30/03/2006 15:55 GMT+7

Giỗ Tổ Hùng Vương 2006: Văn hóa cổ truyền sẽ được khai thác đậm

Theo Văn hóa
Theo Văn hóa

Giỗ Tổ Hùng Vương 2006 sẽ được tổ chức từ 3 đến 7-4-2006 (6 đến 10-3 Âm lịch) với những nghi lễ cùng nhiều hoạt động phong phú, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, truyền thống của vùng đất Tổ.

2VycAKsx.jpgPhóng to
Lễ rước bánh chưng tại Giỗ Tổ Vua Hùng
Giỗ Tổ Hùng Vương 2006 sẽ được tổ chức từ 3 đến 7-4-2006 (6 đến 10-3 Âm lịch) với những nghi lễ cùng nhiều hoạt động phong phú, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, truyền thống của vùng đất Tổ.

Đây cũng được xem là một điểm nhất trong chương trình du lịch ba tỉnh Phú Thọ - Lào Cai – Yên Bái.

Có nhiều nét mới

Ngay sau khi kết thúc lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2005, Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT) đã chỉ đạo UBND tỉnh Phú Thọ cùng các ban, ngành chức năng trong tỉnh triển khai kế hoạch tổ chức lễ Giỗ Tổ năm 2006.

Phó cục trưởng Cục VH-TT cơ sở (Bộ VH-TT) Đỗ Kim Thịnh cho biết: "Mặc dù 2006 là năm lẻ nhưng lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn phải được tổ chức một cách trang trọng, chu đáo, vui tươi và lành mạnh, có tính giáo dục cao và đảm bảo tương xứng với ý nghĩa lịch sử cũng như quy mô của một Quốc giỗ, đồng thời cố gắng khắc phục những tồn tại đã diễn ra những năm trước đây.

Sau lễ dâng hương của huyện Lâm Thao vào ngày 8-3 âm lịch, sáng ngày 10-3, tỉnh Phú Thọ sẽ trọng thể tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng với sự tham gia của các đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại biểu các cơ quan trung ương, địa phương cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân.

So với năm 2005, Giỗ Tổ Hùng Vương 2006 có một số điểm mới, khu di tích lịch sử Đền Hùng tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện với nhiều công trình, hạng mục được chỉnh trang và xây mới. Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng đã sớm quan tâm đến việc quy hoạch lại các vị trí và dịch vụ hàng quán nhằm đảm bảo trật tự và ý nghĩa văn hoá, giá trị linh thiêng của lễ hội.

Các yếu tố thuộc nghi thức lễ, bao gồm: trang phục, nhạc lễ, nghi thức lễ phẩm, lễ vật, tiến trình lễ... qua mỗi năm đều được bổ sung và nâng tầm trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những năm trước. Bộ lễ phục được sử dụng trong Giỗ Tổ Hùng Vương từ năm 2000 đến nay đã trở thành mẫu lễ phục khá hoàn chỉnh.

Một nét mới của lễ Giỗ Tổ năm nay đang tạo nhiều sự quan tâm từ công chúng là việc chỉnh sửa phần nhạc trong lễ dâng hương.

Trao đổi với chúng tôi sau khi nghiệm thu phần chỉnh sửa, bà Đỗ Kim Thịnh cho biết: "Năm 2005, lần đầu tiên Giỗ Tổ Hùng Vương sử dụng nhạc lễ và đã được dư luận rất hoan nghênh. Tuy nhiên, với phần nhạc dâng hương kéo dài hai phút, cũng theo đánh giá từ công chúng và nhiều nhạc sĩ có kinh nghiệm, vẫn còn hạn chế bởi tính trầm lắng và chất linh thiêng chưa được thể hiện một cách rõ nét.

Vì vậy, Bộ VH-TT đã chỉ đạo Cục VH-TT cơ sở tổ chức một Hội đồng tiến hành chỉnh sửa phần nhạc này. Tại buổi nghiệm thu, phần nhạc chỉnh sửa được đánh giá là đã thể hiện được tính trang nghiêm, tôn kính, trầm lắng và phù hợp với không khí trang trọng mở đầu lễ hội.

Đặc biệt là việc thuần tuý sử dụng những nhạc cụ dân tộc như chuông, đàn bầu, đàn tranh, kèn... đã mang lại hiệu quả khá cao. Sắp tới, phần nhạc chỉnh sửa sẽ được trình lãnh đạo Bộ để đưa vào thực hiện trong lễ Giỗ Tổ 2006...".

Đậm đặc những giá trị văn hoá truyền thống vùng đất Tổ

Đến Phú Thọ trong những ngày này mới thấy không khí chuẩn bị cho lễ Giỗ Tổ đang rất khẩn trương. Tìm tòi những vốn văn hoá cổ truyền, những giá trị linh thiêng tiềm ẩn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc, các trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống... là hướng đi mà bắt đầu từ năm nay sẽ được tỉnh Phú Thọ tập trung khai thác và đưa vào lễ hội Đền Hùng với mật độ đậm đặc hơn so với nhiều năm trước...

Được biết, Sở VH-TT Phú Thọ đang xây dựng một đề án mang tính xâu chuỗi các lễ hội cổ truyền của các địa phương xung quanh khu vực đền Hùng.

Dự kiến từ năm 2007, đề án này sẽ được thực hiện trong lễ hội Đền Hùng với mục đích tạo nên một bức tranh tổng thể những hoạt động văn hoá đặc sắc, mang đậm dấu ấn vùng đất Tổ.

Theo bà Đỗ Kim Thịnh: "Hướng đi này của tỉnh Phú Thọ là phù hợp với chủ trương chỉ đạo của Bộ VH-TT đối với việc gìn giữ bản sắc văn hoá các vùng, miền thông qua các hoạt động lễ hội. Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, thành kính, phần hội cũng sẽ diễn ra với nhiều hoạt động phong phú và những tìm tòi, cách thức thể hiện mới mẻ...".

Tại Khu di tích Đền Hùng sẽ tổ chức công diễn những tiết mục đặc sắc trong liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh Phú Thọ. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động mang đậm màu sắc dân gian như đánh trống đồng, đâm đống, múa lân (tại đồi Công Quán), hát xoan, hát ghẹo (trên hồ Gò Cong), hội thi bơi chải trên sông Lô (địa phận phường Bạch Hạc), thi làm bánh chưng, giã bánh dày (xã Minh Nông và phường Dữu Lâu), hội trại văn hoá...

21g ngày 6-4-2006 (tức ngày 9-3 âm lịch) tại thị trấn Lâm Thao và TP Việt Trì sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp.

Mặc dù công tác chuẩn bị được chú trọng từ rất sớm nhưng việc tổ chức lễ hội Đền Hùng vẫn còn không ít vấn đề nan giải đã tồn tại nhiều năm nay.

Tình trạng du khách trẩy hội quá đông đã ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề vệ sinh môi trường, các dãy hàng quán dù đã được quy hoạch nhưng vẫn còn lộn xộn.:.

Trước những vấn đề này, Cục VH-TT cơ sở vừa qua đã đề xuất với lãnh đạo Bộ VH-TT về việc chấn chỉnh công tác chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội năm 2006 trên tinh thần đề cao vai trò của UBND tỉnh, thành phố cùng các Sở, ban ngành, Bạn quản lý di tích và BTC lễ hội...

Ngoài ra, bà Đỗ Kim Thịnh còn nhấn mạnh đến vấn đề không thể buông lỏng sự quản lý của chính quyền đối với việc khoán thu từ lễ hội, vì đây có thể là kẽ hở cho sự xuất hiện của những tiêu cực - nguy cơ làm xói mòn những giá trị truyền thống và bản sắc đích thực của lễ hội...

Theo Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên