09/05/2013 11:00 GMT+7

Giãn dân để cứu dân, cứu di sản

NGUYỄN THỊ THANH TÂM
NGUYỄN THỊ THANH TÂM

TT - Liên quan đến bức xúc phải đệ đơn xin trả lại di tích quốc gia cho Nhà nước của cư dân làng cổ Đường Lâm, theo người dân, cán bộ xã và các chuyên gia, chỉ có thể cứu vãn tình thế bằng biện pháp giãn dân khẩn cấp, nghiêm túc.

WD2IzyS7.jpgPhóng to
Bị phá toàn bộ tầng hai của ngôi nhà, hằng ngày bà Khanh (xã Đường Lâm) nhặt gạch vụn, dây điện thừa rồi kiến nghị xin hỗ trợ cắm đất giãn dân kẻo gia đình không còn chỗ ở nữa, trong khi phía sau bà là hàng loạt nhà hai, ba tầng mọc lên - Ảnh: Thanh Tâm

Ai cũng biết Nhà nước trao bằng công nhận di tích quốc gia cho làng Việt cổ Đường Lâm, một là để vinh danh, hai là để có cơ sở và thiết chế bảo vệ các giá trị quý báu của di sản nghìn năm này. Tuy nhiên, đây là một di sản “sống” với hàng ngàn người nằm trong “bụng” của nó, cho nên cần có quy chế đặc thù, cần có biện pháp được dân đồng thuận để làm sao vừa lo dân sinh, vừa gìn giữ và phát huy giá trị di sản quý.

Ngậm ngùi sống giữa di sản

"Tôi ngẫm mà đau lắm, ra khỏi cổng làng thấy người ta nhà cửa khang trang, chỗ ở tiện nghi. Bước vào “di sản” mình đang sống thì khổ mọi bề"

Người dân Đường Lâm

Ông Kiều Văn Triệu năm ngay ngoài 80 tuổi, người làng Mông Phụ (khu vực trung tâm “bảo vệ nghiêm ngặt” của di tích làng cổ Đường Lâm), là một bậc túc nho được người làng kính nể. Ông bảo ở làng cổ, người đẻ ra, đất không đẻ được, vì thế từ thượng cổ người Việt vẫn có thói quen lập các vùng trại, ấp, xóm mới ở gần làng để giãn dân. Bây giờ tấc đất tấc vàng, mỗi hộ được vài chục mét vuông nhà ở và các công trình phụ, bà con không tự giãn dân được như xưa nữa thì phải xây nhà cao tầng, cơi nới để phục vụ nhu cầu sống tối thiểu. Hai vợ chồng ông Triệu sinh một đàn con, đất nhà chia nhỏ, anh con út Kiều Văn Hạnh được một góc vài chục mét. Anh làm nghề sửa chữa điện tử, vợ là giáo viên, hai đứa con, đứa lớn đã học lớp 10, to cao hơn bố.

Nhìn đống đầu đĩa, tivi hỏng cao chất ngất, thấy nhà lợp tấm fibro ximăng cũ kỹ lụp xụp, con cái lớn phải có phòng riêng, anh Hạnh chỉ ước ao xây được thêm gian phòng cho sinh hoạt khỏi bất tiện. Thế nhưng, anh vừa gọi thợ đổ một xe cát sửa cái nhà vệ sinh bé xíu, sáu cán bộ từ thanh tra xây dựng đến ban quản lý di tích, cán bộ địa phương đã xuất hiện. Đầu tiên là hỏi giấy tờ, giấy phép, đơn xin xây dựng; hễ bướng không nghe lời là cắt điện, cắt nước, gọi công an đến, cấm người thi công được vào làm việc; cấm cả hàng xóm cho phép... “người vi phạm” xin mắc điện, bắc ống xin nước!

Anh Hạnh bất bình ký vào đơn xin trả lại danh hiệu làng cổ Đường Lâm với lý do: “Tôi sinh ra có quyền được xây nhà cửa, chỗ vệ sinh. Giờ danh hiệu làng Đường Lâm ra đời tước mất của tôi cái quyền đó. Thử hỏi họ bù lại cho tôi cái gì? Đây “con bé Oanh” hàng xóm nhà tôi đã lên chức bà ngoại. Nhà nó sửa lại cái tum chống nóng phía sau nhà, lợp fibro ximăng lên. Thế mà người ta áp chế đến, công văn giấy tờ liên tục cả tháng, họ bắt nó tự dỡ bỏ công trình, bắt phải lợp ngói đắt đỏ lên. Họ còn cắt điện, cắt nước của nó đúng hai tháng rưỡi qua, đến giờ (11g đêm 7-5) dù đã đến tận nhà chủ tịch và phó chủ tịch xã để “xin” vẫn chưa cho phép cấp lại điện và nước sinh hoạt. Nhà nó có phải nhà cổ đâu, vừa xây được hơn chục năm, nhà gạch bé xíu, lợp fibro ximăng mà, nó làm nghề bán cá ngoài chợ lấy đâu ra tiền xây nhà to như người ta yêu cầu”.

Xã chỉ có 10 ngôi nhà cổ

Xã Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, hiện có gần 1.500 hộ dân sinh sống với hơn 9.000 dân, bà con sống ở chín thôn, đặc biệt có thôn Mông Phụ với gần 400 hộ dân nằm vào khu vực 1 (được bảo vệ khá nghiêm ngặt). Cả xã chỉ có hơn 10 ngôi nhà liệt vào hạng cổ, được xếp hạng và các chủ nhà được hưởng mỗi tháng 250.000-400.000 đồng để đón khách du lịch.

Bà con bức xúc đòi “trả lại danh hiệu di tích quốc gia” chủ yếu là người ở thôn Mông Phụ. Tại đây, người dân không được phép xây nhà có tum chống nóng nhô cao và nhà hai tầng đổ lên. Nếu không cơi nới, nhiều hộ chỉ vài chục mét vuông diện tích mà có tới hai, thậm chí ba, bốn gia đình chung sống. 90% bà con Mông Phụ làm nông nghiệp, nuôi heo gà trâu bò nên càng chật chội, dễ ô nhiễm và gây nhiều bức xúc.

Quyết định của UBND TP Hà Nội về việc thu phí đối với di tích làng cổ Đường Lâm có nói rõ: đơn vị được để lại 100% số phí thu được để phục vụ công tác thu phí. Mức thu phí: người lớn 20.000 đồng/lượt, trẻ em 10.000 đồng/lượt (Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng ký ngày 22-12-2011). Như vậy là theo quyết định này và trên thực tế những năm qua, người dân Đường Lâm không được hưởng lợi gì từ việc thu vé vào chính ngôi làng của mình!

Vợ anh Hạnh, cô giáo Lan, thở dài: “Tôi ngẫm mà đau lắm, ra khỏi cổng làng thấy người ta nhà cửa khang trang, chỗ ở tiện nghi. Bước vào “di sản”mình đang sống thì khổ mọi bề. Có tiền mà không được xây nhà để ở”.

“Phải có đất giãn dân, có chính sách đặc thù cho dân ra nơi ở mới thì mới bảo vệ được làng cổ” - ông Giang Mạnh Hoằng, chủ tịch UBND xã Đường Lâm, đúc kết.

Kế hoạch giãn dân: phải chờ!

Theo ông Phạm Hùng Sơn - trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm: “UBND thị xã Sơn Tây và ngành chức năng đã bàn đến phương án giãn dân với khu vực rộng khoảng 9ha ở gần làng Phụ Khang, ra ngoài khu vực bảo vệ di tích làng cổ hẳn hoi, có thể tiếp nhận được 200 hộ dân một lúc. Nếu chúng ta đưa dần 50 hộ một đợt (theo yêu cầu cụ thể của làng cổ) thì có thể đầu tư cơ sở vật chất dần dần. Phương án rất cụ thể, đã công khai bàn bạc, trao đổi, đã giao cho ban đầu tư xây dựng quyết liệt thực thi vấn đề này. Tuy nhiên, gần đây dự án không hiểu sao bị tắc”.

Ban đầu tư xây dựng của thị xã trả lời lãnh đạo xã Đường Lâm là khó khăn lắm, cả chục năm nữa mới hoàn thành... Trong bối cảnh đó, trước sức ép dân số, bà con không được xây dựng nhà hai tầng và bằng vật liệu đắt tiền như các đội “quy tắc” yêu cầu, họ đành phải “cắt” nhỏ các ngôi nhà cổ, nhà truyền thống của mình ra. “Họ cắt ngôi nhà cổ ra, mỗi gian một cặp vợ chồng, vườn tược, không gian bị biến thành các nhà vệ sinh, bếp nấu, cây rơm, bồ thóc, đặc biệt là khu thờ tự của mỗi gia đình nhỏ trong đó. Cảnh quan bị phá vỡ hết”, ông Sơn phân tích.

Ngay cả khi có đất giãn dân rồi, cũng còn rất nhiều công việc phải làm nữa, ông Sơn tiếp: “Phải có cơ chế đặc thù cho bà con. Không thể bắt bà con nộp tiền để lấy đất như nơi khác được vì họ rất nghèo, rất khó khăn. 90% bà con ở Mông Phụ làm nông nghiệp. Chúng ta thậm chí phải tính đến việc cấp đất cho họ, hỗ trợ tiền xây dựng nhà cửa tái định cư cho họ. Tất nhiên cũng cần ràng buộc bà con rằng không thể “bán lúa non” sau khi nhận được đất, họ không được bán, chỉ được nhượng quyền thừa kế, chẳng hạn thế”.

Cũng về vấn đề này, ông chủ tịch xã nói: “Mỗi lần tôi đề nghị xúc tiến chương trình giãn dân, cấp trên chỉ biết bảo: phải chờ! Không cho dân hưởng bất cứ nguồn lợi nào, không ưu tiên họ điều gì cả, trong khi họ ở quá chật như thế, làm sao chúng ta cứ yêu cầu người dân phải chịu đựng mãi được? Nếu cho họ cái quyền lợi chính đáng gì đó (như đất giãn dân, hưởng lợi từ khai thác du lịch), họ sẽ vui vẻ thực hiện trách nhiệm mà chúng ta yêu cầu ngay!”.

Nếu chưa có ngay đất giãn dân, tạm thời chúng ta có nên bớt cứng nhắc, để làm sao dung hòa giữa bảo tồn di tích cổ và tạo điều kiện cho bà con cơi nới các hạng mục không phải “cổ kính” theo hướng không ảnh hưởng cảnh quan chung, để họ có được không gian mà thở! Đó cũng là ý kiến của nhiều người quan tâm làng cổ Đường Lâm.

“Khó cho người dân thật!”

Ngày 8-5, trao đổi với Tuổi Trẻ trước vụ việc người dân làng cổ Đường Lâm xin trả danh hiệu “di tích quốc gia”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết TP chưa nhận được đơn của 78 người dân và cũng chưa nghe các ngành chức năng báo cáo sự việc. Tuy nhiên, bà Ngọc cũng khẳng định khi tiếp nhận đơn sẽ giao các ngành chức năng kiểm tra, làm rõ những khó khăn vướng mắc của các hộ dân ở làng cổ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ cùng ngày, ông Phạm Hùng Sơn - trưởng ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm - cho biết ở làng cổ Đường Lâm, để xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà cửa người dân phải theo cả hai luật là Luật di sản văn hóa, Luật xây dựng. “Luật di sản văn hóa quy định việc xây dựng, sửa chữa nhà ở trong di tích thì người dân phải có đơn từ thôn, qua xã và phải xin thỏa thuận cả của

Bộ VH-TT&DL, sau đó phải được UBND TP ủy quyền cho sở xây dựng cấp phép mới được làm. Chúng tôi chỉ mong muốn có văn bản chính thức hướng dẫn, ủy quyền cho UBND thị xã Sơn Tây được cấp phép cho người dân xây dựng. Còn nếu làm theo Luật di sản văn hóa thì cũng nên giảm bớt thủ tục, như hiện nay người dân phải lên xin thỏa thuận xây dựng ở tận Bộ VH-TT&DL thì khó cho người dân thật”.

Ông Trần Viết Ngôn - phó chánh thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội - cũng cho rằng nguyện vọng của người dân Đường Lâm là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với quy luật phát triển, tuy nhiên cũng không thể làm trái Luật di sản văn hóa vì luật đã ban ra là phải thực hiện. “Để không phát sinh mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, đảm bảo quyền lợi phù hợp và tránh bức xúc cho người dân, chỉ có cách phải sửa lại quy chế quản lý đã ban hành để áp dụng cho hài hòa”, ông Ngôn nói.

NGUYỄN THỊ THANH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    tr\u1ea3 l\u1ea1i di t\u00edch qu\u1ed1c gia cho Nh\u00e0 n\u01b0\u1edbc c\u1ee7a c\u01b0 d\u00e2n l\u00e0ng c\u1ed5 \u0110\u01b0\u1eddng L\u00e2m, theo ng\u01b0\u1eddi d\u00e2n, c\u00e1n b\u1ed9 x\u00e3 v\u00e0 c\u00e1c chuy\u00ean gia, ch\u1ec9 c\u00f3 th\u1ec3 c\u1ee9u v\u00e3n t\u00ecnh th\u1ebf b\u1eb1ng bi\u1ec7n ph\u00e1p gi\u00e3n d\u00e2n kh\u1ea9n c\u1ea5p, nghi\u00eam t\u00fac." />