26/09/2009 05:24 GMT+7

Giang hồ tuổi teen - Kỳ 4: Chênh vênh lối về

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn

TT - Sau những tháng ngày thả rệu đời mình, phải sống dở chết dở giữa chốn giang hồ, không ít giang hồ nhí đã rũ bỏ mọi thứ để tìm lại con đường xưa. Nhưng lối xưa ấy không hề đơn giản cho những bước chân vốn dĩ đã lạc lối, bởi ngoài sự bủa vây của bóng tối, họ còn vấp phải chướng ngại của chính gia đình, nhà trường và xã hội khắt khe.

Giang hồ tuổi teen - Kỳ 4: Chênh vênh lối về

ImageView.aspx?ThumbnailID=363697
Khi ân hận về những gì đã qua thì không ít giang hồ tuổi teen đã mặc áo tù - Ảnh: CTV
TT - Sau những tháng ngày thả rệu đời mình, phải sống dở chết dở giữa chốn giang hồ, không ít giang hồ nhí đã rũ bỏ mọi thứ để tìm lại con đường xưa. Nhưng lối xưa ấy không hề đơn giản cho những bước chân vốn dĩ đã lạc lối, bởi ngoài sự bủa vây của bóng tối, họ còn vấp phải chướng ngại của chính gia đình, nhà trường và xã hội khắt khe.

>> Kỳ 1:Giang hồ tuổi teen >> Kỳ 2: Đêm đi hoang>> Kỳ 3: Sát thủ vị thành niên

Em cần một điểm tựa!

Ngồi tựa lưng nhai bánh mì lót dạ dưới tán cây công viên 23-9 (TP.HCM), bên thùng đánh giày cũ kỹ, Quang “inox” đưa tay chùi nước mắt khi nhớ lại quá khứ đời mình. Quang sinh năm 1993, quê ở Củ Chi. Nhà nghèo khó, cha mẹ phải bỏ quê thuê nhà trọ mưu sinh từ quận này sang quận khác để lo lắng cho đứa con trai duy nhất học hành. Từ nhỏ Quang rất ngoan, từng làm đội trưởng sinh hoạt hè khu phố.

Nhưng rồi, khi lên cấp II, Quang lao theo lối sống giang hồ của một nhóm đầu gấu ở trường. “Tội nghiệp cha mẹ vừa làm thuê, vừa phải lên xuống trường, gặp công an phường vì những lần đâm chém của con. Thế mà em không biết thương, còn chửi lại và tuyên bố nghỉ học để đi bụi khi bắt đầu bước vào lớp 8” - Quang hối hận nhớ lại. Sau lần đó, Quang cùng nhóm bạn thường tìm đến các bãi đất hoang để sống bằng nghề cướp giật, hút chích, chém người...

"Các trường học không được phép vội vã hay chầm chậm đẩy trẻ em ra khỏi môi trường học đường vì trường học là nơi giáo dục trẻ em thành người chứ không phải là nơi nuôi dưỡng những học sinh ngoan. Nếu đẩy đứa trẻ ra khỏi môi trường học đường thì đứa trẻ sẽ đi đâu và về đâu? Không cho phép nhà trường tạo ra những phế phẩm mà tất cả những đứa trẻ đều được nhà trường đón nhận và giáo dục"

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn

Trong câu chuyện trượt dài của đời mình, Quang “inox” đã chứng kiến bao nhiêu tai nạn. Sau hai năm đi bụi, trong một lần quyết đấu sinh tử Quang đã bị nhóm “Nicolai” đánh chấn thương, ngất lịm, ai đó đã mang Quang về quẳng trước cửa nhà. Được gia đình vay tiền chữa trị nên Quang vẫn sống dù nửa người cứ teo tóp, run run.

Quang xúc động: “Sau vụ này em quyết định làm lại từ đầu để phụ giúp cha mẹ và em trai mới sinh, nhưng khó quá”. Những dòng nước mắt tiếp tục lăn dài trên má, Quang buồn bã kể: “Em biết mình có lỗi nên cố gắng làm một điều gì đó. Nhưng khổ lắm, suốt ngày cha mẹ cứ chửi em là đồ ăn hại! Đói quá, ra tiệm mua ổ bánh mì, người ta làm ngơ không muốn bán. Em trai bị té gãy chân thì cha bảo em bẻ gãy. Buồn quá, ghé sang nhà cô chú thăm đứa cháu thì họ bảo đừng lại gần và đừng bao giờ hôn nó! Đến lúc ăn cơm họ cũng chẳng thèm mời. Đâu ai biết em phải vật vã lắm mới quên được những mũi chích, khói bồ đà và lời mời gọi của những người bạn cũ. Em cần một điểm tựa nhưng chẳng ai chìa tay ra với em cả”.

Quang chỉ tay về phía một đứa bạn đánh giày khác tên Thanh và kể câu chuyện “éo le” về đứa bạn này: “Trước đây nó quậy lắm nhưng nay đã “gác kiếm” rồi. Tuy nó đã giã từ giang hồ nhưng hễ mỗi khi có trộm cướp hay đánh nhau ở trường là ban giám hiệu lại lôi nó ra để “tìm hiểu” hoặc “phối hợp” với công an để điều tra. Mà trường nó thì trộm cắp, đánh nhau như cơm bữa, nên một tuần nó bị gọi lên 2-3 lần. Không chỉ ở trường mà ở nhà cũng chẳng ai tin nó cả.

Nó kể rằng khi nhà bị trộm mất chiếc xe máy, thay vì gọi công an phường báo cáo, cha mẹ nó lại quát mắng: “Mày lại kẹt chuyện gì? Nhà chỉ còn chiếc xe cho cha mẹ làm ăn, sao mày tàn ác dữ vậy?”. Nó ôm mặt khóc và rú xe chạy ào ra hẻm, vô tình quẹt phải một sinh viên chạy xe đạp. Anh sinh viên đòi tiền bồi thường vì xe bị hỏng. Nó bảo không tiền rồi chở anh sinh viên và xe đạp lên tận đường Lê Hồng Phong, quận 10 như để chuộc lỗi. Đến nơi anh này dứt khoát gọi bạn bè ra đập một trận và bắt nó điện thoại cho người thân mang đến 200.000 đồng nộp phạt. Nó khùng lên, tụ tập đám bạn cũ kéo đến đánh chém. Hậu quả là bị công an bắt, trường đuổi học và bây giờ ra đường đánh giày mưu sinh”.

“Phải biết đứng dậy!”

Ngoài chuyện chết do bị thanh toán, sốc thuốc, tù tội..., một số giang hồ nhí còn chọn tự tử như một cách để tự giải thoát bế tắc. Gần đây giới giang hồ nhí cứ bàn tán về cái chết của đại ca Kha “sún”, 15 tuổi, như một “tấm gương” về “khí phách” bụi đời. Chỉ vì thua cuộc trong việc tranh giành địa bàn, bị “Nicolai nữ” xa lánh, Kha “sún” đã đâm ra đường cho xe tải cán chết.

Quang “inox” tâm sự: “Khi gặp phải vướng mắc nhỏ trong cuộc sống, tụi em thường nghĩ ngay đến cái chết để quên đi sự đời. Chủ yếu là do tình yêu tan vỡ, cha mẹ giam lỏng, xấu hổ với bạn bè”. Bản thân Quang cũng đã từng uống thuốc để kết liễu đời mình khi gia đình ruồng bỏ, nhưng rồi nghĩ lại, Quang nói: “Có gia đình, có mẹ cha, có em út nhưng rốt cuộc đời em chẳng có gì cả. Em là đứa con hư nên không dám trách ai. Lần này em đi bụi không phải để quậy phá mà là tự kiếm sống, rồi dành dụm tiền đi học nghề mỗi đêm. Có đổ mồ hôi mới biết đồng tiền quý giá như thế nào. Tự dưng em cảm thấy nhớ cha mẹ vô cùng, em phải sống cho đàng hoàng, không ai tin em thì tự em phải biết đứng dậy sau những vấp ngã đầu đời”.

Hiện tại Quang và một số người bạn “đồng nghiệp” sắp học xong lớp học nghề, dù ngày đêm phải chịu đói rét và những cám dỗ từ vỉa hè.

Hôm gặp mẹ Quang ở Củ Chi, bà vừa giận vừa khóc khi nhắc đến tên đứa con bất hiếu. Bà tâm sự: “Trước đây gia đình có mỗi mình nó nên cưng quá mức, tui và ba nó vất vả mưu sinh lo cho con học hành để thoát cái nghèo của cha mẹ. Vậy mà nó ăn chơi bỏ học. Mấy lần sum họp dòng họ, anh em đem chuyện con mình ra như một vết nhơ để răn đe con cái. Tui và ba nó thấy nhục nhã nên trút hết u phiền lên đầu Quang. Những ngày nó bỏ nhà tui đã khóc hằng đêm vì nhớ, mong nó sớm về với gia đình, cha mẹ xin tự nhận một phần lỗi về mình”.

Còn cha Quang hối hận: “Ngày nó bị người ta lôi về ném vào nhà, tôi đã thờ ơ, thậm chí còn đá lên thân thể của nó và tuyên bố: Để cho chết! Mình sinh nó ra, ép nó học để thoát nghèo, để hãnh diện với dòng họ, nó hư hỏng thì lại bỏ nó”.

Cũng giống như Quang, một thời đua đòi theo nhóm bạn trẻ, N.M.H., sinh năm 1983 ở Tân Bình, cảm thấy ân hận sau khi người mẹ qua đời vì tai biến, bỏ lại hai anh em bơ vơ. Năm lớp 10, H. tự cai nghiện thành công rồi đi làm gia sư và bán sách dạo kiếm sống, chuyên tâm học hành để lo cho em nhỏ. H. kể: “Những ngày đó em bị đàn anh đánh đập dã man vì dám tách nhóm. Nếu không có đứa em gái nhỏ dại, chắc em không cưỡng lại được cám dỗ thời trẻ”.

Hiện H. đã tốt nghiệp đại học xây dựng và làm giám sát ở nhiều công trình xây dựng lớn. Nghe chuyện của H., Quang xuýt xoa: “Những người như anh ấy mới thiệt là đại ca của các giang hồ nhí, chỉ có học hành thành danh mới được người ta tôn trọng. Tụi em không dám trách ai nhưng hi vọng mọi người rộng lòng đón nhận những đứa trẻ lạc lối tìm về”.

THẾ ANH - SƠN BÌNH

-----------------------------------------------

Lối sống và đường về của một bộ phận giang hồ nhí như một hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội. Trước thực trạng đó, các nhà nghiên cứu khoa học, nhà nghiên cứu xã hội... nhìn nhận và giải quyết như thế nào?

Kỳ tới: Người lớn ở đâu?

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến bạn đọc

* Tôi thấy tuổi nhỏ ( tôi không thích gọi là teen như nhiều báo vẫn gọi ra rả hiện nay vì nghe lai căng và dị hợm thế nào ấy), càng ngày càng... dễ sợ, hẳn nhiên không phải là tất cả. Nếu như ngày xưa đi học, viết bậy lên bàn đã cảm thấy tội lỗi lắm rồi, gọi thầy cô bằng "ổng", "bả", nghĩa là rất "giang hồ", rất "vô giáo dục" trong mắt phần lớn mọi người rồi; thì bây giờ, con nít gọi thầy cô là thằng này con nọ chẳng hiếm gì đâu.

Tôi có đứa em học lớp tám, mỗi lần nó đi học về hứng chí kể chuyện, phải lắng tai nghe lắm mới biết nó đang nói về ai: bạn, hay giáo viên (!).Tôi là anh lớn trong nhà, mỗi lần nghe chướng tai không chịu được, lên tiếng "chỉnh" nó, thế nào cũng nghe nói "Trường em đứa nào chả thế" (?!).

Nhiều lúc muốn than trời, vì giữa kiểu ăn nói như thế, và kiểu hành xử giang hồ như phóng sự trên, làn ranh không dễ nhìn cho lắm. Em tôi nói, cái thời của anh Hai là thời xưa lắc, toàn chuyện con còng con cua, cào cào châu chấu, quê mùa, lạc hậu, thời của em, tụi nó vậy đó. Nghĩ mà rùng mình, nếu cứ tiếp tục như thế này, đến cái "thời" sau nữa, sẽ ra đến thế nào đây?

Hoàng Quân

* Tôi cũng là một trong hàng ngàn phụ huynh đang lo lắng cho đứa con của mình khi chúng đi học trong một môi trường với bao áp lực, áp lực bài vở, áp lực với ngay chính cô giáo của mình. Con tôi năm nay đã học lớp 2 nhưng hình như cháu cũng chẳng khác các bé học lớp một chút nào. Với cái tuổi ham chơi như các cháu thì chuyện quên mang cái này, cái kia là bình thường, nhưng những lần quên như thế cháu đều bị cô giáo đánh!

Phải chăng bây giờ muốn các cháu ngoan hơn, học giỏi hơn thì các thầy cô phải dùng đến bạo lực? Gần đây có rât nhiều trường hợp các em học sinh cấp 2, cấp 3 giải quyết mọi vấn đề xung đột với nhau bằng bạo lực, đây có phải là kết quả của một quá trình đào tạo bằng bạo lực?

Tôi không muốn con tôi lớn lên cũng giải quyết mọi vấn đề bằng bạo lực nên rất mong báo chí và các ban ngành hãy vào cuộc cứu lấy tinh thần của trẻ thơ, cho các bé sự ham thích khi đến trường. Các thầy cô giáo cũng cố gắng thật bình tĩnh để giáo dục các em ngoan hơn, giỏi hơn. Mọi sự mất bình tĩnh của các thầy các cô đều chứng tỏ các cô đang bất lực, vì bất lực nên mới phải đánh học trò của mình.

ĐẶNG HÙNG

* Theo tôi tình trạng giang hồ tuổi teen hiện nay không chỉ do lỗi buông lỏng quản lý của nhà trường, gia đình, mà à còn do tác động của những game online, phim ảnh bạo lực… Mong nhà nước hãy có biện pháp xử lý thật mạnh tay, thật nghiêm khắc, đừng vì dưới tuổi vị thành niên mà xử nhẹ. Từ những giang hồ tuổi teen ngày nay chắc rằng trong tương lai sẽ sản sinh ra những Bạch Hải Đường, Phước Tám Ngón… của ngày mai.

Huỳnh Dũng Trí

* Trẻ em đánh nhau vì muốn được hơn bạn hơn bè. Vì sao chúng không học để hơn bạn hơn bè? Vì học không được,  không phải cứ muốn học là học được, tiền đâu để ăn, không hiểu bài hỏi giáo viên có được những câu trả lời thích đáng không, học mệt mỏi quá muốn đi chơi gia đình lại không cho. Học dở thì bạn bè lại khinh ghét trong khi chúng có thể hát hay hơn, đánh đàn giỏi hơn người khác…

Tất cả mọi việc nên bắt đầu bằng cách thay đổi tư duy quản lí từ việc nhỏ như cha mẹ quản lí con em đến những việc lớn như quản lí xã hội. Xin hãy tâm huyết hơn trong mọi việc.

abc

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên