![]() |
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, tác giả đoạt giải nhì - Ảnh: Thanh Đạm |
Phía sau những câu chuyện đoạt giải
Giải nhất cuộc thi (truyện ngắnNông nổi cù lao), tác giả Dương Đức Khánh đến từ Biên Hòa (Đồng Nai) với vẻ hiền lành cùng giọng nói cũng rất hiền lành đã chia sẻ về duyên cớ của mình trong cuộc chơi văn chương này: “Tôi là một người làm thơ, mọi tâm lực dồn hết cho thơ, nhưng có những dồn nén không thể hiện được bằng thơ thì tôi gửi gắm vào…văn. Và Nông nổi cù lao là sự rẽ ngang bất chợt đó. Một sự rẽ ngang thú vị”.
Còn giải nhì cuộc thi - nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (truyện ngắn Nhớ đá) lại chia sẻ về câu chuyện có thật của... đá ở quê anh, thật ngay cả cái tên của nhân vật trong truyện (ông Măng) với những chiếc răng to như răng ngựa, trắng lóa và vẩu hết cỡ. Anh chia sẻ những ray rứt về Làng cổ Đường Lâm quê anh sắp biến thành "nghĩa địa" của người thành phố.
Tham dự lễ trao giải ngoài 10 tác giả trong số 13 tác giả đoạt giải, còn có sự xuất hiện của nhà văn Nguyên Ngọc, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu văn học Lê Ngọc Trà, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Lê Minh Quốc... |
Nguyễn Thị Thu Hương thì nói về truyện ngắnThì thầm kể chuyện trong đêm với giọng điệu rất hóm hỉnh: "Câu chuyện rất bình thường về chuyện tình của hai con người cũng rất bình thường: cô bán hàng rau và chàng lái thuyền, xung quanh họ cũng là những gương mặt bình thường - bà bán xôi và ông bán café cóc. Nhưng câu chuyện đã giúp tôi đoạt giải. Hóa ra thì những cái bình thường cũng rất có giá trị và cuộc đời xây nên từ những cái rất bình thường".
Truyện ngắn 1.200 chữ hâm nóng tình yêu văn chương
Rất nhiều tác giả đoạt giải đã tâm sự rằng sau khi tham dự cuộc thi truyện ngắn 1.200 chữ của báo Tuổi Trẻ, tình yêu dành cho văn chương đã trở lại và thôi thúc họ tiếp tục viết, tiếp tục sáng tác.
![]() |
Ban giám khảo cuộc thi cùng với các tác giả đoạt giải - Ảnh: Thanh Đạm |
Đoàn Tú Anh là một cây bút trẻ được biết đến từ hồi sinh viên nhưng sau khi ra trường với những cộng việc bận rộn của nghề làm báo, công việc ở công ty, chị không còn nhiều thời gian cho sáng tác. Nhưng cuộc thi như một chất kích thích giúp chị viết lại và viết được, kết quả là truyện ngắn Màu của ước mơ đã ra đời và đã được đăng trên TTCT tháng 12 vừa qua.
Còn nhà văn trẻ Dương Bình Nguyên thì chia sẻ chính cuộc thi truyện ngắn đã hâm nóng chuyện viết lách của anh, vì có những câu chuyện trong quá trình làm báo, nhưng anh không thể giãi bày bằng những bài báo mà chỉ biết gửi gắm vào văn chương.
Ở một lăng kính khác, nhà nghiên cứu văn học Lê Ngọc Trà cho rằng chính những lần làm giám khảo cho những cuộc thi như cuộc thi truyện ngắn 1.200 chữ này, khiến ông có những cảm xúc mới mẻ hơn trong văn chương và có niềm tin hơn vào văn chương.
Cũng trong buổi lễ trao giải, nhà thơ Lê Minh Quốc đã phát hiện ra điều thú vị: hai truyện ngắn đoạt giải cao nhất của cuộc thi vô hình trung lại là tiêu biểu cho giọng văn thật đặc trưng của hai miền Nam - Bắc: Nông nổi cù lao với câu chuyện hài hước trào lộng của người miệt Nam Bộ và Nhớ đá thì lại sâu sắc, thâm thúy của người miền Bắc. Nhà thơ cũng cho rằng chính những cuộc thi văn chương của báo Tuổi Trẻ là sân chơi và nơi ươm mầm cho những tài năng văn học... Chính vì lẽ đó mà từ một cuộc thi, truyện ngắn 1.200 chữ đã trở thành một chuyên mục định kỳ trên báo Tuổi Trẻ.
Một giải nhất: Nông nổi cù lao (Dương Đức Khánh). Hai giải nhì: Nhớ đá (Đỗ Doãn Hoàng) và Xa xa, một ngôi nhà (Phạm Trung Khâu). Mười giải ba: Sương (Phan Vân), Nước mắt sạch (Vương Tâm), Bụi trần gian (Đỗ Phước Tiến), Thầm thì kể chuyện trong đêm (Nguyễn Thị Thu Hương), Chùa xưa (Trần Trung Sáng), Chia tay (Tâm Hoa), Giữa trùng khơi (Phương Trinh), Vào một ngày đẹp trời người nhổ khoai mì bị rắn độc cắn (Nguyễn Ngọc Thuần), Chưa tới một giờ nơi đường biên (Đoàn Tú Anh), Sapa tuyết trắng xóa (Dương Bình Nguyên). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận