Định danh
![]() |
Năm 2001, một con tàu nằm yên tới 400 năm dưới độ sâu 40 mét nước, cách phía Đông cảng Phan Thiết, Bình Thuận khoảng 60km bỗng bị đánh thức. Qua giám định hơn 1.000 hiện vật từ con tàu này, các chuyên gia đã nhận ra giá trị của những gì còn nằm trong lòng nước, để rồi sau đó hai công ty Visal (Việt Nam) và Maritimes Exploration (Singapore) đã phối hợp trục vớt lên tới hơn 61.000 hiện vật. Các chuyên gia đã đặt tên cho những hiện vật ấy là gốm “Chương Châu đế cát”.
Tuy nhiên, cái tên “Chương Châu đế cát” xem chừng không quen tai đối với dân chơi. Họ gọi chúng bằng cái tên khá nôm na là “gốm Xoa thẩu”, còn dân chơi thế giới gọi dòng gốm này là Swatow.
Swatow là tên một cảng biển nhỏ Sán Đầu ở tỉnh Quảng Đông (được phát âm theo âm Quảng Đông là Xoa thẩu), một vùng giáp ranh với tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Thời kỳ đầu, do chưa nghiên cứu sâu, nên các học giả căn cứ vào nơi cảng xuất hàng để gọi tên cho dòng gốm ấy.
Trên thực tế, Swatow chỉ là một cái tên mới có từ thời Thanh, trong khi các hiện vật gốm này có niên đại trong khoảng chuyển tiếp nhà Minh - Gia Tĩnh (1522-1566) và Vạn Lịch (1573-1620). Về khởi đầu của dòng gốm xuất khẩu này cũng còn nhiều tranh cãi, nhưng các học giả đều thống nhất ở một điểm là chúng thực sự kết thúc vào năm 1680, khi vua Khang Hy nhà Thanh thu phục đảo Đài Loan.
Một trong những khám phá lớn nhất của các nhà khảo cổ Trung Quốc trong những năm 1980 là việc tìm thấy hàng loạt diêu chỉ ở vùng Chương Châu tỉnh Phúc Kiến, với những tiêu bản “đế cát” mà những nghiên cứu trước đó vẫn cho rằng quê hương của chúng ở Swatow. Hàng trăm diêu chỉ được phát hiện ở An Khê, Bình Hòa, Hoa An thuộc thành phố Chương Châu… và con đường xuất khẩu chính của chúng thông qua cảng Nguyệt, đoạn hạ lưu của con sông Cửu Long (trấn Hải Trừng, cách Hạ Môn không quá 20km) - một cổ cảng có tính chất quốc gia.
Từ đó, các học giả mới thống nhất tên của dòng gốm này là “Chương Châu đế cát” (Chương Châu sa túc). Rõ ràng, gốm Chương Châu đế cát là một loại hàng xuất khẩu chủ yếu của Trung Quốc trong thế kỷ XVI, XVII, cung cấp cho Nhật Bản và vùng kinh tế Batavia (Indonesia, Philippines, Malaysia và Brunei) khi đó. Chúng là dòng gốm xuất khẩu đại trà đầu tiên của Trung Quốc và là những sản phẩm siêu lợi nhuận của các công ty Đông Ấn.
Sưu tập
![]() |
Ở Indonesia, gốm Swatow rất được ưa chuộng, khắp nơi đều có những bộ sưu tập dòng gốm này. Tuy nhiên, bộ sưu tập quan trọng nhất phải kể tới là của Adam Malik ở Bảo tàng Gốm sứ Jakarta. Còn trên thế giới, 99% những bộ sưu tập gốm Swatow là ở các bảo tàng của Princesseh, Leewarden, Hà Lan, tới 240 tiêu bản, chủ yếu là loại hình đĩa.
Nguồn gốc của những bộ sưu tập này là từ những bộ đồ gia truyền, được khai quật trong các mộ cổ, phong phú nhất là từ những con tàu đắm mà con tàu Bình Thuận (Việt Nam) đã nói ở phần đầu bài viết là một ví dụ. Trong cuộc sống thời ấy, chúng được sử dụng làm đồ gia dụng, hay sang trọng hơn là những bộ đồ ăn của các gia đình quý tộc, thậm chí còn được coi là bộ đồ dẫn cưới, hay những món đồ tượng trưng. Không ít trong số chúng được dùng làm đồ tùy táng và điều này cũng đã vấp phải lệnh cấm ngặt của đạo Hồi.
Gốm Swatow còn được tìm thấy ở Nam Phi. Bộ sưu tập độc đáo nhất ở đây là của Van Tilburg, Bảo tàng Mỹ thuật Johannesburg ở Pretoria. Đó được xem là những sản phẩm Swatow đầu tiên trên thế giới. Bộ sưu tập này chủ yếu là những chiếc đĩa lớn. Nguồn gốc của những món đồ gốm ấy chủ yếu được nhập khẩu bởi những người mới định cư, các quan chức. Thông qua hình thức mậu dịch tư nhân, chúng là những món hàng thương phẩm đầu tiên của người Bồ Đào Nha và Hà Lan ở đây.
Nhận dạng
![]() |
Cốt thai của loại hình gốm này có màu ghi, vàng hay trắng đục và khá nhiều tạp chất. Xương gốm rất mỏng, gõ nghe tiếng khi trong khi đục, nước men trắng sắc xanh sần sùi, thậm chí có cả những dòng men chảy. Tuy nhiên, điều thấy rõ nhất là những motif đồ họa tỉ mỉ, đặc trưng ít thấy ở Trung Quốc, gọi là hình rẻ quạt. Motif là một hình hoa ổ ở giữa rồi chia thành sáu hoặc tám phần được vẽ cân đối qua tâm.
Nhìn chung, những chiếc đĩa này rất khác nhau về hình dáng và chất lượng. Một số được vẽ bằng những chất liệu coban tốt, nhưng chủ yếu được trang trí bằng những chất liệu coban tạp chất cho ra màu xám xỉn hoặc xanh xám. Những chiếc đĩa thường bị vênh, vì vậy người ta thường cho đó là đặc điểm “thô kệch” của loại hình này. Nhưng ngày nay, đây lại là đặc điểm rất được yêu thích của đồ gốm Swatow ở Indonesia.
Một đặc trưng tiêu biểu nữa của dòng gốm này là phương thức vẽ khoáng đạt, dân dã, chủ yếu do chất đất để tạo nên cốt thai và cả khu vực tạo lò. Những sản phẩm thường được đặt trong những chiếc bao rải cát dưới đáy để tránh bị dính vào bao khi nung. Nếu xem đồ gốm Swatow là những món đồ không hoàn chỉnh, không tận mỹ, thì những điểm “thô kệch mà phóng khoáng” của nó không những tạo sự khoái cảm cho tinh thần, mà còn là những điểm không thể tái tạo hay chỉnh sửa trong hiện thực.
Ngày nay, rất nhiều người vẫn ưa thích dòng gốm Swatow. Ở Indonesia, bạn có thể kiếm được những tiêu bản, nhưng cũng có khi chỉ là những sản phẩm ở các vùng Pasar Ikan, Jakarta, Banten, phía Tây Jakarta gần Bandung, và được sản xuất từ năm... 1980. Chúng cũng có những chiếc đế dính cát nhưng xem kỹ sẽ thấy những đường nét trang trí khô khan trên những chiếc đĩa. Có lẽ bạn sẽ hài lòng hơn với những chiếc đĩa dưới bàn tay tài hoa của Chu Bá Tước ở Việt Nam. Rõ ràng, đồ gốm Swatow hay Chương Châu đế cát vẫn rất được ưa thích tại Indonesia, Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận