03/02/2009 08:09 GMT+7

Gian nan đường hoàn lương

DIỆU HI
DIỆU HI

TT - Từ chuyện một phạm nhân cụ thể, tái phạm nhiều lần, tái phạm ngay sau khi ra tù, để thấy rằng con đường hoàn lương thật quá chông chênh. Xin giới thiệu ba góc nhìn: một cán bộ trại giam, một người dân bình thường và một chuyên gia xã hội học về vấn đề này.

Tái phạm vì những cái “thiếu”

a1ctgPjQ.jpgPhóng to
Trần Nhựt Thành sinh năm 1976 (Tây Ninh), theo ba mẹ lênh đênh trên sông từ nhỏ, không đăng ký hộ khẩu thường trú, không sống cố định một nơi nào.

- Năm 1996, Thành bị Tòa án nhân dân tỉnh Long An xử phạt 3 năm tù về tội cùng cha mẹ trộm cắp xuồng máy dọc sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

- Tháng 1-1999, sau khi mãn hạn tù 3 tháng, Thành tái phạm, bị phạt 4 năm tù giam.

- Đầu tháng 3-2003, cũng sau khi mãn hạn tù 3 tháng, Thành lại trộm liên tiếp chín lần, được chín xuồng máy các loại. Bị phạt 3 năm tù.

- Đầu năm 2007, mới ra tù 11 ngày, Thành phạm tội lần thứ tư. Thành lấy trộm 14 chiếc xuồng, bỏ trôi sông 10 chiếc, bán lấy tiền bốn chiếc. Thành bị phạt 5 năm tù cộng với bản án trước chưa được xóa, tổng hợp thành 8 năm tù giam.

Trần Nhựt Thành là nhân vật trong hai bài viết trên Tuổi Trẻ “Cơ hội nào cho Trần Nhựt Thành” (21-9-2007) và “Sẽ không còn độc đạo” (15-2-2008). Chiều 27 Tết Kỷ Sửu (ngày 22-1-2009) tôi trở lại phân trại số 2, trại giam Phước Hòa (xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước, Tiền Giang) để gửi số tiền 1,2 triệu đồng của một bạn đọc ở Bình Dương đến Thành. Ngoài ra, còn có 100.000 đồng và lá thư của chị Bùi Thị Ngọc, bạn đọc Tuổi Trẻ ở TP.HCM.

Do quy định không cho phép người không phải là thân nhân thăm nuôi phạm nhân, nên tôi phải gửi tiền, thư cho thượng tá Trần Văn Bảy, giám thị trại giam Phước Hòa, nhờ ông chuyển giúp. Ông Bảy thay mặt Thành gửi lời cảm ơn hai bạn đọc của báo Tuổi Trẻ và cho biết từ lúc vào trại, Thành luôn được xếp loại khá về thái độ cải tạo.

Đọc hồ sơ của Thành, ông Bảy thở dài và chia sẻ những trăn trở của người quản lý trước thực trạng phạm nhân khi mãn hạn, ra trại chưa được bao lâu thì tái phạm, lại quay vào tù. Dưới đây là lược ghi những chia sẻ của ông:

Thiếu sự đón nhận

Xã hội bây giờ người thất nghiệp rất nhiều. Người dân bên ngoài tìm việc làm rất khó khăn nên chưa thể có khả năng để giúp được việc làm cho những người từng phạm tội nói chung. Phạm nhân rời trại nếu có gia đình thì còn có người giúp đỡ. Những trường hợp đặc biệt như Thành càng khó khăn hơn. Phía trại có liên hệ các cơ quan ban ngành như Sở Lao động - thương binh & xã hội, Trung tâm giới thiệu việc làm Tiền Giang nhờ tìm giúp việc làm cho một số phạm nhân không người thân, có hoàn cảnh đặc biệt khác. Bên đó hứa giúp, bảo chúng tôi chờ xem có nơi nào chịu nhận thì sẽ báo cho biết nhưng rồi không thấy trả lời.

Thực tế các doanh nghiệp chưa thật tin tưởng các phạm nhân này. Nếu là người cư trú cùng xóm ấp còn có cơ hội biết người đó thế nào, còn người ở đâu đâu xa xôi, không biết rõ tung tích, ít ai dám nhận lắm. Có những anh lúc ra trại báo thẳng với giám thị là “xin cho em ở lại đây kiếm một việc gì đó làm, chứ thả em ra ngoài một thời gian em cũng phạm tội nữa”. Tuy nhiên, khi hết thời gian chấp hành án, trại không có quyền giữ họ lại một ngày nào. Chúng tôi cũng cố gắng trợ cấp họ ít tiền, động viên họ về địa phương kiếm việc làm tốt để làm lại cuộc đời, khổ nỗi họ không nói gốc gác của họ thuộc địa phương nào hết.

Vì họ bị bắt ở địa phương nào thì tòa án ở địa phương đó xét xử. Khi họ chấp hành xong hình phạt, trại trả về địa phương đó, báo cáo tình hình và nhờ địa phương giúp. Thường những phạm nhân tái phạm nhiều lần đều rơi vào hoàn cảnh vô gia cư, tính cách ngang tàng từ nhỏ và phạm nhân có cuộc sống cá nhân đặc biệt.

Thiếu ý chí

Trại giam Phước Hòa có khoảng 5-6% phạm nhân là người như thế. Khi phạm tội, có những phạm nhân có thể vì mặc cảm mà khai vô gia cư. Khi bắt phạm nhân, cơ quan chức năng cũng chỉ áp vào tình tiết phạm pháp quả tang để xử thôi, chứ không có thẩm tra lại gốc gác. Ví dụ bắt ở Mộc Hóa (Long An) mà quê ở Hải Dương. Nhưng người phạm tội giấu, khai sống lang thang không có gia đình, đâu có ai biết ở đâu để mà gửi hồ sơ đi thẩm tra.

Để giúp họ, mình có thể yêu cầu họ làm một cam kết với trại và một cam kết với công ty nhận họ rằng họ sẽ không tái phạm. Nhưng vấn đề chính là ở cái tính của mỗi con người chứ không phải ở bản cam kết. Một khi tính họ đã tham, có yêu cầu viết bao nhiêu cam kết vẫn vậy thôi, đến lúc lòng tham nổi lên, họ lại phạm tội. Những người có bản lĩnh, khi lỡ lầm một lần sẽ biết cách kiềm chế bản thân để cải sửa. Người không muốn làm việc cực khổ, chỉ muốn sung sướng thì sẽ phạm tội lại.

Thiếu nghề

Nhà nước có chủ trương mở những xưởng dạy nghề ở mỗi trại, tạo cho phạm nhân có một nghề thật sự, để khi họ ra trại có bằng cấp nghề mới đi tìm việc làm được. Thực tế hiện giờ trại cũng dạy nghề nhưng những loại việc phổ thông như cuốc đất, khiêng vác, làm ruộng… thì đâu có cấp được bằng, khi ra xã hội các doanh nghiệp không dám nhận. Xây một xưởng dạy đủ nghề thông dụng như sửa chữa xe gắn máy, điện dân dụng, cơ khí, may, thêu… tốn kém vài tỉ đồng. Cũng có vài trại mời giáo viên có tay nghề đến dạy và tổ chức thi, cấp bằng nghề như Trường giáo dưỡng số 5 (Long An), trại giam Thủ Đức (Bình Thuận), trại giam Thạnh Hòa (Long An) nhưng số lượng phạm nhân được cấp bằng nghề rất hạn chế do cơ sở vật chất giảng dạy còn thiếu.

..............................................

VGOMXQwt.jpgPhóng to

Những chai nước suối, lon nước ngọt người ta bỏ đi được chị Bùi Thị Ngọc nhặt lại và cho vào túi để dành khi nào nhiều sẽ bán ve chai - Ảnh: Minh Đức

Thư viết: “Đã lâu rồi, tôi có đọc bài báo ký sự pháp đình của báo Tuổi Trẻ đăng ngày 15-2-2008 nói về bạn Trần Nhựt Thành. Theo suy nghĩ của tôi, bạn Thành thật đáng thương và tội nghiệp do hoàn cảnh nghèo nàn, côi cút, không lo được bản thân, dẫn đến con đường phạm tội. Cuộc sống tôi cũng khó khăn, hay bệnh, không giúp gì được cho bạn Thành, tôi cũng xót xa. Nay tôi dành được ít tiền từ bán ve chai gửi đến bạn Thành một trăm ngàn đồng, nhờ báo Tuổi Trẻ chuyển hộ đến bạn Thành, chia sẻ niềm vui để giúp bạn ấy vượt qua khó khăn… Và tôi chân thành cảm ơn báo Tuổi Trẻ đưa tin tức hằng ngày để đọc. Bùi Thị Ngọc”.

Trong thư có gửi kèm 100.000 đồng và một lá thư khác mà chị Ngọc nhờ tòa soạn chuyển cho phạm nhân Trần Nhựt Thành. Chúng tôi đã xin phép chị để đăng lá thư này ở trên, trong đó chị viết: “Ở đời, ai cũng đôi lúc mắc phải sai lầm, mà mình biết hối cải ăn năn là một điều tốt”.

Chị Ngọc cho biết năm nay chị 40 tuổi, quê ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cha mất, mẹ già, nhà rất đông anh chị em nên chị ít học, đi làm rất vất vả. Mười lăm năm vào TP.HCM sinh sống bằng nghề giúp việc nhà, chị chỉ về quê được đúng một lần. Mỗi tháng chị gửi về quê cho mẹ được 300.000 đồng vì chị còn phải uống thuốc trị bệnh khớp. Năm ngoái, khi đọc bài báo về Trần Nhựt Thành, chị rất xúc động, ngồi khóc luôn một mình. “Tôi tâm nguyện khi ổng (Thành) ra tù sẽ cho ổng hai trăm (200.000 đồng). Có tiền thì ổng mới sống được chị ơi…”.

Muốn giúp mà không có tiền, nên những lúc đi chợ, đi mua đồ ăn sáng cho chủ nhà, chị hay chủ ý lượm nhặt chai, hũ, giấy, thùng… gom góp lại để bán mỗi lần được năm, ba ngàn. Hôm mồng 6 tết, nói chuyện với phóng viên, chị Ngọc bảo chị còn một đống đồ ve chai nhặt nhạnh nhưng “năm nay bán được ít tiền lắm, một bao to 5 ký chai, giấy chỉ bán được có 3.000 đồng”. Bán được bao nhiêu là chị đem cho người ăn xin hết.

Hỏi chị cũng khó khăn thế, sao không để dành phòng thân? Chị nói: “Người ta không có mới xin mình, mình để dành sao được? Hôm qua tôi mới cho hai đứa nhỏ lượm rác 2.000 đồng. Tôi khổ nhưng còn làm ra tiền được, còn hai đứa nhỏ lượm không có gì thì đói, xỉu, rồi có khi phạm pháp… Có lần một đứa bé xin tiền mà tôi không có, nó thụi tôi một cái sau lưng nhưng tôi không giận, vì tại mình không có tiền cho nó mà…”.

.............................................

Nếu nhà tù hay trại cải tạo là lĩnh vực “giáo dục tách biệt” (the segregative sector) thì gia đình và cộng đồng lại đóng vai trò là khu vực “bình thường hóa” (the normalization sector) cuộc sống của người ra tù. Thực tế cho thấy một trong những khó khăn lớn nhất khiến người phạm tội khó hoàn lương chính là sự “gán nhãn” của gia đình và cộng đồng. Khi bị gán nhãn người đã từng phạm tội gần như bị tước mất hết mọi phương tiện hợp thức để có thể tồn tại trong cuộc sống. Những phương tiện hợp thức mà họ bị tước mất chính là lòng tin vào sự phục thiện hay bản chất thiện của con người. Khi không còn được tin tưởng, người ra tù sẽ rất khó tìm cho mình một công việc chân chính để kiếm sống, và vì vậy, việc quay lại con đường phạm pháp rất dễ xảy ra.

Chính vì vậy, để người từng phạm tội có thể hoàn lương thì trước hết gia đình và cộng đồng cần phải “gỡ nhãn” cho họ, tức là phải có lòng tin vào sự thay đổi trong hành vi cũng như sự phục thiện của họ. Song song với sự tin tưởng là việc tạo cơ hội cho họ có thể tham gia vào các hoạt động kiếm sống chân chính, tức tạo cơ hội làm việc cho họ, bởi như ông bà ta đã đúc kết: “nhàn cư vi bất thiện”. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là chỉ có vai trò của gia đình và cộng đồng mà nhà tù hay trại cải tạo phải có được chương trình tái hòa nhập xã hội hiệu quả, đồng thời phải trang bị cho phạm nhân những kỹ năng lao động thích hợp với nhu cầu của xã hội. Nếu ta chỉ trang bị cho họ những kỹ năng lao động “nông nghiệp” trong khi xã hội lại cần kỹ năng lao động “công nghiệp” thì sự tái hòa nhập sẽ cực kỳ khó khăn. Vì vậy có lẽ cần có sự tái cấu trúc chương trình cải tạo người phạm tội để họ có thể hòa nhập xã hội một cách hiệu quả hơn.

DIỆU HI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên