06/02/2004 06:01 GMT+7

Hải quan "làm luật" phải ra hầu tòa

             N.V.HẢI      
             N.V.HẢI      

TT - Hôm nay 6-2, tại thành phố Lạng Sơn, Tòa án nhân dân tỉnh đưa ra xét xử vụ “đưa và nhận hối lộ tại Hải quan cửa khẩu Tân Thanh”. 36 bị cáo bị Viện Kiểm sát tối cao truy tố về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

90a1utPW.jpgPhóng to
Cửa khẩu Tân Thanh - nơi nhiều năm liền là địa bàn “làm ăn” của những tay chuyên “làm luật” và một số cán bộ, nhân viên hải quan tiêu cực

Trong đó, 27 người nguyên là cán bộ, nhân viên Cục Hải quan Lạng Sơn, Hải quan cửa khẩu Tân Thanh; đáng lưu ý có cả nguyên cục trưởng Bế Ngọc Trình và con trai ông này (nguyên cán bộ Hải quan Tân Thanh). Đây cũng là vụ án “kỷ lục” với số cán bộ, nhân viên hải quan phải ra trước vành móng ngựa đông nhất từ trước tới nay...

“Đội làm luật” chuyên nghiệp…

Cửa khẩu quốc gia Tân Thanh vốn là cửa khẩu chuyên phục vụ xuất nhập khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc, nhưng từ khi lượng hàng hóa lưu chuyển qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở nên quá tải, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cho phép các doanh nghiệp (DN) được xuất nhập khẩu chính ngạch qua cửa khẩu này.

Tại cửa khẩu này, nhiều tư thương và DN đã phải “tặc lưỡi” nhờ một số đối tượng tại khu vực Tân Thanh chuyên làm dịch vụ vận chuyển và mở tờ khai hải quan, còn gọi là “đội làm luật”.

“Đội làm luật” thông qua việc quen biết với cán bộ hải quan và nhân viên kiểm hóa để đưa tiền “bồi dưỡng”, tiền “làm luật” cho cán bộ hải quan, nhờ đó được “thông thoáng” trong quá trình đưa hàng hóa qua bên kia biên giới.

Việc này đã trở thành “thông lệ” ở Hải quan Tân Thanh suốt một thời gian dài. Nếu DN và người làm thủ tục hải quan không chịu “làm luật”, nhân viên kiểm hóa lập tức quay sang gây khó dễ.

Từ tháng 6-2000, lợi dụng chủ trương hoàn thuế giá trị gia tăng của Nhà nước có sơ hở, một số DN đã móc nối với “đội làm luật” và qua đó liên kết với cán bộ hải quan để tạo dựng các hồ sơ xuất hàng “ma” (thực chất không có hàng hoặc là hàng mượn của tư thương).

Theo Viện Kiểm sát tối cao, ông Bế Ngọc Trình khi làm cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn đã để xảy ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong công tác kiểm hóa, có hành vi tiêu cực, sách nhiễu trong khi làm nhiệm vụ để nhận hối lộ suốt một thời gian dài nhưng không bị phát hiện.

Ông Trình còn có những dấu hiệu tiêu cực trong công tác cán bộ, cố tình đưa một số con em lãnh đạo Cục Hải quan và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn từ bộ phận khác vào Hải quan Tân Thanh (trong đó có cả con trai ông là Bế Nguyên Phương).

Bản thân ông Trình được nhận một suất rưỡi từ tiền “làm luật” của Hải quan Tân Thanh, đặc biệt một số đối tượng là cán bộ, nhân viên trạm Tân Thanh còn khai việc tổ chức thu tiền “làm luật” có từ thời ông Trình làm trạm trưởng ở đây.

Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay, ông Bế Ngọc Trình mới chỉ bị truy tố, xét xử về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (trước đó bị khai trừ khỏi Đảng tháng 2-2003).

Trong số những vụ “làm luật” thì cao tay nhất phải kể đến nhóm của Vi Đồng Thanh, Nguyễn Thanh Quang và Hoàng Minh Huấn ở thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Chỉ cần các DN có nhu cầu và có… tiền, Thanh sẵn sàng cùng hai đệ tử là Quang và Huấn đứng ra làm trọn gói: từ gom hàng cho DN mượn, giao dịch với hải quan để mở các tờ khai khống về hàng hóa xuất khẩu…

Thanh đưa ra hẳn một biểu giá “mượn hàng”, theo đó mượn một xe hàng loại Zil130 (trọng tải 5 tấn) phải trả 500.000đ; một xe Kamaz (trọng tải 10 tấn) từ 800.000-1 triệu đồng. Đến khoảng tháng 12-2000, thấy nhu cầu mượn hàng của các DN ngày càng nhiều, Thanh đã tăng giá lên 2 triệu đồng/tấn hàng cho mượn.

Thanh quen biết hầu hết cán bộ hải quan Tân Thanh, từ trạm trưởng Nông Văn Măng, trạm phó Bế Đức Huân đến đội trưởng, đội phó đội kiểm hóa… Huấn và Quang trực tiếp áp tải hàng đến cửa khẩu, thỏa thuận với nhân viên hải quan về số lượng hàng xuất khống, sau cùng là khâu “làm luật”.

Lượng hàng khống mà Huấn, Quang thỏa thuận được và ghi trong tờ khai có khi vượt gấp 3-4 lần trọng tải của xe hàng, cụ thể một xe Kamaz chở 20-30 tấn, xe Zil130 chở 10-20 tấn.

“Quái” nhất là những trò ma mãnh của Thanh khi tổ chức cho các DN mượn hàng để mở tờ khai hải quan. Có những lần Thanh cho cửu vạn xếp hàng hoa quả ở phía dưới, sau đó để 1-2 lượt bao mực khô loại A lên trên, như thế xe hàng toàn… mực khô loại A cả.

Lần khác, bí hàng độn, Thanh liều lĩnh cho cửu vạn đóng mấy bao… đất xếp phía dưới thùng xe, trên để hàng thật, khi xe qua đến Pò Chài (bên kia biên giới) đem hàng thật trả cho chủ hàng, hàng xấu chuyển qua khu vực Hang Dơi về VN, còn đất đổ đi.

Hải quan Tân Thanh có khi không biết vì không kiểm tra, cũng có khi biết nhưng “ngậm miệng” vì đã trót ăn tiền “làm luật” khá… dày của Vi Đồng Thanh.

Được đà lấn tới, Thanh mạnh dạn làm “chui”, nghĩa là làm tờ khai hải quan mà không cần có xe chở hàng, cũng chẳng phải mượn hàng, có điều ngoài mức “làm luật” 1 triệu đồng/tấn mực khô còn phải chi theo sự “vòi vĩnh” của cán bộ hải quan từ 2-3 triệu đồng/tờ khai.

Cứ như vậy, Thanh và hai đệ tử đã giúp mở tờ khai hải quan cho rất nhiều DN, trong đó có chi nhánh Công ty XNK Hà Tây tại Lạng Sơn, chi nhánh Công ty Thủ công mỹ nghệ XNK Nam Định, hàng loạt DN tư nhân ở Hải Dương…

Những đơn vị này đã lợi dụng các tờ khai để hợp thức hồ sơ, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước.

Tiền “làm luật” đi đâu?

Một ngày có hàng chục DN, tư thương làm thủ tục xuất nhập hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh, cũng có nghĩa là có hàng chục khoản tiền “làm luật” được gom về cho trạm này mỗi ngày. Số tiền “làm luật” này đã được chia chác như thế nào?

Cuối mỗi ngày, người trực của tổ “xử lý” mời một nhân viên khác ngoài nhóm thu tiền đến chứng kiến, cùng kiểm đếm số tiền “làm luật” kiếm chác được.

Số tiền trên sau khi trừ phần ăn trưa, tiếp khách và trích mỗi ngày 5 triệu để góp mua ôtô đi chung (giao hai trạm phó Bế Đức Huân và Đoàn Cảnh Thắng phụ trách), còn lại chia đều thành các suất dành cho những cán bộ, nhân viên làm việc trong ngày.

Luật bất thành văn là những “lính mới” từ ba tháng trở xuống chỉ được hưởng nửa suất. Ngoài ra, cả trạm còn nhất trí để một suất rưỡi làm “đối ngoại” và người được thụ hưởng không ai khác chính là ông Bế Ngọc Trình (lúc đó là cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, trước kia là trưởng Trạm hải quan Tân Thanh).

Mỗi suất tiền được phân phát đến từng người hoặc chuyển cho nhau theo nhóm, phòng, tổ… Thậm chí việc cử nhân viên nào vào hoặc đưa ai ra khỏi tổ “xử lý” cũng trở nên “long trọng”, được thông báo trong các cuộc họp giao ban, hội ý dưới sự chỉ đạo trực tiếp của trạm trưởng Nông Văn Măng.

Đội phó đội kiểm hóa Vi Văn Niệm cho biết trước kia mỗi suất từ 100.000-300.000đ/ngày, từ tháng 7-2001 là 1-1,2 triệu đồng/ngày. Còn theo lời nhân viên kiểm hóa Đinh Văn Tân, số tiền “làm luật” mà tổ “xử lý” thu được có ngày cao nhất là 30-40 triệu đồng, lần chia cao nhất là từ 1-1,3 triệu đồng/suất.

Riêng Nguyễn Như Hiển được trạm trưởng Nông Văn Măng đưa vào tổ nhận tiền “làm luật” từ tháng 3-1998, nhưng đến đầu năm 2000 lại bị chính Măng loại khỏi tổ này vì lý do “không nhiệt tình”.

Hiển biết hành vi thu tiền “làm luật” là sai phạm nhưng sợ mất việc làm và sợ bị trả thù nên không dám tự thú. Trong thời gian ở tổ “xử lý”, lần cao nhất Hiển được nhận 2 triệu đồng/suất.

Không chỉ các nhân viên ở đội kiểm hóa, số tiền “làm luật” còn được chia cho những cán bộ, nhân viên làm việc ở trạm trong từng ngày, trong đó có cả đội kiểm soát chống buôn lậu, đội tổng hợp, đội tính thuế, tổ tiếp nhận tờ khai thuộc Hải quan cửa khẩu Tân Thanh.

Tổng số tiền “làm luật” mà các đối tượng nguyên là cán bộ, nhân viên Hải quan Tân Thanh thừa nhận được chia gần 2,3 tỉ đồng (một số đối tượng không thừa nhận). Tuy nhiên, căn cứ theo nhiều chứng cứ, các ngành bảo vệ pháp luật xác định tổng số tiền mà cán bộ, nhân viên Hải quan Tân Thanh đã nhận hối lộ và chia nhau là gần 6,13 tỉ đồng.

             N.V.HẢI      
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên