![]() |
Hà Minh Ngọc (trái) và cô giáo Nguyễn Bích Thảo - Ảnh: N. Hà |
Gặp tác giả bài văn gây xôn xao cư dân mạngBài văn gây xôn xao cư dân mạng
Cô Nguyễn Bích Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp văn 06-09, khối chuyên phổ thông Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - còn nhớ như in cảm giác sau khi đọc bài văn của cô trò nhỏ. Giật mình vì lối hành văn mạch lạc, giật mình hơn bởi những suy nghĩ sâu sắc về cuộc sống, về sự thành công - thất bại và “bất ngờ là tôi đã tìm được lời giải cho sự lựa chọn của mình sau khi đọc xong bài văn đặc biệt đó”.
Ngập ngừng một lát, cô Thảo tâm sự thật tình lúc đó cô đang rất phân vân về công việc của mình. Đã đứng lớp tại ĐH Quản lý kinh doanh từ năm 2000, năm học 2006-2007 cô được nhận vào làm giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên văn 06-09 nhưng vẫn ở vai trò thử việc. Chưa “ấm chân” ở trường mới, cô Thảo vẫn nằm trong quân số của ĐH Quản lý kinh doanh; vừa dạy ở trường ĐH, vừa đứng lớp cho khối phổ thông. Nhưng ngay buổi chiều chấm bài văn của Hà Minh Ngọc, cô đã quyết định viết đơn xin nghỉ việc tạm thời ở ĐH Quản lý kinh doanh để chỉ chuyên tâm vào lớp 10 văn ĐH Sư phạm.
Cô Thảo học chuyên văn từ lớp 4, rồi học ĐH, cao học khoa văn ĐH Sư phạm. Thêm một điều này nữa mà không nhiều học sinh lớp văn 06-09 biết được: cô giáo Thảo chính là cô học trò Trường chuyên Thái Bình ngày nào đã giành giải nhất văn quốc gia bảng A, năm học 1990-1991!
Bài học về sự thành công của cô học trò Hà Minh Ngọc là đề làm văn đầu tiên của lớp văn 06-09, được cô giáo chủ nhiệm giao về nhà. Đọc bài văn, nhiều người nghĩ có lẽ đây là kết quả của một quá trình nghĩ suy, chọn lựa ý tưởng đã được nung nấu từ lâu, giờ chỉ việc trải lên trang viết. “Chính đề bài văn mở của cô giáo đã gây hứng thú cho em. Và suy nghĩ của em được khơi nguồn từ đề văn không vương chút gò bó nào đó” - Ngọc tiết lộ.
Với Ngọc, những đề văn không giới hạn về thể loại mà tập trung khắc họa vào tư tưởng, tình cảm của bản thân như vậy rất dễ viết. Những bài văn phân tích tác phẩm đương nhiên đòi hỏi sự tinh tế, cảm nhận thấu đáo cả hình thức, nội dung. Nhưng bài văn kiểu “bài học mà cuộc sống dành tặng cho em” thì học sinh có cơ hội được nói nhiều hơn những điều mình ấp ủ. Hạnh phúc của người học sinh khi gặp được đề văn như thế, tự nhiên có cảm giác mình như một nhà văn nho nhỏ, thỏa sức sáng tạo. Một điều khá thú vị là khi gặp chúng tôi, cả cô và trò mới nhận ra là cùng chung đam mê các tác phẩm Thạch Lam và xác nhận rằng tâm hồn mình đã được nuôi dưỡng bằng sự dung dị, hiền hòa và sâu sắc của nhà văn này.
“Làm thế nào để có được một đề văn khơi đúng nguồn mạch của học sinh như thế?”. “Thật ra đây là bài làm văn đầu tiên của lớp, mình muốn được đọc những suy nghĩ, tâm tư thật sự của trò. Đơn giản là một cách làm quen lớp, quen học sinh thôi. Thậm chí nhờ đề văn dạng này, tôi biết thêm được gia cảnh thật sự của một số học sinh”. Cô Bích Thảo cũng cho rằng cách ra đề chỉ bám chặt vào tác phẩm sẽ rất khó “đọc” được tâm hồn con trẻ. Liên hệ bản thân là một “nội dung công thức”, thường chiếm một tỉ lệ điểm “khuyến khích” của barem trong các dạng bài bình luận, phân tích, chứng minh; nhưng để bài văn của trò mang hơi thở cuộc sống, hoàn toàn có thể xem ý nghĩa vận dụng cách hiểu tác phẩm vào trong đời sống là yêu cầu chính của đề, tạo thành một chuỗi dạng bài mở.
Nhiều người thắc mắc về khung điểm chứa đến hai điểm số khác nhau trong bài văn của Ngọc. Một điểm 9 cỡ chữ to và điểm số 9+ nhỏ hơn ở góc dưới. “Mình có thói quen chấm văn theo hai vòng. Điểm số nhỏ hơn ở góc phải điểm chấm ban đầu là đánh giá nghiêng về chủ quan, cảm nhận cá nhân nhiều. Điểm số chính được xác lập sau khi có sự đối sánh trên tổng thể bài văn của cả lớp. Đề văn đó, lớp văn K06-09 có ba điểm 9, nhưng chỉ duy nhất bài của Hà Minh Ngọc được 9+ ở điểm chấm “cảm tính” ban đầu.
Điều bất ngờ là môn văn trước nay không phải là “đặc sản” của Hà Minh Ngọc. Cô bạn lớp phó học tập khóa 2002-2006 Trường THCS Nguyễn Trường Tộ vẫn nổi danh với điểm toán ngất ngưởng 9,6-9,7, thậm chí cùng đợt thi tuyển vào lớp văn K06-09, Ngọc đã thi đỗ khối phổ thông chuyên hóa ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội! Dường như chính đề thi và sự lắng đọng cảm xúc đã tạo nên hiệu ứng bất ngờ.
* Tôi đang phải đối diện với ngã ba đường như mẹ em ngày xưa, tôi đang phải suy nghĩ là mình nên như thế nào thì đúng: tiếp tục học hay trở về nhà quây quần bên gia đình với công việc có thu nhập không cao lắm, với một người không nổi tiếng (vì ước mơ của tôi là một diễn viên hài kịch thành danh). Đọc xong bài viết của cô bé tôi nghĩ mình đã theo đuổi một thành công hư ảo. Nhưng tôi sẽ phải tiếp tục suy nghĩ... Tôi hi vọng mình sẽ rút ra được bài học từ những gì cô bé viết để tìm ra con đường đưa tôi tới thành công thật sự, một thành công thật sự của riêng tôi... * Bản chất thật sự của sự thành công? Đó là điều rất giản dị mà mọi người có thể làm được và đã từng làm những điều như thế mà họ không hề biết đó cũng là một sự thành công trong cuộc sống. Bài văn ấy đã đánh thức và khơi dậy tinh thần lạc quan của con người, giúp mọi người thấy được ý nghĩa thật sự của cuộc sống. * Trước tiên, phải cảm ơn cô giáo của em vì đã cho một đề bài làm văn mở để em có thể thỏa sức bộc lộ tâm tư. Kế đến phải cảm ơn em, cô bé Hà Minh Ngọc, vì đã làm một bài văn thật hay, đầy cảm xúc và cũng đầy suy tư. Bài văn em viết dẫn chứng, lý lẽ rất rõ ràng, mạch lạc, chặt chẽ mà vẫn tràn đầy cảm xúc, vẫn khiến người đọc rung cảm. Bài văn lại có những ý tưởng và suy nghĩ rất riêng, rất đặc biệt của tác giả nữa. Em thật sự đã làm cho thể loại văn (trong bài văn của em, theo tôi, là thể văn chứng minh) vốn khô khan, khó viết trở nên mềm mại và đáng yêu hơn rất nhiều. * Ngọc đã mang những suy nghĩ của mình đến với mọi người rồi từ đó khiến chúng tôi phải nhìn lại chính mình và suy ngẫm để rồi có một cách nhìn mới hơn, tốt đẹp về cuộc sống xung quanh, theo tôi, đó cũng là một thành công mà em đã có được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận