Trương Thị Thanh Hiền
Phóng to |
Những dòng tự vấn như thế đã giúp cô học trò Trương Thị Thanh Hiền, lớp 11A1 Trường THPT số 2 Phù Mỹ, đoạt giải nhất trong cuộc thi viết cảm nhận sau khi đọc hai cuốn nhật ký chiến tranh của anh Thạc, chị Trâm. Cô bé khá nổi tiếng vì là học sinh duy nhất của ngôi trường này đoạt giải khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi môn văn của tỉnh năm học vừa kết thúc.
Nhà Hiền nằm cuối con đường dẫn vào cái xóm nhỏ ngoằn ngoèo ở thôn Dương Liễu Nam, thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ. Ở đó, ngôi nhà tuy nghèo nhưng đầy tiếng cười của đôi vợ chồng trẻ cùng hai đứa con chăm học. Những trang văn của các tên tuổi lớn nền văn học Liên Xô đã từng ngày nuôi lớn một tình yêu văn học trong Hiền. Nhưng tìm mãi trong nhà cũng chẳng thấy được cuốn sách nào. Hỏi ra mới biết Hi_n toàn “đọc ké” trong thư viện trường hay của bạn bè.
Còn ước mơ trở thành phóng viên? “Đến tình cờ thôi, đọc những bài viết về các tấm gương vượt khó trên báo, em muốn được làm phóng viên, sẽ đi tìm và viết về những nhân vật tương tự như vậy. Em nghĩ đất nước mình còn nhiều người vậy lắm”, Hiền tâm sự. Nói vậy chứ nhà cô bé có khá gì hơn.
Cha làm hồ, mẹ đi ve chai nhưng hôm nào mưa là họ phải ở nhà vì cái mưa miền Trung lay lắt đến cả ngày. Đất rộng mà khô cháy, mỗi năm chỉ trồng được một vụ đậu phộng. Mùa này, cả khu đất rộng quanh nhà đang phải bỏ không vì thiếu nước. Vài dãy khoai mì quanh nhà quắt queo lớn không nổi, cả mấy dãy cỏ nuôi con bò cũng đang chuyển màu vàng vì nắng.
Hiền rất thích câu nói của Karl Marx: “Người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất”. Cái cách mà hai chị em cô bé đang làm, những kết quả học tập cao mà họ giành được cũng đang là cách mang lại hạnh phúc cho người khác, chí ít là với người cha người mẹ tảo tần sớm hôm cho chị em Hiền được đặt những bước chân đến trường.
Võ Văn Hậu
Phóng to |
Người cha phát bệnh tâm thần nặng vì những trận sốt rét rừng sau ngày đi kinh tế mới trở về. 15 năm, người mẹ ấy quần quật với ruộng đồng, làm thuê làm mướn nuôi con khôn lớn...
Ngơi công chuyện, Hậu lại cùng chú ngựa sắt cà tàng của mình vượt dốc mười mấy cây số vô với cha. Có biết bao chuyện để khoe với cha. Chuyện con là một trong 28 bạn học sinh giỏi của lớp chọn của trường, chuyện bạn bè, cả chuyện phụ mẹ làm ruộng nữa... vẫn cứ muốn kể dù biết cha chẳng hiểu được gì. Bởi cha có nói được gì đâu, chỉ có thể trả lời duy nhất được tiếng “Hậu” khi ai đó chỉ vào cậu bé hỏi tên gì. Ừ, thì ít ra cha cũng còn nhớ được cái tên của con trai.
... Mẹ con đắp đổi qua ngày bằng hơn 2 sào lúa ruộng, ăn bữa nay lo bữa mai. Người mẹ nghèo cũng chẳng biết Sài Gòn là cái xứ nào, chỉ nghe con gái nói làm cho công ty may nhà nước, thôi thì cũng tạm yên tâm. Xót xa lắm nhưng cũng vài lần mẹ than: “Chắc con phải nghỉ học chứ má lấy tiền đâu cho con đóng học phí”. Nhưng đời mẹ khổ, đời con chẳng lẽ cũng vậy, lại gom góp chắt chiu, lại nương nhờ sự bảo bọc của thầy cô bè bạn.
Người mẹ đặt tên Hậu cho con trai những mong nó sẽ sống tốt, sống có hậu với mọi người và mơ đời nó cũng có hậu.
Võ Xuân Tùng
Phóng to |
Võ Xuân Tùng nhớ lại: “Lúc đó tôi còn nhỏ, vô tư không biết gì. Bây giờ nghĩ lại càng thấy thương các anh mình. Các anh ấy đã hi sinh cho gia đình, cho tôi rất nhiều. Tôi không biết phải làm gì hơn và chỉ có một con đường duy nhất trước mặt là cố gắng học cho tốt”.
Không chỉ học tốt, Tùng hiện là SV giỏi của lớp 04X3A, năm 2 khoa xây dựng cầu đường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, với điểm tổng kết năm học này là 8,23. Tùng cũng là lớp phó phụ trách học tập. Tùng là người tổ chức nhiều hoạt động cho SV của khoa. Ngay từ thời học cấp III Tùng đã lập ra nhiều cuộc thi giúp bạn bè trong lớp ôn tập. Tùng tập hợp câu hỏi, mời các thầy cô làm giám khảo và giúp bạn bè tổng hợp kiến thức hiệu quả nhất trước mùa thi...
Võ Thị Xuyến
Phóng to |
Thích khám phá thiên nhiên, các hiện tượng động đất, núi lửa... nên Xuyến vào sư phạm địa lý. “Tôi là người năng động, học kiến thức chắc và biết sắp xếp thời gian” - Xuyến cười khi được hỏi về khả năng của mình.
Đang học khối C nhưng Xuyến vẫn đi dạy kèm toán, lý, hóa. Buổi sáng học đến 12 giờ, chiều tự học, rồi đi dạy kèm, học vi tính, Anh văn. Vậy mà Xuyến vẫn có thời gian chơi bóng đá, bóng chuyền. Và Xuyến vẫn học giỏi.
Huỳnh Nguyên Dạ Quyên
Phóng to |
Dạ Quyên là con đầu trong ba chị em của một gia đình nông dân nghèo ở Tiên Hiệp, Tiên Phước, Quảng Nam. Dạ Quyên là SV năm 2 của trường lần đầu tiên được cho phép bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học (chỉ dành cho năm 3 trở lên) với nội dung “Xây dựng mô hình trung tâm phát triển nhân tài ở VN”. Bây giờ cô đang cùng nhóm bạn làm tiếp đề tài “Đánh giá tác động của quá trình đô thị hóa đến thu nhập và việc làm của người dân quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” chuẩn bị bảo vệ ở cấp ĐH Đà Nẵng.
“Sở trường của tôi là khả năng thuyết phục mọi người” - Quyên cười tươi. Trong đề tài trên, khi các bạn khác không lấy được số liệu điều tra, đặc biệt với dân thành thị, thì sau những lần tiếp xúc với Quyên, họ đã đồng ý giúp cô làm đề tài. “Thật sự người nghèo ở đâu cũng nghèo, từ nông dân quê tôi cho đến TP Đà Nẵng và cần được hưởng những chính sách phát triển phù hợp. Sau này tôi sẽ làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách. Tôi hi vọng mình luôn là niềm tin vững chắc của ba mẹ, những người đã dành tất cả đời mình cho con cái”.
250 suất học bổng “Giúp bạn vượt khó” (1 triệu đồng/suất và quà tặng) dành cho SVHS 10 tỉnh thành khu vực miền Trung (Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận). Trong đó, 105 suất dành cho học sinh lớp 11 (học lực từ loại giỏi trở lên), 105 suất dành cho SV năm 2, 40 suất dành cho SV năm 3 tại các trường ĐH Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Thủy sản Nha Trang (học lực từ loại khá trở lên) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, thương tật… và nhiệt tình với các hoạt động phong trào, công tác Đoàn - Hội. Lễ trao học bổng được tổ chức ngày 16 và 17-6-2006 tại TP Tuy Hòa (Phú Yên). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận