![]() |
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939-2001) |
Trên sách báo, đặc biệt trên Internet, những người yêu nhạc Trịnh tìm đến với nhau qua những Diễn đàn, những “Box Nhạc Trịnh” trong sự đồng cảm thân ái. Và chiều Ngày cá tháng Tư, ngày qua đời của Trịnh Công Sơn, tôi ngồi với hoạ sĩ Đinh Quang Tỉnh và dịch giả Đoàn Tử Huyến tại Thư viện - Cafe Đông Tây (thuộc Trung Tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây) trên đường Cầu Giấy - Hà Nội, nơi tối nay một nhóm bạn bè sẽ gặp nhau để tưởng nhớ 5 năm mất Trịnh Công Sơn.
Hoạ sĩ Đinh Quang Tỉnh cho biết, ông không phải là người quen thân của Trịnh Công Sơn lúc sinh thời nhạc sĩ, nhưng rất yêu quí tài năng và con người Trịnh Công Sơn nên đã vẽ hơn chục bức chân dung họ Trịnh. Nghe tin Trịnh Công Sơn mất, mấy tối liền Đinh Quang Tỉnh ngồi uống rượu buồn với bạn bè tại Hà Nội rồi đến ngày thứ tư lặng lẽ lấy vé máy bay vào Sài Gòn dự lễ tang.
Ông kể:
- Năm Trịnh Công Sơn mất, tôi đã 56 tuổi, đã từng dự nhiều đám tang lớn, nhưng chưa thấy đám nào khác thường, lạ lùng và siêu phàm như vậy. Nếu những đám khác đều có lớp lang, trên dưới, trước sau, thì đám tang này chẳng có thứ bậc gì cả. Các nhà lãnh đạo, quản lí chen vai cùng các sư sãi, với những người đạp xích lô, em bé bán vé số; già trẻ gái trai chen vai nhau...
Mọi người không phân biệt (mà có muốn phân biệt thì cũng chẳng ai để ý) cùng vào viếng Sơn rất trật tự, thành kính...và cùng hát những bài hát của Anh. Quanh chỗ Anh nằm biến thành một thế giới quần chúng rộng lớn, tự nguyện, kết nối bằng tình yêu dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn. Quả là một quang cảnh rất siêu phàm!
Rồi từ đó, cứ đến ngày mất của nhạc sĩ, ông và một số bạn bè, chẳng phải họ hàng, chẳng phải thân thích của người quá cố, lại ngồi với nhau bên chén rượu “làm giỗ” Trịnh Công Sơn. Lần này là lần thứ năm...Tranh chân dung Trịnh Công Sơn của Đinh Quang Tỉnh không bán, chỉ để tặng cho những ai thực sự yêu quí Trịnh Công Sơn, ngoài mấy bức ông giữ lại làm triển lãm...
Còn với dịch giả Đoàn Tử Huyến, Chủ tịch Trung Tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, người tham gia làm hai cuốn sách về Trịnh Công Sơn, chúng tôi có cuộc trao đổi ngắn sau:
* Ông là dịch giả, thường làm sách dịch, và cũng chẳng thấy ông “ca hát” bao giờ, nhưng có vẻ ông cũng mê nhạc Trịnh, và làm sách về Trịnh Công Sơn. Xin ông cho biết ông đã đến với Trịnh Công Sơn như thế nào?
- Tôi không phải người “cùng giới” (âm nhạc) với Trịnh Công Sơn, không am hiểu và thú thực cũng chẳng phải người mê âm nhạc. Trước 1976 (học ở Nga về), tôi chưa hề nghe tên Trịnh Công Sơn và nhạc của ông. Nhưng một lần Chiều một mình qua phố, tôi nghe có tiếng hát gì rất lạ, thuộc loại “chưa thấy bao giờ”, vang ra từ một cửa hàng bán catxet, thế là tò mò và thích thú mua thử một băng (bản sao, chẳng có nhãn mác gì cả). Mãi về sau mới biết đó là Khánh Ly và Trịnh Công Sơn (Sơn ca 7).
Dần dần, nghe, đọc thêm, tìm hiểu “thế giới” Trịnh Công Sơn, tôi gần như bỏ qua phần nhạc (nó “tự nhiên” quá; hơn nữa ngoài Khánh Ly, tôi không thích nghe người khác hát “nhạc Trịnh”, vậy thì cái hay của nhạc Trịnh, với tôi, một phần khá lớn nằm trong tiếng hát Khánh Ly). Nhưng tôi rất thích ca từ của Trịnh Công Sơn. Đây mới là của riêng ông. Và đó đã là thơ, văn chương, triết học, tư tưởng rồi, chứ không còn âm nhạc đơn thuần nữa. Nên tôi muốn làm sách về ông, liên quan đến phần đời, phần chữ của ông.
Đến khi ông mất, tôi vẫn chưa được một lần thấy ông, nhưng tôi nỗ lực cùng Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha, là những nhà thơ, nhạc sĩ và có quen biết với người quá cố, làm xong tập Trịnh Công Sơn - một người thơ ca, một cõi đi về trong thời gian thật ngắn - là cuốn sách đầu tiên về Trịnh Công Sơn sau khi ông qua đời. “Công trình” đã phản ánh, đáp ứng phần nào lòng yêu mến của quần chúng đối với người nghệ sĩ hiền tài nên được bạn đọc rộng rãi đón nhận.
* Xin ông cho biết, đến nay đã có bao nhiêu cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn?
- Tôi chưa có con số thống kê chính xác, nhưng theo chỗ biết được thì đến nay đã có trên mười tập sách viết về Trịnh Công Sơn (trong đó có ít nhất năm tựa là của riêng từng tác giả - Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu ý, Nguyễn Đắc Xuân, Bùi Bảo Trúc (Việt Kiều ở nước ngoài) và một người Nhật Bản là Yoshii Michiko; các cuốn sách còn lại tập hợp những bài viết của nhiều tác giả khác nhau).
Ở đây cũng nên kể thêm cả những số đặc biệt chuyên về Trịnh Công Sơn của các tạp chí văn nghệ nữa. Còn số lượng bài viết về Trịnh Công Sơn mới là lớn. Tôi chỉ tính qua số bài được một trang web về Trịnh Công Sơn liệt kê đã có gần 400, còn số thực được đăng trên báo chí, trên hàng trăm trang mạng internet trong và ngoài nước chắc chắn phải lớn hơn rất nhiều. Tôi đang cho sưu tầm những tài liệu liên quan đến Trịnh Công Sơn để chuẩn bị làm một “Thư mục Trịnh Công Sơn” nên thấy rõ và thật sự ngạc nhiên.
* Xin ông cho biết đã có bao nhiêu cuốn sách về Trịnh Công Sơn đã có mặt tại Việt Nam?
- Tôi không hiểu thế nào là “sách về Trịnh Công Sơn đã có mặt tại Việt Nam”? Phần lớn sách về Trịnh Công Sơn được xuất bản ở trong nước (theo tôi biết là 9 cuốn), sau ngày nhạc sĩ qua đời; còn các cuốn sách xuất bản ở ngoài nước thì không chính thức phát hành trong nước, nhưng chắc những người yêu Trịnh Công Sơn vẫn có. Thời nay mở cửa mọi thứ đều dễ lưu thông mà. Nhất là còn có “xa lộ thông tin”, những gì nhiều người quan tâm đều được chuyển tải lên mạng Internet hết. Phần nhiều những gì cần tôi đều đọc trên mạng cả đấy.
* Những sách về Trịnh Công Sơn bán như thế nào, có chạy không?
- Tôi cũng không nắm chắc số lượng, nhất là những cuốn sách người khác làm. Riêng cuốn Một cõi Trịnh Công Sơn (được tổ chức lại, bổ sung từ cuốn Trịnh Công Sơn - một người thơ ca, một cõi đi về) thì bán khá tốt, đã tái bản mấy lần, và còn hân hạnh “được” in lậu nữa (ấy là nhờ công an bắt được và báo chí đưa tin mới biết).
Có một điều chắc chắn là Trịnh Công Sơn có một đội ngũ thật đông đảo những người yêu mến. Chưa kể các bài viết lẻ, những trao đổi hâm mộ nhiều vô vàn trên các trang mạng, diễn đàn, không biết có ai qua đời năm năm đã có trên chục cuốn sách viết về chưa? - mà tôi biết rằng sách về Trịnh Công Sơn vẫn còn sẽ ra đều đặn, nguồn chưa cạn!
* Thưa ông, tôi có cảm tưởng rằng những người viết về Trịnh Công Sơn phần lớn là do yêu mến, hâm mộ chứ không phải là những nhà nghiên cứu?
- Thật ra cũng khó “phân loại” như vậy. Người nghiên cứu cũng vì yêu mà viết. Chỉ có điều tôi nhận thấy, đặc biệt rõ ở ngay trong nước, là chưa có những công trình nghiên cứu dài hơi, dày công về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Những tập sách, những bài viết chủ yếu bày tỏ tình cảm, nói về cuộc đời, một số người đưa ra những nhận xét, đánh giá, có thể rất hay, rất sắc sảo, nhưng chưa đủ độ sâu rộng và căn cứ lí luận của những công trình khảo cứu (hay đã có mà tôi không biết?)
Các nhà nghiên cứu và yêu mến Trịnh Công Sơn ở ngoài nước (gốc Việt) trong khía cạnh này có lẽ đã làm được nhiều hơn, một số người trong số họ có những bài viết khá dài (ít ra là thế) và đi vào phân tích, khảo cứu lí luận, nội dung, kĩ thuật âm nhạc. Có cả tập sách ở dạng chuyên khảo nữa.
Ông là một nhạc sĩ thiên tài, như Bửu ý - và rất nhiều người khác - nói. Ông là một người hiền. Nhạc ông, từ giai điệu đến lời thơ đều dễ đi vào lòng người thuộc nhiều giai tầng, nhiều lứa tuổi khác nhau. Tư tưởng của ông “từ bi”, yêu hoà bình, yêu con người, yêu cái đẹp, mà đó là những giá trị vĩnh cữu, thời nào cũng cần và cũng gần gũi với đại đa số đồng bào ta vốn khao khát tình thương và thanh bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận