07/04/2010 10:25 GMT+7

Giáo viên phương Tây lo ngại về "quyền lực học sinh"

PHAN ANH (Theo Daily Mail)
PHAN ANH (Theo Daily Mail)

TTO - Quyền tự do lên tiếng về cách thức dạy học đang bị học sinh - sinh viên phương Tây lạm dụng, khiến nhiều thầy cô giáo muốn bỏ trường.

2omTDwBa.jpgPhóng to
Điều quan trọng nhất của giáo dục là thầy và trò thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau - Ảnh minh họa: Cleverland.

Các giáo viên thuộc liên đoàn giáo dục lớn nhất nước Anh, NASUWT, vừa lấy ý kiến trên diện rộng về cách ứng xử của những học sinh mà họ đang dạy dỗ. Họ cho rằng chính sách của ngành đang cho học sinh quá nhiều quyền lực. Student Voice (Tiếng nói học sinh) là một chủ trương cho phép người học có thể phản hồi về cách dạy-học nhưng nhiều học sinh cho đó là một thứ quyền có thể sử dụng bất kỳ lúc nào, ngay cả khi họ chưa suy nghĩ thấu đáo.

“Giờ đây các em có ý thích đi mách lẻo và nói những lời không công bằng về các giáo viên đứng lớp”, một cô giáo bày tỏ. “Ở độ tuổi này, học sinh có những nhận xét chưa chín chắn nhưng nhà trường lại coi đó là ý kiến nghiêm túc”.

Một giáo viên được đề nghị hát bài hát yêu thích nhưng cô từ chối và kết cục là cô bị đuổi việc. Một giáo viên khác không được đứng lớp chỉ vì có một học sinh nói cô dạy tồi. Trường hợp khác bị bọn trẻ vặn vẹo rằng cô có thể gây ấn tượng với ban giám khảo cuộc thi Britain’s Got Talent (Tài năng nước Anh) trên truyền hình ITV hay không.

Điều đó có nghĩa là trẻ em đang ở một vị trí “ông chủ” trong khi chưa có nhận thức đầy đủ về lễ nghĩa và cách ứng xử trong cuộc sống.

Bản thân chủ trương Student Voice không cho phép học sinh lạm dụng quyền phát ngôn mà các vấn đề nằm ở việc triển khai chính sách đó. Học sinh chỉ có thể tham gia phát triển bài học bằng cách phản hồi tích cực đối với phương pháp dạy của giáo viên theo một cách thức nhất định.

Nhưng trong quá trình thực hiện, người ta có xu hướng giả định giáo viên là đối tượng để cho học sinh đánh giá với tư cách như một người lớn chịu trách nhiệm với việc học tập của mình.

Chris Keates, tổng thư ký của NASUWT, cho rằng trẻ em không phải là người lớn và việc đối xử với trẻ em như vậy sẽ tước đi các phẩm giá nghề nghiệp của người giáo viên.

Nhiều người phải tham dự buổi phỏng vấn xin việc trước mặt rất nhiều học sinh và phải nghĩ ra nhiều cách “lấy lòng” những “ông chủ nhỏ” này. Ví dụ họ phải mang theo vô số bóng bay, giày trượt tuyết, đàn ca sáo nhị để gây ấn tượng với học sinh. Thậm chí một giáo viên còn phát điện thoại iPhone cho học sinh để các em có thể nhanh chóng gửi phản hồi về cho thầy.

Trong nhiều năm qua, chủ trương “lấy học sinh làm trung tâm” đã tạo ra những khía cạnh phản giáo dục như trẻ em coi những thứ có sẵn trong đầu mình còn quan trọng hơn, giá trị hơn những điều thầy cô dạy dỗ. Kết quả là khi không thể làm chủ những kiến thức cơ bản, ngày càng nhiều trẻ em bỏ học và không nghe lời người lớn.

Một điểm quan trọng khác nữa là học sinh phải quản lý việc học của mình, tự tìm thông tin, tự do đưa ra ý kiến. Do đề cao ý kiến cá nhân của người học, dường như giáo viên không có cái đích nào để dạy mà chỉ như người đưa ra chủ đề để học sinh thảo luận.

Rất nhiều người nhận ra giá trị của phương pháp “lấy học sinh làm trung tâm” bởi nó kích thích được sự sáng tạo và chủ động của các em. Nhưng khi học sinh chưa có nền tảng vững chắc, các giáo viên cần phải có quyền thể hiện vai trò dẫn đường để trẻ em không bị lạc lối.

PHAN ANH (Theo Daily Mail)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên