![]() |
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thiện Thuần |
* Bác sĩ có thể cho biết những nguyên nhân và biểu hiện rối loạn nhân cách thường gặp trong giới trẻ?
- Bệnh rối loạn nhân cách có thể do bẩm sinh, cũng có thể do mắc phải từ một chấn thương tâm lý. Ba nhóm biểu hiện chính của bệnh:
1.Phạm tội, gây rối xã hội mang triệu chứng của xung đột cảm xúc ngấm ngầm. Loại hành vi thường xảy ra gồm những tội nhẹ như ăn trộm vặt đến các tội nặng như cướp của, đốt phá, giết người… Bản thân người phạm tội thường do thất bại trong nỗ lực học tập, thể thao, giao tiếp nên muốn bù đắp lại bằng các hành vi chống đối xã hội.
2.Nghiện ma túy, rượu. Người tìm đến ma túy, rượu phần lớn là muốn tìm niềm an ủi và sự thanh thản không thể tìm thấy trong các quan hệ với người khác.
3.Trầm nhược và tự sát. Trầm nhược thường xuất hiện sau thất bại liên tiếp vì lý do kỳ vọng quá cao do cha mẹ, thầy cô hay chính bản thân. Cũng có thể là một phản ứng đối với sự mất mát: mất người thân, mất tình yêu hay mất lòng tự trọng (đụng chạm tự ái, mặc cảm)… Người trầm nhược thường buồn rầu, ủ rũ, mất khả năng giao tiếp (thường đi chơi một mình)… Tự sát là hình thái nghiêm trọng của sự bộc phát các tình cảm hung tính và giận dữ đánh vào bản thân, đồng thời trừng phạt những người khác.
* Gia đình, nhà trường, xã hội, bạn bè… cần làm gì để giúp các bạn trẻ thoát khỏi trạng thái rối loạn tâm lý, thưa bác sĩ?
- Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thanh thiếu niên như thành lập các dịch vụ dựa vào cộng đồng (không phải đưa vào trường trại), thiết lập các đường dây điện thoại nóng, cần mở rộng các trung tâm tư vấn tâm lý cho thanh niên, các phòng khám tâm lý miễn phí. Các cơ sở chăm sóc tâm lý tại cộng đồng sẽ giúp những người có rối loạn tâm lý, rối loạn hành vi (chưa đến mức bị bệnh tâm thần phân liệt) được chữa trị tại nhà…
Cha mẹ không nên tạo áp lực, đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái trong học tập cũng như công việc, song cũng không được quá nuông chiều con. Khi thấy bạn trẻ có những biểu hiện khác thường như không thích tiếp xúc, kém linh hoạt, hay giật mình, hoảng sợ đến toát mồ hôi hoặc ngược lại rất bướng bỉnh, cố ý làm trái “mệnh lệnh”, đập phá... cần phải đưa đến bệnh viện chuyên khoa để khám và chữa trị, không được tự mua thuốc về uống (điều này rất nguy hiểm).
Các đoàn thể cũng cần tổ chức thêm nhiều sân chơi lành mạnh, bình đẳng để mọi bạn trẻ đều có thể tham gia (không tạo những khoảng cách chạm đến lòng tự ái). Từ đây có thể sớm phát hiện những người có biểu hiện bệnh để kịp thời tư vấn giúp đỡ.
* Theo bác sĩ, giới trẻ cần làm gì để thoát khỏi những cơn khủng hoảng của chính mình?
- Biết kiềm chế “cái tôi”, cần biết vị trí của mình trong xã hội. Phải biết khả năng của mình đến đâu để làm việc, học tập vừa sức bản thân mình. Phải biết kìm hãm những nhu cầu cá nhân, luôn phấn đấu để tiến bộ nhưng không nên để những ý muốn, ham muốn, hoài bão, mục tiêu phấn đấu trở thành áp lực tâm lý cho chính mình.
Sống lành mạnh, tinh thần làm việc “mình vì mọi người” cũng là một giải pháp tạo hưng phấn. Và khi gặp tình huống khó khăn nên kiểm soát bằng đối chiếu với năng lực của bản thân, tìm đến người thân, bạn bè, thầy cô để được lắng nghe. Các bạn trẻ nên tích cực hòa mình vào tập thể, vui sống với mọi người, tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội là cách tốt nhất để giải quyết stress.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận