18/05/2005 06:27 GMT+7

Hai cô mẫu giáo dưới đỉnh núi Ngọc Linh

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Thấy hai cô gái mang túi xách bước vào căn chòi nằm sát vách với cái quán nhỏ của một người miền xuôi, thoạt đầu tôi cứ ngỡ củ sâm Ngọc Linh đã kéo chân họ lên vùng núi rừng này.

6T8Esgwt.jpgPhóng to
Hằng với các học trò mẫu giáo của mình trong lớp học đầy nắng dọi và thiếu cả ghế ngồi cho cô giáo - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Thế nhưng, sau mới biết đó là hai cô giáo trẻ mang cái chữ lên non cho những cháu bé mẫu giáo chốn đại ngàn - một “chuyện lạ” với bà con dân tộc Xơ Đăng bên dãy Ngọc Linh bốn mùa trắng bạc sương mù...

Đó là hai cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng và Trần Thị Diễm Nga. “Đường lúc về toàn xuống dốc lại có nhiều bóng cây, vậy mà vẫn toát mồ hôi với mấy con dốc dựng đứng lại không có bóng cây che...”, Nga nói và ngượng ngùng nhìn chiếc áo tươm ướt mồ hôi của mình.

Cô giáo Nga dạy ở Măng Lùng - nơi Hằng cũng từng dạy một năm; nơi mà cô giáo Hằng nói nửa đùa nửa thật: “Đã lên Trà Linh mà không lên trụ lớp ở Măng Lùng là chưa “đáng mặt” giáo viên miền cao...”. Măng Lùng không chỉ là nóc làng cao nhất ở Trà Linh mà còn của cả vùng Nam Trà My (Quảng Nam) thuộc mạn bắc dãy Ngọc Linh - nơi được gọi là “đất sâm”, mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 9-10 độ.

Để đến được nơi đây vốn là cả một quyết định đầy “lửa” của hai cô gái trẻ. “Lúc nhận quyết định đến Nam Trà My, bạn bè đã thấy lo lắng giùm rồi. Khi được phân công về Trà Linh, đứng lớp ở Măng Lùng, Cam-bin, chính tụi tôi cũng thấy lo lắng cho mình không ít...”, Hằng và Nga thú thật rồi nhớ lại: “Một ngày lội bộ ròng rã mới đi được 1/3 đoạn đường, nhìn núi rừng cao ngất, đôi chân thì ê mỏi, hai đứa đã toan quay về. Nhưng rồi nghĩ đến chọn lựa của mình, nghĩ đến các em lại ráng bước tiếp...”.

KxCP9epW.jpgPhóng to
Đường đến lớp ở nóc Măng Lùng của cô giáo Nga - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Những ngày đầu đứng lớp, cả cô giáo cùng học trò đều ngơ ngác nhìn nhau vì... “bất đồng ngôn ngữ”, dù trước khi đứng lớp cả hai đã dành một tuần đến sống với bà con trong làng để học hỏi tiếng Xơ Đăng. “Cô chăm, trò chăm, chẳng bao lâu “hai bên” đã hiểu được nhiều về ngôn ngữ của nhau, việc dạy - học đã dần dễ dàng với cô - trò...”, Hằng kể.

Còn Nga thì nói mình đã mấy đêm ướt một bên gối vì nước mắt mừng vui khi thấy công việc của mình bước đầu có kết quả. Không chỉ thế, Nga và Hằng khoe trong túi xách của mình luôn có chiếc khăn, cái kéo, đồ ráy tai và cả đến gương lược. Cha mẹ các em suốt ngày ở nương rẫy xa, cứ mỗi khi rửa mặt hay cắt tóc xong cho chúng, hai cô giáo lại lấy gương cho chúng soi để được nhìn vẻ mặt mừng vui, thích thú hồn nhiên trẻ thơ...

Hai cô còn khoe mớ rau rừng họ vừa hái được chiều hôm qua cũng như dúm cá khô ít oi còn lại trong chiếc bọc đặt bên giàn bếp. “Nhiều khi thèm bữa cơm gia đình...” - Nga tâm sự.

Niềm hạnh phúc của họ hình như chỉ là những khuôn mặt tơ non ngày càng biết yêu cái chữ, quí cô giáo, tiến bộ hơn trong việc học hành. Thỉnh thoảng có phụ huynh mang đến biếu mớ rau quả hay ít thức ăn tươi họ kiếm được trong rừng; thật bụng bảo: “Hồi nghe trên bảo dân mình phải cho đứa con nít năm sáu tuổi đi học, dân mình cho là làm cái chuyện lạ đời. Nhưng chừ thì con mình học tiến bộ; cái bụng dân mình biết ơn cô giáo nhiều lắm...”.

Cảm động nhất, Hằng và Nga cho biết bây giờ chỉ một thời gian ngắn, có nhiều em đã biết “làm nũng”, sà vào cô giáo chờ đợi một lời bày bảo hay khen ngợi, dỗ dành - sự biểu cảm ít thấy ở trẻ nhỏ vùng cao.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên