04/11/2008 19:26 GMT+7

Gian bếp người Việt vùng Nam bộ: Không chỉ là nơi giữ lửa

Bài: KIM CÚC - Ảnh: ANH KHANGTheo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Bài: KIM CÚC - Ảnh: ANH KHANGTheo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Trong các ngôi nhà Việt Nam, bếp là nơi nấu nướng và thường còn được sử dụng làm nơi ăn uống của cả gia đình. Thế nhưng cách đây không lâu, đối với người dân Nam bộ thì gian bếp còn là chỗ nghỉ trưa và tiếp khách. Vì thế, gian bếp được bố trí khá đặc biệt với nhiều vật dụng phong phú, thể hiện tính cách phóng khoáng và khả năng sáng tạo của người dân nơi đây.

Hàng trăm hiện vật trong không gian ấm cúng này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (202 Võ Thị Sáu, quận 3) giúp người xem hiểu thêm về nếp sinh hoạt của người Việt ở Nam bộ thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.

Không ngừng sáng tạo

0GxEWF5i.jpgPhóng to
Bếp trấu hai miệng: miệng nấu cơm, miệng đun nước

Tuy mang tên “Gian bếp người Việt vùng Nam bộ” nhưng cuộc trưng bày có đến hơn 170 vật dụng, bao gồm đồ dùng nhà bếp, dụng cụ may vá, làm bánh, đồ gốm sứ, đồ đồng… Đa số các vật dụng đều có kích thước nhỏ nhắn, không trang trí cầu kỳ nhưng thể hiện sức sáng tạo đáng khâm phục của người dân Nam bộ. Đó là cách tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có như vỏ dừa khô, tre nứa để tạo ra các vật dụng hữu ích trong gia đình như vỏ bình trà, ống đũa nhiều tầng và hàng chục kiểu nong nia thúng mẹt đủ kích cỡ khác nhau để đựng thóc, sàng gạo, treo lương khô…

Riêng các loại bếp thì đặc biệt phong phú. Tùy điều kiện của từng địa phương mà người dân sử dụng nhiều loại chất đốt khác nhau nên có nhiều loại bếp như bếp củi, bếp trấu, bếp than, bếp mạt cưa. Ngoài kiểu bếp xưa nhất có ba đầu rau gắn liền với sự tích Ông Táo bà Táo, người dân Nam bộ còn sáng chế ra nhiều kiểu bếp rất độc đáo như bếp miệng ếch, cà ràng (làm bằng đất nung, có chỗ gác củi khi nấu).

Những kiểu bếp tiện lợi, đa năng càng thể hiện rõ sự sáng tạo của người dân nơi đây. Độc đáo nhất có thể kể đến là bếp hai miệng, cùng lúc có thể nấu cơm, kho cá vừa nhanh, vừa tiết kiệm. Người Nam bộ rất chuộng kiểu bếp này vì nhờ nó mà mỗi khi đi làm đồng về, chỉ cần vào bếp một lúc là đã có ngay một bữa cơm nóng sốt. Vào mùa vụ, ra đồng từ sáng sớm, bà con dùng chiếc bếp hai miệng vừa nấu cơm vừa đun nước pha trà thật nhanh.

9UnKLm7o.jpgPhóng to
Một góc bếp đặc trưng ở vùng Nam bộ với cà ràng (bếp củi) và hai bếp mạt cưa

Mỗi nhà thường có vài ba chiếc bếp với kích cỡ khác nhau, nhưng đều được đặt gọn gàng trên khuôn bếp cao. Khuôn bếp có thể được làm bằng đất sét, xi măng, nhưng loại đóng bằng cừ tràm được ưa chuộng nhất vì càng dùng lâu, gỗ càng lên nước, có màu đen bóng. Những khuôn bếp cao làm cho không gian bếp trở nên rộng rãi, sạch sẽ và ngăn nắp hơn - một trong những yếu tố để đánh giá sự vén khéo của người phụ nữ trong gia đình. Nếu như việc thờ phượng, cúng kiếng ở nhà trên (nhà trước) thể hiện vai trò của người đàn ông thì việc nấu những bữa cơm nóng sốt ở nhà dưới (nhà sau) đã có bàn tay của người phụ nữ.

Tiếp khách trong nhà bếp

82ren8B8.jpgPhóng to
Vỏ bình trà làm từ trái dừa khô rất quen thuộc với người dân Nam bộ

Một điều lạ là nhiều căn nhà của người Việt ở vùng Nam bộ ít khi mở cửa cái (cửa trước), dù là nhà tranh vách nứa đầu thế kỷ XX hay nhà đúc hiện tại. Chỉ những dịp giỗ chạp, tiệc tùng thì gia chủ mới mở cửa nhà trên. Ngày thường, bà con hàng xóm đến chơi nhà được tiếp ở ngay nhà bếp (còn gọi là nhà sau), chủ nhà vừa nhanh tay chuẩn bị các món ăn đãi khách, vừa chuyện trò với khách ngồi uống tách trà trên phản.

Giải thích về thói quen tiếp khách trong nhà bếp của người Nam bộ, nhiều người cho rằng điều này xuất phát từ lối sống giản dị của họ. Gian nhà sau luôn mở rộng cửa để mỗi khi gia chủ đi làm đồng về, chỉ việc múc gàu nước mát lạnh rửa chân rồi đi thẳng vào nhà chuẩn bị cơm nước buổi chiều.

kk0cAHal.jpgPhóng to
Chiếc phản “đa năng”: khi là nơi uống trà, ăn cơm, lúc là nơi nghỉ trưa, tiếp khách…

Ngoài chức năng nấu nướng, tiếp khách, bếp còn là nơi nghỉ trưa thoải mái, mát mẻ. Chiếc phản mát rượi trong nhà bếp, bình thường là nơi dọn mâm cơm, để cơi trầu, cũng là nơi gia chủ ngả lưng lấy sức sau một buổi làm việc mệt nhọc. Khi nhà có giỗ chạp, đó lại là nơi sửa soạn tất cả các món ăn trước khi dọn lên cúng trên bàn thờ. Chiếc phản vì thế đã trở nên rất gắn bó với mỗi người dân quê và đã đi vào những câu đố vui lưu truyền trong dân gian:

Ngả lưng cho thế gian nhờVừa yên vừa ấm lại ngờ bất trung

Không gian nhà bếp của người Việt vùng Nam bộ luôn mở, mà thường mở ra phía sau nhà, nơi có những lu nước ngọt trong veo, đầy ắp và ao rau muống xanh rờn. Người dân luôn giữ phương hướng của bếp sao cho hợp Phong Thủy, phải chiếm các hướng cát trong bát san như Sinh khí (hưng vượng nhân khẩu, thăng quan tiến chức), Duyên niên (sống thọ, vợ chồng hòa thuận, con cái hiếu thảo), Thiên y (sức khỏe dồi dào) và Phục vị (học hành đỗ đạt). Ngoài ra, bếp phải tránh các vị trí kiêng kỵ như cửa xung chiếu (cửa đối diện miệng bếp lò), cạnh cửa sổ, ở vị trí trung tâm căn nhà...

sg8Rhvr7.jpgPhóng to
Bộ dụng cụ ăn trầu đầu thế kỷ XX

Ngày nay, khi đời sống của người nông dân Nam bộ đã được cải thiện, những góc bếp ám khói, đầy tro than ngày xưa đã thuộc về dĩ vãng. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến những góc bếp thân thương ấy, nhiều người vẫn thầm tiếc nuối vì với những chiếc bếp hiện đại ngày nay, họ không thể mượn cớ canh lửa, cời than để tâm tình cùng người mình thầm thương trộm nhớ…

Bài: KIM CÚC - Ảnh: ANH KHANGTheo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên