Giao thừa với người Sài Gòn
![]() |
Ảnh: T.T.D |
Rời Sài Gòn vì muôn vàn lý do của thời bao cấp, nhưng nó vẫn trở về đều đặn, khi có dịp, rủng rỉnh, hoặc khi không chịu nổi sức ép nơi xứ người. Nó bảo: "Tớ nhớ Sài Gòn như nhớ người yêu! Không thể xa lâu được!".
Nó đón tôi ở khoảng sân thượng, trước căn phòng bé tí, với bình rượu "Minh Mạng thang" và đĩa khô mực. Nó hét vang: "Sài Gòn đúng là... tả pí lù, là mảnh đất cưu mang, là người mẹ mở rộng vòng tay đón mọi đứa con lầm lạc trở về! Sài Gòn dung nạp đủ mọi chính kiến, màu da, tôn giáo, dung nạp từ người thợ đụng cho đến bậc đại trí thức, học giả. Đạo Hồi chung sống với Phật giáo và Công giáo một cách hòa bình, người ba miền tụ hội, rồi người châu Âu, châu Mỹ, châu Phi... vẫn dung nạp tuốt.
Đây là mảnh đất của Phật Thích Ca, của Đấng Cứu thế. Mảnh đất của nền văn hóa nhân loại. Ở đây không có chuyện cực đoan, nó có cả nhân ái, hào hiệp và lừa đảo, xảo trá. Có tất bật kiếm sống và cả nhẹ nhàng, lãng mạn". Tôi yên lặng ngồi nghe nó nói tiếp: "Sài Gòn có mưa và nắng với đủ loại kiểu. Mưa rào, mưa phùn, mưa dầm, mưa lay phay, lất phất. Nắng hây hây, nắng nhẹ, nắng đọng, nắng nhạt nhòa và cả nắng gay gắt".
Mỗi lần về lại Sài Gòn, nó có một nhận xét và chỉ chờ tôi đến thổ lộ. Nó chiêu một ngụm và bắt đầu cao giọng: "Người Sài Gòn không phân biệt "người Sài Gòn gốc" như người Hà Nội thường tự hào "Hà Nội gốc". Dù là ở đâu khi đến mảnh đất này, con người đó cũng dần dần trở thành người Sài Gòn. Cậu thấy mấy thằng Tây ăn bún mắm, mấy thằng Tàu ăn phở, hay mấy tay Hàn Quốc ăn thịt chó kiểu Sài Gòn chưa?
Đủ loại thực phẩm trên cả nước và cả thế giới đều có mặt, tụ lại trên mảnh đất này được "Sài Gòn hóa"! Có nhiều thằng Tây qua đây bảo rằng phải ra Hà Nội hay Huế mới hiểu được Việt Nam, còn Sài Gòn không là gì cả, bởi Sài Gòn thiếu những con đường rợp bóng cây xanh, thiếu vỉa hè rộng nhàn tản, thiếu mặt hồ thông thoáng, thiếu những khoảng không tĩnh lặng...
Tớ đã dẫn tụi nó đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đường Hàn Thuyên với cây xanh bóng mát, góc Nguyễn Du cà phê tươi đắng lưỡi, đường Đồng Khởi giống một góc Paris, vườn Tao Đàn thấp thoáng đôi lứa yêu nhau, nhà thờ Đức Bà tuyệt đẹp giữa trục đường Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch với phố cà phê. Đó là những góc lặng của thành phố. Với vô vàn cửa hiệu đủ loại sang, hèn và cả cũ kỹ nhưng kiêu kỳ, những nơi chuyên bán đĩa classic, đĩa jazz, máy nhạc từ thời xưa cũ.
Hay tiệm sách xưa với bà chủ đeo kính lão thờ ơ không muốn bán... Sài Gòn có những con hẻm nhỏ, sang trọng với biệt thự kín cổng cao tường, nhưng cũng có những con hẻm ngoằn ngoèo chứa hàng vạn mảnh đời phiêu bạt. Những quán cóc với xị rượu đế song hành cùng những nhà hàng bóng lộn, rượu bia tràn đầy".
Nó tổng kết Sài Gòn với điều tưởng chừng như đơn giản ấy lại sống động và thật có hồn. Đi xa và quay về. Đi vừa đủ lâu để nhớ và quay về đủ lâu để thấy cái bụi bặm!
Nó lại khoác tay và thì thầm: "Tớ tiếc cho sự ngụy biện của các nhà quản lý qui hoạch, họ phá hơi nhiều nhưng xây lại chỉ toàn những cao ốc nhôm - kính vô cảm. Sài Gòn cần giữ lại cái hồn xưa còn sót lại, cái hồn của 300 năm giao thoa của Pháp Việt - Hoa Việt - Ấn Việt và cả thế giới Việt. Những khoảng không gian hòa hợp với thiên nhiên, với triết lý Á Đông là mỗi cá nhân là tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ. Cái tôi chủ thể với bản thể vũ trụ huyền bí. Cái công trình nhỏ hòa quyện vào thiên nhiên, hơn là công trình đồ sộ lấn át cả thiên nhiên. Họ cứ muốn biến Sài Gòn thành Singapore hay Thượng Hải, New York, muốn Sài Gòn trở thành siêu đô thị với vô vàn những điều ách tắc kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm...".
Hai thằng im lặng, nhìn bầu trời tối đen và bên dưới là vô vàn những mái nhà, những con hẻm, con đường nho nhỏ. Nó yêu Sài Gòn theo cách của nó, cố bám vào những kỷ niệm bằng không gian, bằng kiến trúc, bằng những vỉa hè êm ả.
Đêm tha hương trở mình nghe gióCứa ngang lòng tiếng trúc tre xưa...
Tôi giật mình, bởi hai câu thơ nghe não lòng và tâm trạng. Nó bảo nhà thơ Mường Mán đã viết tặng nó trong một đêm say bét nhè ở quán Ruốc nằm tít trong hẻm.
Nửa đời người chạy theo những điều không thật, nó vẫn còn đó con tim lãng đãng, nét phong trần và hào hiệp, phóng khoáng. Nó không có gốc của miền nào, nó là người Sài Gòn bởi lăn lộn đi đâu rồi cũng về lại mảnh đất bao dung này. Nó bảo Sài Gòn cho nó nhiều thứ, nhưng cũng quật nó những lằn roi hằn đỏ.
Không gian này và thời khắc này là của nó mà dường như cái lấp lánh của ngôn từ cũng không thể nào giải thích được. Nó bảo: "Thời khắc và cả không gian đón năm mới là một điều gì đó rất đỗi yên bình của tớ. Nó chẳng phải là quê hương sơ thủy, cố quận hay một dinh cơ nào, cũng đừng khoác cho nó một ý nghĩ hay một tư tưởng nào. Con người đã từng đau khổ, đổ máu, lầm than bởi vô vàn những ý tưởng phù phiếm và rỗng không quá nhiều rồi!".
Thành phố bắt đầu hiện ra lờ mờ, bóng đêm đang lùi dần, ngày mới và năm mới lại bắt đầu, vòng quay của thời gian vẫn tiếp tục nhịp điệu, thằng bạn tôi đang chìm vào giấc ngủ. Tôi lặng lẽ trở về, ánh nắng thấp thoáng, sông Sài Gòn ánh lên màu bạc, với những con tàu trôi, vẫn trôi...
NGUYỄN NGỌC DŨNG
Áo Trắng số 17 (ra ngày 15-01-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận