Nếu coi đây là phương pháp phối hợp đồng bộ, thường xuyên giữa gia đình và nhà trường nhằm tăng cường giáo dục học sinh với mục đích cao cả là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hạn chế, ngăn ngừa những sai phạm, thói hư tật xấu, giúp các em trở thành con ngoan, trò giỏi thì đó là điều thật đáng hoan nghênh.
Tiếc thay, không ít trường, lớp lại sử dụng biện pháp này như một hình phạt và bắt buộc phụ huynh ký tên làm bằng chứng về sự hư hỏng của con em, tạo sự ràng buộc trách nhiệm gia đình, gây nên tâm lý căng thẳng không đáng có mỗi lần các em thiếu sót.
Chính vì thế, nhiều bậc cha mẹ đã trút hết tức giận vào đầu con cái, chì chiết, so sánh với người này, người nọ, rồi hăm dọa, đánh đập, xua đuổi, dồn các em vào ngõ cụt. Đã có trường hợp trước áp lực nặng nề của thầy cô giáo, của cha mẹ nên các em bỏ học, đi lang thang, tìm đến rượu chè, quán xá để chạy trốn học hành...
Cho con em đến trường là gửi gắm tất cả ở thầy cô giáo, bằng kiến thức, tình thương và trách nhiệm, thay phụ huynh giáo dục, rèn luyện uốn nắn các em nên người, đành rằng mối liên hệ gắn bó với gia đình là không thể thiếu.
Thời chúng tôi học phổ thông những năm 1975 về trước ở miền Bắc, việc “áp chế” học sinh như thế không bao giờ xảy ra. Học sinh nào có khuyết điểm, thầy cô giáo chủ nhiệm gần gũi giúp đỡ, thông qua nhiều hình thức như sắp xếp cùng tổ học tập với bạn chăm ngoan, động viên an ủi vượt qua mặc cảm yếu kém vươn lên trung bình.
Nhiều thầy cô chẳng quản đường sá xa xôi tìm đến tận nhà học sinh cá biệt tìm hiểu hoàn cảnh, bàn bạc chân tình với phụ huynh, và bằng tình thương của người thầy, người cha đưa các em về lại quĩ đạo của tuổi học trò...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận