30/11/2008 08:00 GMT+7

Hai con cá

SƠN NAM
SƠN NAM

TTO - Ngoài biển, mặt trời khuất dạng rất chậm chạp, những tia nắng cuối cùng còn rơi rớt khá lâu, mây nhuộm màu đỏ sậm rồi chuyển sang màu tím.

rkVHD6zz.jpgPhóng to

Tôi nằm lim dim trên chiếc ghe câu của lão Từ Thông. Thằng Tặc - đứa cháu của lão - chèo với dáng điệu uể oải, đưa chiếc ghe vào gần bãi. Lão Từ Thông nói với tôi:

- Xui xẻo quá! Tôi thất hứa. Mọi khi tệ lắm cũng gặp vài con cá chét (tên loại cá ngon). Chiều nay, trời xui đất khiến...

Tôi đáp:

- Không có cá thì thôi.

Lão cau mày:

- Thế nào cũng gặp vài con. Ở miền biển mà thiếu cá ăn, dở quá. Nếu không làm cách nầy thì mình làm cách khác. Ráng mà chờ. Tối nay, mình ăn cháo cá trên bãi cho vui.

Gió thổi hiu hiu... Tôi dỗ giấc ngủ, chẳng cần chú ý đến việc làm của thầy trò lão Từ Thông. Họ mời tôi ra Hòn Tre, dạo bãi biển rồi câu cá, uống rượu dưới bóng trăng. Hồi nhận lời, tôi hy vọng rằng mình sẽ được dịp thoát trần, sống xa vòng danh lợi như tám ông “hiền” ở rừng trúc. Nào dè đâu, chiều nay, tôi nằm ôm bụng đói.

Có lẽ tôi ngủ không lâu cho lắm. Vừa giựt mình thức dậy, tôi thấy một người con gái khá đẹp, mặc áo lụa bạch nhảy vào khoang nghe. Tôi dụi mắt, hỏi:

- Cái gì vậy?

Lão Từ Thông cười giòn:

- Chú em ngủ gục hả? Một con cá chét vừa mắc câu! Ngon quá, nhưng một con ăn không đủ. Ráng kiếm thêm một con nữa...

Thằng Tặc nắm guốc chèo, nói nhanh:

- Tối rồi! Câu ở chỗ nầy, không nên.

Lão Từ Thông nói gắt:

- Chim trời cá nước... Tao vái hồi nãy rồi. Tao chịu trách nhiệm mà.

Mặt biển bỗng xao động, sát mũi ghe. Ánh trăng sáng lóng lánh như tấm gương bể ra hàng trăm mảnh vụn nát. Tôi thấy rõ ràng một kép hát bội đang nhô đầu khỏi mặt biển, đầu đội mão dắt lông trĩ, râu hùm mày én, tay hươi gươm. Lão Từ Thông thò tay xuống. Anh kép nọ xuôi mình, nằm lơ lửng.

Tôi hỏi nhanh:

- Ai vậy ông?

Lão Từ Thông đáp, giọng tỉnh táo:

- Con cá... chớ cái gì?

Từ phía sau lái ghe, thằng Tặc nói lập vập:

- Về, ông ơi! Tôi lội xuống biển, bỏ ghe cho ông à!

Lão Từ Thông nói:

- Thằng này thiệt! Tao nghe lời mầy một phen. Đủ rồi. Chèo vô bãi để nấu cháo cá. Một con nấu cháo, một con nướng.

Tôi suy nghĩ bâng quơ, mắc cỡ thầm. Tại sao đã hai lần tôi thấy một người con gái rồi một anh kép hát bội? Bảo rằng tôi ngủ mê thì vô lý quá. Thật ra, lần ấy tôi dở tỉnh dở mê. Trong vài quyển sách khoa học, tôi đã từng đọc những đoạn tả lại tâm trạng của kẻ đi lạc giữa sa mạc. Lúc khát nước, họ thấy nào suối ngọt, nào cây chà là rợp bóng. Phải chăng vì thèm ăn, thèm gái đẹp mà bỗng nhiên tự tiềm thức, những hành động ấy nảy ra? Vô lý quá.

Chiếc ghe đã cặp vào bãi cát.

Bấy giờ, trời tối đen mịt, dường như sắp chuyển mưa giông. Thằng Tặc đốt ngọn đèn bão, nhảy xuống, tay nắm đỏi ghe, nói nhanh:

- Mình quăng neo chờ qua cơn giông.

Lão Từ Thông lắc đầu:

- Tối nay, mình nấu cháo, nướng cá trong hang Cây Gừa. Trời chuyển mưa là cố ý cầm chân bọn mình. Nếu về nhà, tức là mình làm chuyện trái ý Trời Phật.

Nghe nói ba tiếng “hang Cây Gừa”, tôi bắt đầu lo sợ, đảo này tuy thiếu cọp beo nhưng thừa rắn rít và ma quái. Dưới ánh đèn vàng vọt, gương mặt thằng Tặc trông thiểu não vô cùng. Nó ngồi quị xuống như phản đối. Lão Từ Thông nhìn thẳng vào mặt tôi:

- Chú em ngủ trong hang cho ấm. Ăn no rồi ngủ, chờ sáng hãy về xóm. Hang Cây Gừa hiền lành lắm, đừng lo.

Rồi lão nạt thằng Tặc:

- Mầy chưa tởn hả? Muốn về thì lội xuống biển đi. Đừng nhấp nhứ.

Nói xong, lão xách hai con cá chét đến gần thằng Tặc rồi giựt ngọn đèn bão:

- Tao đi trước nè! Tao xách hai con cá nè!

Tôi và thằng Tặc lủi thủi theo sau. Gió thổi ngày càng mạnh. Tôi hỏi:

- Hang Cây Gừa chắc ghê lắm hả?

Nó im lặng, cúi đầu.

Tôi thúc giục:

- Cứ nói riêng cho anh biết. Gió thổi mạnh, lão Từ Thông làm sao nghe được câu chuyện riêng giữa hai anh em mình?

Nó cứ im lặng, một sự im lặng khó hiểu.

Sườn Hòn Tre dựng lên trước mặt. Tiếng sóng biển ì ầm dường như tan mất, hòa lẫn trong giọng rì rào của cây lá. Bàn chân tôi lạnh ngắt khi dẫm lên mấy gành đá ẩm ướt. Giây lâu, lão Từ Thông day lại:

- Gần tới rồi. Đừng noi chuyện to nhỏ gì hết.

Tôi chú ý thấy hai con cá chét vẫy đuôi, vẩy cá sáng ngời, mắt cá vàng vọt, lấp lánh qua ánh đèn. Nghe đâu loại cá này có lớp mỡ mỏng bọc ngoài tròng mắt, giống như người đeo kiếng.

Lão Từ Thông dừng lại, lách mình giữa hai tảng đá đen xì, cao hơn đầu. Lão xô cánh liếp, vào hang.

Tôi và thằng Tặc vào hang. Lão nói với tôi:

- Cây Gừa mọc trên nóc hang này. Bây giờ thì chú em nằm nghỉ, chờ ăn.

Hang đá giống hệt một căn phòng. Trong góc hang, vài khúc củi cháy tàn, đen đúa, nằm lăn trên mớ tro lạnh ngắt. Kế bên đó là năm cái chén, năm đôi đũa, một cái nồi...

Tôi ngồi dựa lưng vào vách. Hơi đá ẩm ướt xông ra. Vài giọt nước rỉ xuống, tôi vuốt mặt, ngơ ngác:

- Nước ở đâu vậy ông?

Lão Từ Thông nói:

- Đừng hỏi. Chắc là trên nóc hang nầy có nước mạch. Mình ở đây, cứ lo chuyện ăn, chuyện uống. Đừng bàn qua chuyện khác. Sáng mai, tôi nói rõ hơn.

Lão đặt hai con cá lên nền đá rồi gãi đầu:

- Quên chớ! Còn hai chai rượu dưới ghe. Mầy Tặc! Dám trở lại không?

Thằng Tặc im lặng. Lão cằn nhằn:

- Cái gì cũng tao... cái gì cũng tao! Để tao đi. Mầy đốt lửa cho ấm rồi kiếm cây xỏ lụi hai con cá.

Rồi day qua tôi:

- Mình châm chế bớt. Nấu cháo mắc công lắm. Chú em chờ tôi...

Lão Từ Thông khuất dạng phía ngoài cửa hang. Trong này, tôi và thằng Tặc nhìn nhau, chẳng biết nói chuyện gì cho bớt cô đơn lạnh lẽo. Tôi lắng tai, chờ đợi một tiếng chim ụt hoặc một bóng ma... Nhưng chẳng có gì xảy ra cả! Thằng Tặc đến bếp, mở cái ống khói cây đèn bão, đưa vài lá khô ngay ngọn lửa. Lá khô cháy bừng lên... Chặp sau, ánh lửa vàng rực. Bỗng nhiên, sau lưng tôi có tiếng giẫy đành đạch. Hai con cá vẫn còn sống nhăn với cặp mắt long lanh, ướt át. Để phá tan sự yên tĩnh, tôi nói to:

- Để tao kiếm nhành cây xỏ lụi, đem nướng... hai đứa nó.

Gương mặt thằng Tặc bỗng mất thần. Nó với tay, vỗ nhẹ vào vai tôi:

- Đừng... Để cho ổng.

Tôi đáp:

- Nói chơi mà nghe, chớ công chuyện đó để dành cho mày. Nướng cá là một nghệ thuật.

- Nghệ thuật là... cái gì? Thôi, đừng nói tới chuyện đó nữa.

Lửa cháy bập bùng, ấm áp làm sao. Lửa bốc thành ngọn, khói bay vần vũ, quanh quẩn trên nóc hang đá. Một luồng gió hắt mạnh. Cánh liếp hé ra. Cái đầu của lão Từ Thông lú vào:

- Vậy mà tôi tưởng mấy cậu trốn rồi chớ.

Lão xách chai rượu vào hang, ngó dáo dác:

- May quá! Hai chai rượu mà mất hết một, còn một khó hiểu quá.

Tôi nói:

- Ông ngồi gần bếp lửa cho ấm.

- Mồ hôi tuôn ra nườm nượp mà ngồi gần lửa củi, làm sao chịu nổi. Để tôi gài chốt cửa.

Đi ngoài mưa gió, tại sao lão ta than nực nội?

Ngoài cửa hang, tiếng ho sù sụ nổi lên.

Thằng Tặc rời bếp lửa, chạy đến góc hang, ngồi che mặt, day lưng ra ngoài. Tôi hỏi lão Từ Thông:

- Ai vậy?

Lão lắc đầu:

- Đừng hỏi. May quá. Ông chủ hang đá nầy chớ ai. Chú em cứ giả câm giả điếc, ngồi xem cho vui.

Tôi đến vách đối diện, ngồi sát bên thằng Tặc. Nó run lẩy bẩy, ngồi không yên một chỗ, hai chân cứ nhích tới nhích lui. Giọng nói bên ngoài vọng vào:

- Đóng cửa rồi hả? Mở cửa cho chủ nhà vô chớ.

Lão Từ Thông vẫn ngồi im bên đống lửa. Hai con cá chét giãy giụa, lăn tròn. Cánh liếp tự nhiên hé mở chăng? Tôi chẳng thấy bàn tay nào mở chốt cả. Một ông lão đội nón lá, mang áo tơi bước vào, tay xách chai rượu. Chừng lão dở nón ra, tôi nhìn gương mặt và mái tóc hoa râm mà đoán chừng: tuổi lão hơn 60 nhưng còn mạnh khỏe. Lão quì xuống sờ vào hai con cá chét:

- Còn sống hả?

Rồi nói với lão Từ Thông:

- Anh em tất cả là 3 người, phải không? Tôi về bất thình lình, chắc anh em hơi ngạc nhiên. Hồi nãy, tôi ăn cắp chai rượu nầy. Bây giờ, tôi rót ra, chủ với khách cùng uống cho vui.

Ông lão chủ hang với tay lấy cái chén, rót rượu vào rồi nói lẩm bẩm:

- Một, hai, ba... với tôi nữa là bốn người. Ông Từ Thông đưa chén cho tôi, đưa thêm ba cái chén nữa.

Hai con cá chét cứ giãy mạnh hơn. Tôi chú ý: Miệng cá như há ra, khép lại từng chập. Lão chủ hang nâng chén, uống trước rồi rót rượu vào chén thứ nhì, mời lão Từ Thông:

- Uống đi.

Lần thứ nhứt, lão Từ Thông khai khẩu:

- Dạ, không dám.

- Bậy nè! Tiên vi chủ, hậu vi khách. Uống cho mau, ở đây lâu lắc, mấy ổng chết hết...

Tôi bắt đầu hiểu: mấy ổng chính là hai con cá chét. Nhưng hơi vô lý! Ban nãy, tôi thấy rõ ràng một người con gái và một anh kép hát bội. Một cậu, một cô, hoặc “một ông một bà” thì đúng hơn. Hay là danh từ “mấy ổng” được dùng để ám chỉ thằng Tặc và tôi? Hai đứa tôi làm gì mà phải chết? Hoặc giả hang đá này sẽ đóng kín lại? Hoặc loại mãng xà sẽ xông vào ăn thịt?

Lão Từ Thông như sợ sệt, nâng chén rượu uống một hơi thật nhanh, mặt lão nhăn nhó như người bịnh đang uống chén thuốc cay đắng.

Lão chủ hang đến bên cạnh lão Từ Thông, vặn đèn lên, quăng vài nhánh củi khô vào bếp:

- Lần nầy là lần thứ mấy rồi?

Lão Từ Thông cúi đầu:

- Lần thứ tư.

- Giỏi quá vậy? Lão năm nay bao nhiêu niên kỷ?

- Dạ, năm mươi.

- Tuổi trời còn dài. Sao lão chưa bỏ thói hư tật xấu?

Lão Từ Thông như tức giận, nói gằn từng tiếng:

- Bỏ nghề này, tôi lấy gì mà sống? Vả lại, chừng nào chết cũng được.

Lão chủ hang gật đầu:

- Xin lỗi... Mình còn gặp nhau, ở chốn khác. Xưa nay, câu cá là điều thú vị của kẻ tu tiên, ẩn sĩ qui điền, ngư tiều canh mục. Tôi biết. Nhưng lão ác quá. Thử hỏi nếu có người đem lưỡi câu móc vô miệng lão rồi giựt lên, rồi lụi cây vào bụng mà nướng... lão vui không?

- Làm sao vui được!

Thế rồi lão chủ hang gật đầu:

- Thằng cha già nầy dám ăn dám nói. Cũng gọi là đủ bản lĩnh, như quế với gừng, càng già càng cay. Lát nữa sẽ hay. Bây giờ tới thằng nầy.

Thằng Tặc run lẩy bẩy... Tôi hồi hộp quá, muốn chạy vụt ra ngoài cửa hang cho mất dạng nhưng thử đánh liều xem sao! Lão chủ hang có thể là ma quái và cũng có thể là người phàm tục, gàn bướng nào đó, sống ở đầu gành cuối bãi. Vì khinh thị lão ta là gàn bướng nên lão Từ Thông dám trả lời gay gắt:

- Thằng này! Sao không lên tiếng mậy?

Lão chủ hang nói lần nữa:

Tôi lên tiếng:

- Ông nói chuyện với tôi?

Lão chủ hang lắc đầu:

- Chưa tới phiên cậu đâu. Tôi nói với cái thằng nhỏ day mặt vô vách đó. Nó tên gì vậy?

Lão Từ Thông nói:

- Tên thằng Tặc.

- Trong bộ sổ chưa ghi tên nó.

Lão Từ Thông nói to:

- Tặc ơi! Nghe ổng hỏi ba điều bốn chuyện cho xong đi. Đừng sợ. Mạng mày còn vững lắm.

Bấy giờ thằng Tặc kêu rú:

- Tội nghiệp...

Lão chủ hang đứng dậy, xách lỗ tai thằng Tặc. Tôi rùng mình vì lão ta hôi hám lạ thường, vừa hôi vừa tanh. Hai chân lão sáng ngời như thoa mỡ. Hai dấu chân lão còn in rành rạnh trên nền đá. Con mắt lão giống hệch... con mắt cá chét. Lão nhướng chân mày nhưng tròng mắt vẫn không mở rộng ra thêm tí nào cả. Dường như tròng mắt ấy “đứng” lại! Da mặt lão hơi sần sùi, lợt lạt. Lão nói nhóp nhép đôi môi, nhưng gò má như chết cứng không động đậy. Tôi sực nhớ đến gương mặt và đôi mắt của những pho tượng bằng cây, thờ trên bàn tổ, ở nhà lão sư nào đó.

- Mầy theo chiếc ghe câu nầy hả?

Thằng Tặc đáp:

- Dạ.

- Hồi nãy mầy chèo lái hả?

- Dạ, ông Từ Thông biểu gì tôi làm nấy.

- Mầy ở Hòn Tre nầy mấy năm rồi? Lớn chồng ngồng chớ đâu phải con nít mà ngu dại quá. Từ rày về sau, đừng dại dột nghe lời thiên hạ nữa, nghe không?

- Dạ.

- Hồi nào tới giờ, mầy thấy mặt tao lần nào chưa? Đừng sợ, thôi, lần này tao véo lỗ tai cho mầy nhớ.

Hai ngón tay lão ta siết lại. Thằng Tặc rên hít hà nhưng cố chịu đựng cơn đau đớn.

Lão chủ hang day qua tôi:

- À! Cậu này lạ mặt... Đi học hả? Sao không chơi giỡn ở chợ búa mà ra ngoài này? Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc... biết câu đó chăng?

Tôi đáp:

- Nghe nói sơ qua vài lần, thưa ông.

Lão chủ hang gục gật đầu, chép miệng:

- Đời bây giờ học chữ chớ không học nghĩa. Nhứt tự lục nghì... Thế gian say mê chữ nghĩa của “tân trào”, quên hết đạo lý thánh hiền. Thôi, ta tha cho...

Hai con cá chét lại đập đuôi nhưng lần này quá yếu ớt. Lão chủ hang day lại, nói đổng:

- Nằm đó cho yên. Lát nữa, tới phiên cậu, tới phiên cô...

Lão đội nón lá, đến gần bếp lửa, cầm khúc củi quơ qua quơ lại cho ngọn lửa tắt. Rồi lão đưa đầu khúc củi tới sát bàn chân lão Từ Thông:

- Ta sắp về. Đưa chân ra để thọ hình.

Lão Từ Thông chép miệng:

- Hôm nay, chỉ vì chú em đó mà tôi tới đây. Lần sau, tôi chịu phạt. Hôm nay thì xin hoãn lại.

- Lần này là lần thứ năm, nhớ kỹ nghe không?

Nói xong, lão chủ hang đến gần hai con cá chét, nói rù rì. Lão ta cầm chai rượu, tạt vào bếp lửa. Hơi rượu phựt cháy, tỏa ra thứ ánh sáng kỳ diệu, xanh lè.

Chừng ánh sáng xanh lè ấy biến mất thì lão cũng mất dạng. Tôi dụi mắt, dường như thấy hai con cá chét nọ đứng dậy, thẳng mình trên cái đuôi mỏng mảnh, hơi cong cong, nhảy ra ngoài cửa.

Hôm sau, lão Từ Thông giải thích:

- Đêm rồi, tôi rắn mắt đi câu cá tại mũi Hà Bá, là vùng thiêng liêng của ông hoàng tử Cảnh. Hai con cá đó là binh tướng, là gia nhân của ông hoàng. Ông lão chủ hang... vốn hiền lành. Đừng giận ổng làm gì. Ổng làm phận sự của ông hoàng tử Cảnh giao phó. Từ hồi bảy tám chục năm về trước, mấy người đánh lưới thường gặp ông ta, cũng tại hang Cây Gừa này! Chú em tin rằng thế gian này có ma không? Hồi đêm rồi, mình bị ma nhát đó!

Tôi hỏi:

- Làm sao ông hoàng tử Cảnh, con vua Gia Long cai quản tới Hòn Tre, miệt Rạch Giá? Mộ của ổng, dường như ở ngoài Huế.

Lão Từ Thông quả quyết:

- Mả ông hoàng tử Cảnh hiện giờ ở ngoài Phú Quốc, di tích hãy còn, gọi là Cây Da Quét Mộ. Trên nền mộ, có cây da buông nhành xuống. Gió thổi khiến nhánh da quét qua quét lại, tư niên mãn mùa, trên nấm mộ chẳng thấy lá da nào hết, thiệt là... trời quét mộ cho hoàng tử... Bao nhiêu cá tôm ở gần Hòn Tre là bấy nhiêu quân sĩ của ổng...

Trước lý luận và bằng cớ “khẩu truyền” ấy, tôi chịu thua. Mãi đến năm nay, tình cờ đọc quyển Đại Nam Nhứt Thống Chí tôi bắt gặp đoạn văn sau đây chứng tỏ đó là hoàng tử Nhựt chớ không phải hoàng tử Cảnh: - Hai ông hoàng này đều là con của Gia Long:

- Hà Tiên Tỉnh (mục Lăng Mộ): Sơn phần Hoàng tử tiền triều, ở địa phận thôn An Hòa, đảo Phú Quốc. Lăng này của hoàng tử tên húy là Nhựt, chết yểu táng tại đây. Năm Minh Mạng thứ 6, Hộ bộ Hoàng Văn Ninh đi sứ qua Xiêm, bị gió tấp vào đấy, có sắm lễ đến cáo yết.

Và tôi bắt đầu tin rằng ở đầu gánh cuối bãi... có thể có ma nhát! Nhưng loại ma đó hiền hậu, nên thơ lắm. Đồng bào địa phương giữ mãi dấu ấn xưa, mơ màng vì nó gắn bó với việc mở nước đầy gian lao.

SƠN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên