23/12/2014 09:54 GMT+7

​Giúp các nạn nhân đứng lên sau thảm họa

LAN ANH
LAN ANH

TT - Ðã có hai chuyên gia tâm lý được cử tới Lâm Ðồng hỗ trợ tinh thần cho 12 nạn nhân vụ sập đường hầm thủy điện Ðạ Dâng.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nghề tâm lý điều trị tại VN vẫn đang ở giai đoạn manh nha và hầu hết nạn nhân phải đơn độc vượt qua sang chấn tâm lý sau thảm họa.

Một nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng được đưa ra ngoài - Ảnh: Mai Vinh

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, rất may là đồng nghiệp, người thân đã nối được liên lạc với nhóm công nhân sớm sau khi hầm thủy điện bị sập. Việc cả nhóm công nhân được cứu sống, được chăm sóc đặc biệt về tinh thần và dinh dưỡng, sức khỏe sau 82 giờ tuyệt vọng đã giúp họ vượt qua stress sau sang chấn.

Trống dịch vụ hỗ trợ tâm lý sau thảm họa

Cách đây sáu năm, chồng chị N.T.H. (42 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội) tự tử ở tuổi 40. Ðối với hàng xóm và đồng nghiệp, gia đình anh chị vào loại “đẹp”: hai con đủ cả nếp lẫn tẻ, kinh tế khá giả, chị vào loại đẹp gái còn anh vốn có tài, có địa vị.

Thế nhưng ở tuổi 40 khi mọi thứ đầy đủ, anh mắc chứng trầm cảm, điều trị kiểu gì cũng không dứt bệnh và một ngày hè 2008 anh đột ngột tự tử ngay trong phòng ngủ gia đình.

Sau khi chồng mất, chị H. cũng mắc căn bệnh giống như chồng là hoảng loạn về đêm, khó ngủ rồi mất ngủ triền miên. Các bác sĩ kết luận chị bị stress sau sang chấn mất chồng, chứng bệnh khó trị, cuối cùng khiến chị và hai con phải dọn ra khỏi ngôi nhà kỷ niệm, chuyển đến một nơi ở mới, khởi đầu một cuộc sống mới.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, trường hợp như chị H. đã gặp sang chấn do mất người thân, nhưng người mất nhà cửa, mất việc làm, bị chấn thương trầm trọng hoặc gặp thảm họa như lũ lụt, sập hầm, cháy nổ... cũng rất cần có dịch vụ hỗ trợ tâm lý.

“Trường hợp ở Hà Tĩnh có gia đình ba cháu bé mất cả cha mẹ sau lũ lụt thì cần có chuyên gia tâm lý đến hỗ trợ các cháu vượt qua sang chấn, lúc đó các cháu là nạn nhân bị stress và cần chăm sóc. Nhiều trường hợp ngư dân là lao động chính trong gia đình nay tử vong trên biển, gặp cướp biển thì những người thân cũng bị sang chấn do mất phương hướng về kế sinh nhai sau này. Lúc này cần các tổ chức xã hội và chuyên gia tâm lý hỗ trợ họ về sinh kế và tinh thần để vượt qua sang chấn” - bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Theo ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, toàn bộ 12 nạn nhân vụ sập hầm vừa qua đều được cứu sống, không ai bị thương nặng và tất cả đều nhận được sự chăm sóc, quan tâm của cộng đồng nên không ai suy sụp.

“Năm 2008 khi chúng tôi đến cứu hộ nạn nhân bão Nargis ở Myanmar, người dân ở đó đã tuyệt vọng vì xác người thân chết trắng đồng, họ mất hết tài sản và lương thực, khi chúng tôi mắc màn dã chiến ngủ có cả rắn bò vào trong màn. Nhiều nạn nhân khi đó đã có các dấu hiệu hoảng loạn về tinh thần, có hành vi lệch lạc, buồn rầu, hay la hét về đêm, khó ngủ hoặc mất ngủ, lúc đó rất cần bác sĩ tâm lý hỗ trợ. Ở nước mình bác sĩ tâm lý chưa có nhiều” - ông Khuê cho biết.

Cần “tâm lý điều trị”

Theo bác sĩ Dương Ðức Hùng - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, không chỉ sau sang chấn hay thảm họa mới cần bác sĩ tâm lý, mà ngay giới trẻ hiện nay cũng rất cần được hỗ trợ để vượt qua giây phút bồng bột.

Ông Hùng đưa ví dụ về câu chuyện đau lòng mới đây là có hai nữ sinh ở Lâm Ðồng tự tử và có thông tin lý do các em tự tử liên quan đến tình cảm. Thậm chí có em chỉ vì cha mẹ mắng, cô giáo nhắc nhở, bạn bè cô lập hay chê cười, thậm chí viết status trêu chọc trên Facebook là đã tự tử.

“Khi World Cup 2014 kết thúc, có thông tin một số đội tuyển và ngôi sao thất bại đã phải thuê bác sĩ tâm lý. Cái đó gọi là tâm lý điều trị và ở VN mới bắt đầu có dịch vụ này nhưng vẫn còn rất manh nha. Nếu có bác sĩ hoặc chuyên gia hỗ trợ, người có stress trong cuộc sống, có xáo trộn hay mất mát sẽ ổn định tinh thần và vượt qua sang chấn, không hành động bồng bột, bột phát” - ông Hùng cho biết.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, tháng 10 vừa qua Bộ Y tế đã tổ chức một hội thảo khoa học nhằm tiến tới triển khai rộng rãi hơn dịch vụ “tâm lý điều trị” ở VN. Ông Khuê cho rằng các bác sĩ chuyên khoa về sức khỏe tâm thần, chuyên gia tâm lý hoàn toàn có thể tham gia dịch vụ này, và do đời sống ngày càng nhiều áp lực, cộng với thiên tai, thảm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nên stress rất dễ xuất hiện.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ VN đang rất thiếu bác sĩ chuyên khoa sức khỏe tâm thần, và số bác sĩ đã có phục vụ điều trị cho bệnh nhân bị các bệnh lý về sức khỏe tâm thần vẫn còn chưa đủ.

“Nếu mở rộng được dịch vụ điều trị tâm lý, chúng ta có thể dự phòng ngay từ các trường hợp gặp sang chấn, đang tuyệt vọng vì các xáo trộn trong cuộc sống, tránh cho họ nguy cơ trở thành bệnh nhân tâm thần thì tốt biết bao nhiêu” - ông Khuê nói. 

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên