11/09/2003 07:08 GMT+7

Hà Nội: Tân sinh viên ngược xuôi tìm chỗ trọ

HỒ QUANG PHƯƠNG
HỒ QUANG PHƯƠNG

TT (Hà Nội) - Sau bao tháng ngày ôn luyện “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, tốn nhiều công của, giấc mơ trúng tuyển vào trường đại học thành hiện thực làm bao bạn học sinh ngất ngây, thấy như tương lai rộng mở trước mắt. Thế nhưng còn nhiều khó khăn, thử thách đang chờ đợi các tân sinh viên trên chặng đường bốn năm ĐH. Và thử thách đầu tiên mà sinh viên các tỉnh phải đối mặt là tìm nơi ăn ở, sinh hoạt thuận tiện cho việc học tập.

wQ95dXWe.jpgPhóng to
Các tân SV trong cuộc "truy lùng" nhà trọ
TT (Hà Nội) - Sau bao tháng ngày ôn luyện “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, tốn nhiều công của, giấc mơ trúng tuyển vào trường đại học thành hiện thực làm bao bạn học sinh ngất ngây, thấy như tương lai rộng mở trước mắt. Thế nhưng còn nhiều khó khăn, thử thách đang chờ đợi các tân sinh viên trên chặng đường bốn năm ĐH. Và thử thách đầu tiên mà sinh viên các tỉnh phải đối mặt là tìm nơi ăn ở, sinh hoạt thuận tiện cho việc học tập.

Tìm đâu chỗ trọ!

“350.000 đồng/phòng ba người. Nếu bốn người thì 400.000đ. Thêm người thêm tiền. Đồng ý thì đặt cọc. Không thuê nhanh, hết chỗ chỉ còn nước ra công viên ngủ mà đi học” - bà chủ nhà to béo, sồn sồn trạc tuổi 40, nói oang oang.

Một người đàn ông trung niên nói với chúng tôi đầy vẻ thông cảm: “Bây giờ bọn mi tìm chỗ trọ là hơi muộn rồi. Hầu hết các chỗ “ngon” đều có người “cắm” cả, chỉ còn chỗ kém. Mà chủ nhà được thể lại còn thét giá cao lắm. “Tau” tìm nhà trọ cho thằng cu từ ba ngày nay vẫn chưa ưng ý được nơi nào”. Người đàn ông vừa quệt mồ hôi vừa lắc đầu vẻ chán nản.

Ông tên Nguyễn Thanh Hoàn, quê Nghệ An, có con trai vừa trúng tuyển vào khoa báo chí của Phân viện Báo chí và tuyên truyền. Phân viện Báo chí và tuyên truyền đến 15-9 mới nhập học nhưng hai bố con ông lục tục kéo nhau lên Hà Nội từ mấy ngày nay, ở nhà người quen để đi tìm chỗ trọ cho cậu “quí tử của cả dòng họ”.

Phần đông họ vừa chân ướt chân ráo lên thành phố phải lao ngay vào “cuộc chiến” cũng rất gay go để tìm nơi che nắng che mưa; phải đối mặt với sự ép giá của các chủ trọ, mà chưa nhận được sự giúp đỡ đáng kể nào từ phía các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm. Quả là đường học thật lắm gian truân!

Khi được hỏi sao không cho con vào ở trong ký túc xá (KTX), vừa rẻ, vừa dễ quản lý, ông Hoàn giải thích mặc dù con ông cũng nằm trong diện ưu tiên (nông thôn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người, gia đình chính sách...) nhưng vì lượng SV mới vào trường khá đông “nên cứ tìm trước chỗ trọ cho chắc ăn”.

Trong vai những SV đi tìm nhà trọ, chúng tôi mới hiểu hết được sự vất vả của những cô cậu học sinh từ các tỉnh lên Hà Nội học ĐH.

Gần như tất cả ngóc ngách, hang cùng ngõ hẻm của làng Vòng thuộc phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy (là địa bàn có nhiều trường ĐH như Ngoại ngữ, Sư phạm, Phân viện Báo chí và tuyên truyền; Cao đẳng Sư phạm Hà Nội...) chiều hôm ấy đều nhan nhản SV đang hớt hải đi tìm nhà trọ.

Hầu hết nhà trọ trong khu vực này đều là các dãy nhà cấp 4, được chia thành những phòng nhỏ 6-10m2, gồm một giường ngủ, có bể nước và khu vệ sinh chung, giá thành ở mức 250.000đ - 400.000đ/phòng/tháng, chưa tính tiền điện, có thể ở 2-3 người. Cũng có những nhà cho thuê phòng rộng, kê thành nhiều giường hoặc nằm trên phản với giá 170.000 - 200.000đ/người/tháng.

Số nhà cho SV thuê khá nhiều mà vẫn không đủ bởi lượng người có nhu cầu quá lớn. Một bà còn “gạ” chúng tôi thuê một phòng ở khu nhà ẩm thấp, bẩn thỉu cuối làng gần cánh đồng, đường đi ngoắt ngoéo với giá 200.000đ, để cho “tự do, muốn đi đâu, làm gì cũng được, chẳng ai xét hỏi”.

KTX chỉ đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu

Qua khảo sát của chúng tôi, hầu hết KTX ở các trường ĐH trên địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng được một số lượng nhỏ nhu cầu chỗ ở cho SV, đối tượng chủ yếu là SV trong diện ưu tiên.

Theo ông Phạm Thanh Nghì - giám đốc trung tâm KTX ĐH Bách khoa Hà Nội, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc tăng số phòng và nâng cao chất lượng phục vụ nhưng KTX cũng chỉ có 4.100 suất trong tổng số hàng chục ngàn SV, nghiên cứu sinh của trường, trong đó dành cho SV sắp nhập học 1.000 suất. “Năm nào trường cũng phải động viên các SV năm 4, 5 ra thuê nhà ở ngoài để nhường chỗ cho SV mới”.

ĐH Kinh tế quốc dân có hơn 12.000 SV nhưng KTX cũng chỉ có chỗ cho 3.000 SV. Hầu hết KTX của các trường ĐH tại Hà Nội đều bố trí 8 người/phòng, với mức phí 40.000 - 60.000đ/người tính cả điện nước.

Làng SV Hasinco nằm ở khu Thanh Xuân cũng có thể đáp ứng được chỗ ở cho 3.000 SV với cơ sở vật chất khang trang (giá thu trung bình ở mức 80.000 - 120.000đ) nhưng vì phải phục vụ Sea Games nên chỉ có thể cho SV thuê từ sau tháng 12-2003.

Như vậy, từ giờ cho tới lúc đó đa số SV phải tìm phòng trọ trong các khu dân cư. Nhưng với tình trạng lộn xộn và quá tải của các khu nhà trọ, việc tìm được một nơi thích hợp với mức giá phải chăng là điều không đơn giản cho SV, nhất là với những người ở tỉnh xa còn nhiều bỡ ngỡ...

Các biện pháp hỗ trợ chưa đồng bộ

Trong chiến dịch tình nguyện “Tiếp sức mùa thi” hè vừa qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội đã tổ chức các đội tình nguyện ở cơ sở để giúp đỡ thí sinh và người nhà tìm được chỗ ăn, nghỉ. Thế nhưng việc tiếp tục duy trì hoạt động này hiện gặp một số khó khăn khách quan cũng như chủ quan.

Theo anh Trần Thế Cương - cán bộ phụ trách ban trường học của Thành đoàn Hà Nội, việc tìm nhà trọ trong mùa thi ĐH dễ dàng hơn bởi thời gian không kéo dài, chỉ trọ 2-3 ngày, lại cùng vào một đợt nên tiện việc tổ chức. Còn vào năm học, SV ở trọ dài ngày, các trường có thời gian nhập học khác nhau nên buộc phải có tiền đặt cọc... Chính vì vậy việc tìm nhà trọ cho SV được giao cho các cơ sở Đoàn và Hội SV các trường ĐH.

Thế nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, dường như Đoàn thanh niên và Hội SV các trường vẫn chưa có sự chuẩn bị kỹ càng trong việc tìm nơi trọ cho SV khóa mới, mà ngày nhập học đã tới gần.

Anh Đào Duy Phong - chủ tịch Hội SV ĐH Bách khoa - cho biết đến giờ phút này hội chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào của Thành đoàn và Hội SV thành phố Hà Nội trong việc tìm nhà cho SV khóa mới. Hội vẫn cung cấp các địa chỉ nhà trọ cho SV nhưng thường không hiệu quả vì khi đến thì nhà đã có khách thuê.

Hội SV ĐH Kinh tế quốc dân cho biết những năm trước cũng đã tiến hành các đội tình nguyện đi tìm nơi trọ cho SV, nhưng do khó khăn vì phải đặt cọc nên năm nay không thành lập các đội này nữa.

Tuy nhiên cũng có những trường như Cao đẳng Lao động xã hội có truyền thống 5-6 năm nay trong việc tổ chức các đội tình nguyện phụ trách tìm nhà cho SV của trường. Để chuẩn bị đón SV khóa mới, Đoàn thanh niên của trường đã lập kế hoạch tổ chức đội tình nguyện 25 người chịu trách nhiệm tìm khu trọ, nếu cần thì đặt cọc 20.000 - 30.000đ/ phòng, dùng danh nghĩa của trường thương lượng với chủ nhà để giữ các phòng trọ.

HỒ QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên