![]() |
Gốm Bát Tràng |
Nhóm chuyên gia tư vấn nước ngoài đã phải làm việc với khoảng 400 doanh nghiệp gốm ở Bát Tràng để tìm ra những nét đặc trưng của các sản phẩm và dịch vụ. Đó là bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ lành nghề, những nước men đặc sắc và đặc biệt là mô hình kinh doanh theo kiểu cộng tác liên kết.
Sau đó, các chuyên gia tiến hành thiết kế một thương hiệu cho toàn bộ những hộ kinh doanh ở địa phương. Đồng thời, lập Trung tâm xúc tiến xuất khẩu gốm sứ Bát Tràng nhằm giới thiệu thương hiệu và các sản phẩm Bát Tràng cũng như cung cấp dịch vụ có chất lượng tới các khách hàng hiện tại và tiềm năng. Một phòng trưng bày sản phẩm quy mô lớn và trang web www.battrang-ceramics.org đã ra đời. Các chuyên gia cũng đã tiến hành làm việc với gần 30 đơn vị kinh doanh, đào tạo họ cách sử dụng thương hiệu này.
Ông Len Cordiner, cố vấn cao cấp Chương trình phát triển kinh tế tư nhân - đơn vị tài trợ cho dự án cho hay, các doanh ngiệp sẽ tham gia một số triển lãm trưng bày có quy mô quốc tế, đưa các sản phẩm mang thương hiệu Bát Tràng tới những cửa hàng bán lẻ cao cấp... Ông hy vọng có thể nhân rộng mô hình này ở các làng nghề của VN.
Một thương hiệu hàng thủ công mỹ nghệ khá thành công khác là đèn lồng Hội An cũng đã được đăng ký dưới hình thức nhãn hiệu tập thể.
Ông Jonny Edbrooke, Giám đốc sáng tạo Công ty tư vấn Dolphin cho rằng, xây dựng thương hiệu địa phương trước tiên phải nằm trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Các doanh nghiệp sản xuất cùng một dòng sản phẩm cần thiết hợp sức lại trong một hiệp hội ngành nghề để khai thác thương hiệu chung (tên địa phương), bên cạnh tên thương hiệu riêng của mỗi doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, có thương hiệu rồi cần liên tục đầu tư cho quảng bá và phát triển nó. Hiện nay, quảng bá thương hiệu thông qua mô hình kết hợp sản phẩm địa phương với du lịch và xuất khẩu tại chỗ đang là một hướng đi được các làng nghề truyền thống nổi tiếng phát huy rất hiệu quả. Ông Len Cordiner cho biết, Bát Tràng sẽ triển khai những chuyến du lịch thăm quan làng nghề với các nhà tổ chức du lịch trong và ngoài nước. Ngay hôm nay, chính quyền địa phương sẽ họp với các nghệ nhân và doanh nghiệp để thống nhất sẽ đặt biển báo, quy hoạch từng khu vực trong làng nghề, nơi đón khách đến thăm quan, nơi nghỉ ngơi thưởng thức người thợ tài hoa thao tác và nơi để mua sản phẩm...
Làng lụa Vạn Phúc (Hà Tây) cũng đang triển khai một số tour như vậy song mới chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, chủ yếu do các nhóm khách quốc tế đề nghị hoặc xuất phát từ ý tưởng của một vài công ty tư nhân.
"Trong chiến lược truyền thông xây dựng thương hiệu địa phương, ngoài những phương tiện truyền thông tốn kém, du lịch cũng là một kênh quảng bá trực tuyến hữu hiệu", ông Jacques Blanchard, chuyên gia thiết kế dự án nâng cao năng lực cạnh tranh VN nhận xét. Ông cho rằng, chính quyền địa phương nên hỗ trợ những chương trình du lịch nhắm đến mục tiêu hỗ trợ quảng bá sản phẩm địa phương, đầu tư và xuất khẩu tại chỗ.
Một hình thức quảng bá thương hiệu khác đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng là mời gọi đầu tư. Trong giai đoạn đầu, cần ưu tiên mời gọi những dự án mang lại lợi ích hỗ trợ cho mở rộng sản xuất sản phẩm địa phương, khai thác thị trường và tiêu thụ sản phẩm. "Ngoài những lợi ích vật chất, khá nhiều nhà đầu tư sẽ bị hấp dẫn bằng những lý do mang yếu tố tình cảm với tính dân tộc, truyền thống...", ông Jacques Blanchard nói.
Ngoài ra, theo các chuyên gia để thương hiệu sống động và hấp dẫn hơn bên cạnh việc khai thác các thế mạnh và tiềm năng sẵn có, địa phương cũng cần có ý tưởng sáng tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận