04/05/2009 11:27 GMT+7

Hàng Việt & Kim Hạnh

Theo HUY ĐỨC - Sài Gòn Tiếp Thị
Theo HUY ĐỨC - Sài Gòn Tiếp Thị

Ngay từ giữa thập niên 90, một số hoạt động thiết thực cổ vũ cho hàng nội và thị trường nội địa đã được các báo tiến hành. Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) là một trong rất ít chương trình vẫn có sức sống sau hơn một thập kỷ. Nói đến HVNCLC không thể không nói đến vai trò của nhà báo Vũ Kim Hạnh, một người phụ nữ có ý chí và sức làm việc kinh ngạc, người đã hướng được những khát vọng của một tờ báo, của bản thân trở thành một chương trình có tầm vóc và có nhiều cống hiến.

u7ko33gV.jpgPhóng to
Bà Vũ Kim Hạnh - Ảnh: Hồng Thái

* Các doanh nghiệp có khá nhiều loại danh hiệu để lựa chọn, nhưng thưa chị, điều gì đã khiến cho phần lớn trong số họ chờ đợi “Hàng Việt Nam chất lượng cao?”

- Danh hiệu chỉ là sự khởi đầu, kết nối danh hiệu ấy với người tiêu dùng, kết nối các thương hiệu, các doanh nghiệp với nhau, mới là điều mà các doanh nghiệp chờ đợi. Tôi nghĩ, chúng tôi đã làm các doanh nghiệp hài lòng về điều này.

* 13 năm trước, đưa ra một sản phẩm có chất lượng là điều không dễ dàng, nhưng giờ đây, thưa chị, liệu đó có còn là “vấn đề”?

- Đúng như vậy, giờ đây, nhiều người có khả năng làm ra một sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng; vấn đề là, anh nào được tin. Chất lượng đo lường không còn quan trọng như chất lượng cảm nhận của người tiêu dùng nữa. Sự trưởng thành của thị trường đòi hỏi những giá trị gia tăng; chính tính đại chúng đã khiến cho tới nay, HVNCLC vẫn là một chương trình thu hút được sự tham gia của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.

* Thưa chị, ai đã đưa ra sáng kiến HVNCLC?

- Sự ra đời của chương trình này là rất tình cờ, khi lập ra tờ Sài Gòn Tiếp Thị chúng tôi không nghĩ gì tới nó. Nhưng rồi, có một câu hỏi của bạn đọc, “Báo nói chúng tôi ủng hộ hàng Việt Nam, nhưng, hàng Việt có cái dùng được có cái không dùng được, chúng tôi nên ủng hộ ai, cái gì?”. Thoạt đầu, chúng tôi nghĩ là phải để bạn đọc bình chọn dân chủ như cách mà một số tờ báo đã từng làm. Nhưng, 9 – 10 tháng sau thấy có nhiều phiếu bình chọn được gửi đi từ một địa chỉ, của một doanh nghiệp; thế là chúng tôi phải lấy ý kiến của người tiêu dùng theo cách mà các nhà điều tra xã hội học vẫn làm; hình thành một danh sách HVNCLC ngoài ý muốn của báo và doanh nghiệp.

* Chị có nhớ hiệu ứng sau lần bình chọn đầu tiên theo phương pháp ấy?

- Có nhiều doanh nghiệp đúng là một ngày thức dậy tự nhiên thấy tên mình trên báo. Họ rất mừng nhưng rồi nhận ra ngay là đã bị đặt “ngồi trên lưng cọp”. Chị Việt Nga, giám đốc Dược Hậu Giang, nói rằng, danh hiệu như chiếc roi của thị trường giữ cho “con ngựa chất lượng” cứ phải “phi” theo nhịp ấy. Giờ đây, nhiều doanh nghiệp đã đủ độ trưởng thành để đi đến người tiêu dùng không cần cái logo HVNCLC nữa, nhưng họ cũng phải thừa nhận, họ đứng được trong những năm cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000 là nhờ cái logo ấy; HVNCLC đã như một “giấy thông hành” giúp nhiều doanh nghiệp đi vào thị trường.

* Chị từng nói, nghề báo đối với chị là “phẩm giá”; nhưng nếu như nghề báo của Kim Hạnh cứ “xuôi chèo mát mái” thì, có phải là xã hội đã không có chương trình HVNCLC?

- Chắc chắn vẫn sẽ có HVNCLC mà không cần ai phải hy sinh nghề báo cả. Nhưng, rất may, đây cũng là một công việc mà tôi yêu thích. Nếu coi đây là sự “đánh đổi” thì tôi đã không hoàn toàn để mất “phẩm giá” của mình.

* Năm 1992, khi phải rời Tuổi Trẻ, chị làm việc cho các tờ báo khác chỉ như là một người sửa lỗi để đỡ nhớ nghề, thế rồi, thật ngạc nhiên khi thấy một Vũ Kim Hạnh bị cuốn dần theo “hội chợ”?

- Có lẽ bạn hiểu hoàn cảnh của tôi thời bấy giờ. Cuối năm 1992, anh Phan Hồng Chiến, khi ấy là tổng biên tập Người Lao Động, kêu tôi vào báo (từ tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ), tôi làm biên tập viên kỹ thuật cho Người Lao Động là để mong có ngày được cho trở lại với nghề. Nhưng, cuối năm ấy, cấp trên tìm được chỗ để bố trí cho tôi, tôi được điều về làm trưởng phòng thông tin kiêm trợ lý cho giám đốc trung tâm Phát triển ngoại thương.

* Ở đó, chị lại tìm được niềm vui trong công việc?

- Năm 1993, tôi bắt đầu được “xuất ngoại” trở lại, đó là chuyến đi do tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tài trợ cho hội phụ nữ; tôi đi học về quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi vốn học ngành quản trị kinh doanh nên nhanh chóng thích chương trình này. Về, tôi viết lại những gì đã học thành một tập sổ tay và mở lớp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tôi chia sẻ được rất nhiều điều với họ; và nhận ra mình cũng được chia sẻ rất nhiều. Năm 1995, nhằm phát triển công việc mà tôi vừa tìm kiếm được niềm vui ấy, tôi cùng với anh Võ Ngọc An, phó giám đốc sở Văn hoá thông tin và anh Phan Minh Hà, giám đốc trung tâm Thông tin triển lãm, cho ra bản tin Sài Gòn Tiếp Thị, một tháng hai kỳ.

* Sau hơn mười năm làm trợ lý giám đốc, chị được bổ nhiệm giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, có khi nào, “máu làm báo” nổi lên khiến chị muốn kiêm chức chủ biên Sài Gòn Tiếp Thị, tờ báo do chị sáng lập và khi ấy đang là chủ quản?

- Không. Khi tờ tin Sài Gòn Tiếp Thị ra đời, anh Hà đứng tên tổng biên tập, tôi làm chủ biên. Sau này khi tờ báo khá hơn, có người hỏi, “làm gì có chức danh chủ biên”, thế là tôi hiểu và không còn nghĩ tới ngày trở lại nắm tờ báo nữa. Thực ra, HVNCLC cũng như nhiều hoạt động xúc tiến khác của tôi về sau rất được lãnh đạo thành phố và các ngành ở Trung ương ủng hộ. Những việc này cũng rất cuốn hút tôi. Làm báo là để thoả mãn sự chia sẻ và để thách thức khả năng thuyết phục công chúng. Tôi tìm thấy cả hai điều ấy ở trong công việc mới, cho dù nhiều đêm tôi vẫn viết, vẫn rất nhớ nghề.

* Chị nói, năm 1993 chị được “xuất ngoại trở lại”, lần ra nước ngoài gần nhất trước đó là bao giờ?

- Năm 1989, năm ấy tôi được đi Bắc Triều Tiên.

* Đấy cũng là một sự kiện quan trọng trong đời chị. Sau này, thấy, chị khá thân với bà Hồ Thể Lan, người năm 1989, khi đang là người phát ngôn của bộ Ngoại giao đã “bác bỏ” những bài tường thuật từ Bắc Triều Tiên của chị. Về sau, hai người đã nói gì với nhau?

- Chị Lan biết tình hình Bắc Triều Tiên và hiểu những bài viết của tôi. Nhưng, chị ấy phải làm nhiệm vụ. Chúng tôi đâu cần phải nói gì với nhau.

* Cho đến tận bây giờ, nhiều người rất gần gũi chị vẫn không biết rằng, ở cái ngày mà chị đang phải “kiểm điểm” rồi phải rời Tuổi Trẻ, chị còn phải đối đầu với một căn bệnh nan y, tại sao chị phải giấu mọi người điều đó?

- Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, trưởng bộ môn ung bướu, đại học Y dược, khi ấy cũng đã đặt câu hỏi như thế với tôi. Khi mới phát hiện, tôi giấu cả chồng (nhà báo Nguyễn Kiến Phước). Khi đang ngồi chờ ở phòng khám thì bác sĩ Chấn Hùng đi qua, anh hỏi, tôi nói dối là đưa người nhà đi khám. Nhưng có lẽ là tôi đã không qua được mắt anh. Anh kêu nhân viên lục hồ sơ và phát hiện ra tôi nhờ cái tên giả tôi dùng vẫn mang họ “Vũ”. Anh gọi tôi vào và nghiêm mặt: “Đây là sự sống và cái chết, không phải chuyện đùa nghe Kim Hạnh”. Tôi nói: “Tờ báo của tôi đang gay go lắm, ngày nào cũng có chuyện, tôi sợ anh em mất tinh thần”.

Anh chia sẻ, đưa sách cho tôi nói, về nghiên cứu và dặn: “Bệnh của chị, theo y học, có khoảng 30% sẽ ổn định sau khi chữa trị. Chị chứ không phải tôi quyết định. Chị mà cứ rên hừ hừ là chị chết tôi không chịu trách nhiệm nghen”. Rồi anh ấy kêu tôi chuẩn bị tóc giả để bắt đầu xạ trị nếu muốn tiếp tục giấu mọi người.

* Chị đã vượt qua điều này ra sao?

- Hồi ấy, trung tâm Ung bướu có một cơ sở chữa trị ở cách toà soạn Tuổi Trẻ chỉ dăm chục bước. Tôi nghỉ phép để vào đấy xạ trị. Mấy lần anh Chấn Hùng bắt gặp chồng tôi một mình đứng khóc.

Anh em ở bên cạnh mà chỉ có hai người thư ký biết, cô Kim Trung và Thu Vân. Khi mổ xong, và điều trị một thời gian, anh Chấn Hùng nói, sắp tới kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng ảnh, ảnh muốn mời vợ chồng tôi cùng năm người bạn thân nhất của tôi đến chơi. Tới ngày, tôi và năm người bạn thân của tôi và cũng là bạn anh tới nhà thì không thấy ai cả ngoài anh chị. Hỏi thì anh cười, nói: “Hôm nay là ngày sinh nhật của Kim Hạnh, sinh nhật lần thứ hai. Coi như chị đã được sinh ra lần nữa”.

* Ngay sau khi rời khỏi Tuổi Trẻ, trong điều kiện sức khoẻ như vậy nhưng việc đầu tiên của chị là đi học, học tiếng Anh. Năm ngoái, sau khi nghỉ hưu, dù rất bận với nhiều công việc mới chị vẫn đi học và nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của United Business Institute, điều gì đã thôi thúc chị?

- Tôi đã phải bỏ dở dang chương trình thạc sĩ về quản trị kinh doanh do sự kiện 30-4 xảy ra ngay đúng khi tôi đang làm luận văn tốt nghiệp. Phải hơn 30 năm sau tôi mới có dịp trở lại với việc học hành. Đi học không chỉ là nhu cầu công việc mà còn là cách để tôi tự đo năng lượng, xem tôi có còn khả năng tiếp thu không.

Kết thúc “Tuần lễ hàng Việt”, sức mua tăng 10-15%Cú hích cho hàng Việt về quê

Theo HUY ĐỨC - Sài Gòn Tiếp Thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên