt của vấn đề hạnh phúc.

TSUNESABURO MAKIGUCHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên