Gió xuân thổi có làm hoa mau lìa cành...
Xin giới thiệu đến bạn đọc những chia sẻ của chị Đào Thị Hồ Phương, người vừa đoạt giải I nội dung Haiku bằng tiếng Nhật của cuộc thi sáng tác thơ Haiku Việt - Nhật lần 2 về thơ Haiku, về tác phẩm mà chị dốc lòng sáng tác...
TTO - Với dân tộc Nhật Bản, Haiku được xem như tinh hoa của văn hóa dân tộc. Dưới góc nhìn của Thiền tông, Haiku là thể thơ đặc biệt có thể hàm chứa được thực tại nhiệm mầu trong vỏn vẹn 17 âm tiết, vừa sâu lắng uyên thâm, lại vừa đơn sơ giản dị.
Tác giả Đào Thị Hồ Phương tại lễ trao giải cuộc thi thơ Haiku Việt - Nhật 2009 - Ảnh: Lam Điền |
Nói đến mùa xuân ở Nhật là nói đến hoa anh đào sakura và lễ hội ngắm hoa hanami. Ngoài ra còn có một loại hoa khác cũng hay được đề cập trong thi ca Nhật Bản như là biểu tượng của mùa xuân và sử dụng trong các thể loại như haiku hay renga, đó là kigo (季語: quý ngữ) để chỉ đầu mùa xuân và thường nở từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3, sau đó sẽ nhường chỗ cho “người khổng lồ” sakura.
Đó là hoa mơ (UME).
Nhà thơ Fujiwara no Kinto (996-1075) đã nhận xét về vẻ đẹp của hoa mơ như sau: “Trong hai loại hoa này, có lẽ hoa anh đào tuy đẹp nhưng một khi bạn đã được chiêm ngưỡng những bông mơ đỏ rực trong tuyết trắng vào một buổi bình minh mùa xuân, bạn sẽ không bao giờ có thể quên vẻ đẹp của nó”.
Thời kỳ Nara (710-794), hoa mơ thậm chí được ưa chuộng hơn so với hoa sakura, và hoa anh đào chỉ trở thành phổ biến sau thời kỳ Heian (794-1185).
Hình ảnh hoa UME xuất hiện khá nhiều trong thơ ca, hội họa và chúng được vẽ cùng nhau như là một trong số 12 hoa trong hanafuda (trò chơi bài lá kiểu Nhật).
Mùi hoa mơTrên đường núi sương phủMặt trời lớn đang lên.
Matsuo Basho (1644-1694)
UME ở Nhật Bản màu sắc thường là 3 màu trắng, đỏ, tía và là loại hoa có quả như quả mơ ở miền Bắc Việt Nam. Từ “Ume” ở miền Bắc Việt Nam dùng để chỉ loại quả mơ giống như ở Nhật Bản thì miền Nam thường dùng chỉ hoa mai màu vàng, nở khi tết đến.Thơ ca Việt Nam cũng có nhiều bài đặc sắc miêu tả vẻ đẹp của loài hoa này:
“Nhất sinh đê thủ bái mai hoa…” (Cao Bá Quát)
Thơ Haiku không chỉ hay ở cách sử dụng Kigo - quý ngữ (những từ ngữ thông qua đó giúp người đọc hiểu được biểu tượng mùa), độc đáo ở tính chất Thiền, nghệ thuật tạo khoảng trống - “ý tại ngôn ngoại” (lời ít ý nhiều) để người đọc tự hiểu mà còn hấp dẫn ở chỗ buộc người sáng tác phải chọn lựa thật kỹ từ ngữ sử dụng.
Trong bài thơ của mình, sau khi chọn hoa UME như là biểu tượng của mùa xuân vì hoa UME xuất hiện ở cả Việt Nam lẫn Nhật Bản, phần buộc tôi phải suy nghĩ tiếp theo là miêu tả hoa UME trong trạng thái nào: đang nở, sắp nở hay sắp tàn?
Mỗi trạng thái đều có vẻ đẹp riêng của nó nhưng cuối cùng tôi chọn cành UME trong trạng thái "Hohoemi hajime” - nghĩa gốc là “mỉm cười” để chỉ trạng thái vừa chớm nở của hoa UME…Hoa sắp tàn tạo cho người đọc một cảm giác hơi buồn, tiếc nuối… Hoa đang nở không tạo cảm giác tò mò, chờ đợi, mong ngóng lẫn lo lắng nơi người ngắm hoa…
Chỉ khi nhìn những bông hoa UME đang chớm nở mới tạo cho người xem lẫn người đọc cảm giác ấy: liệu bao giờ hoa sẽ nở toàn vẹn, hoa nở sẽ nở mấy cánh… nở bao lâu? Những cơn gió xuân thổi kia liệu có thổi mạnh quá làm cho hoa mau rụng?
Và bài thơ xuất hiện như thế…
UME NO HANA Một cành mơHOHOEMI HAJIME Vừa chớm nởHARU NO KAZE Gió xuân thổi
Trên con đường sâu thẳm của thế giới Haiku nói chung và sự yêu thích về loài hoa UME, thơ ca Nhật Bản và Việt Nam không hẹn mà gặp trong nguồn cảm hứng sáng tác chung về tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp để rồi cùng lắng đọng và phản chiếu những sắc màu đa dạng, độc đáo riêng thể hiện bản sắc văn hóa của mỗi nước.
Tham dự cuộc thi sáng tác Haiku này là cơ hội để chúng tôi - những người yêu thích thơ Haiku, văn học, văn hóa Nhật có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, đồng thời tự xem xét lại khả năng của mình… hay đơn giản chỉ là phút thư giãn để xả stress... tạm quên đi những bận rộn, lo toan hằng ngày…
Mong rằng sẽ có nhiểu những “sân chơi” bổ ích như thế này…
ĐÀO THỊ HỒ PHƯƠNG(Giải nhất thơ Haiku tiếng Nhật, cuộc thi thơ Haiku Việt - Nhật 2009)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận