30/06/2009 08:30 GMT+7

Hàn lâm viện của Plato

JOSTEIN GAARDER
JOSTEIN GAARDER

TTO - Cảm ơn em đã đi Athens cùng tôi, Sophie. Vậy là ít nhất tôi cũng đã tự giới thiệu. Và tôi cũng đã giới thiệu Plato với em, nên chúng ta có thể bắt đầu vào bài ngay.

Y56fRNZQ.jpgPhóng to
TTO - Cảm ơn em đã đi Athens cùng tôi, Sophie. Vậy là ít nhất tôi cũng đã tự giới thiệu. Và tôi cũng đã giới thiệu Plato với em, nên chúng ta có thể bắt đầu vào bài ngay.

Khi Socrates uống độc dược thì Plato (428 - 347 t.Cn) hai mươi chín tuổi. Ông đã theo học Socrates một thời gian dài và đã theo dõi sát xao vụ án của ông. Việc Athens có thể kết án tử hình công dân ưu tú nhất của mình đã không chỉ in một dấu ấn sâu đậm trong Plato mà còn định hình cho toàn bộ nỗ lực nghiên cứu triết học của ông.

Đối với Plato, cái chết của Socrates là một ví dụ sâu sắc về mâu thuẫn có thể tồn tại giữa xã hội thực tế và xã hội lý tưởng. Việc đầu tiên của Plato với tư cách một triết gia là cho công bố Tự biện của Socrates, một bản tường trình về những lời tự biện hộ của Socrates trước bồi thẩm đoàn.

Chắc hẳn em còn nhớ, Socrates đã không viết lại điều gì, dù nhiều triết gia tiền Socrates đã viết. Vấn đề là ở chỗ hầu như không còn lại bút tích nào của họ. Nhưng trong trường hợp của Plato, người ta tin rằng tất cả các tác phẩm chính của ông đều được bảo tồn. (Ngoài Tự biện của Socrates, ông còn để lại nhiều thư và khoảng 25 Đối thoại triết học.)

Ngày nay, ta còn giữ được những tác phẩm này, phần không nhỏ là do Plato đã thành lập một trường dạy triết học của riêng mình tại một khu rừng nhỏ không xa Athens. Ông lấy tên của Academus, một anh hùng trong thần thoại Hy Lạp, để đặt cho trường. Do vậy trường có tên là Academy. (kể từ đó, nhiều nghìn “academy” được thành lập ở khắp nơi trên thế giới. Trong nhiều ngôn ngữ, từ này được dùng với nghĩa viện hàn lâm, viện nghiên cứu...)

Các môn được dạy ở Hàn lâm viện của Plato là triết học, toán học, và thể thao - mặc dù “dạy” khó có thể được coi là từ đúng. Đối thoại trực tiếp được coi là quan trọng bậc nhất tại Hàn lâm viện của Plato. Do vậy, không phải hoàn toàn tình cờ mà các tác phẩm của Plato thường có dạng những cuộc hội thoại.

Chân, thiện, mỹ vĩnh hằng

Khi mở đầu khóa học, tôi đã nói: nên hỏi xem một nhà triết học nghiên cứu về vấn đề gì. Và giờ tôi hỏi: Plato quan tâm đến những vấn đề gì?

Nói một cách khái lược, ta có thể nói rằng Plato quan tâm đến mối quan hệ giữa những cái vĩnh cửu bất biến với những cái thay đổi. (Cũng như các nhà triết học tiền Socrates.) Ta đã thấy các Học giả và Socrates đã chuyển sự chú ý của mình từ các câu hỏi về triết học tự nhiên tới các vấn đề liên quan đến con người và xã hội. Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó, ngay cả Socrates và các Học giả cũng chú trọng đến mối quan hệ giữa cái vĩnh hằng bất biến và cái biến đổi.

Họ quan tâm đến vấn đề đó khi nó liên hệ với các nguyên tắc đạo đức con người và các lý tưởng hay đức hạnh của xã hội. Nói một cách rất ngắn gọn, các Học giả cho rằng nhận thức về đúng sai là tùy theo từng thành bang, và tùy từng thế hệ. Vậy, đúng và sai là cái gì đó biến đổi. Điều này hoàn toàn không chấp nhận được đối với Socrates. Ông tin vào sự tồn tại của những quy tắc vĩnh cửu và tuyệt đối về đúng và sai. Bằng cách sử dụng nhận thức thông thường, tất cả chúng ta đều có thể đi đến các quy phạm bất biến này, do lý tính của con người là vĩnh cửu và bất biến.

Em có theo kịp không, Sophie? Tiếp đến là Plato. Ông quan tâm đến cả hai: cái vĩnh cửu và bất biến trong thiên nhiên và cái vĩnh cửu bất biến khi nói đến đạo đức và xã hội. Đối với Plato, hai vấn đề này giống nhau và là một. Ông cố gắng nắm bắt một “thực tại” vĩnh cửu và bất biến.

Thật ra mà nói, đó chính là cái mà chúng ta cần ở các nhà triết học. Ta không cần họ tuyển chọn hoa hậu, cũng chẳng cần họ mặc cả cà chua. (Đây là lý do tại sao họ thường không được ưa chuộng!) Các triết gia sẽ cố gắng lờ đi các sự kiện thời sự nổi bật, thay vào đó, cố kéo sự quan tâm của mọi người vào cái “chân” vĩnh cửu, cái “thiện” vĩnh cửu và cái “mỹ” vĩnh cửu.

Vậy, ta có thể bắt đầu điểm qua về nghiên cứu triết học của Plato. Nhưng ta hãy đi từng điểm một. Ta đang cố tìm hiểu một trí tuệ phi thường, một trí tuệ mà sau đó đã ảnh hưởng sâu sắc lên toàn bộ nền triết học châu Âu sau này.

JOSTEIN GAARDER
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên