26/05/2004 09:11 GMT+7

Giám đốc ITC "thiếu trách nhiệm" hay "cố ý làm trái"?

CHI MAI
CHI MAI

TT (TP.HCM) - Ngày 25-5-2004, hội đồng xét xử (HĐXX) và Viện Kiểm sát đã tập trung thẩm vấn ông Huỳnh Văn Đang, phó giám đốc ITC, về bản chất của cái gọi là “hợp tác kinh doanh vũ trường” Blue giữa ITC và bị cáo Nguyễn Văn Phương.

Gm4Ta8BE.jpgPhóng to
Bà Chung Thị Mỹ Lệ
TT (TP.HCM) - Ngày 25-5-2004, hội đồng xét xử (HĐXX) và Viện Kiểm sát đã tập trung thẩm vấn ông Huỳnh Văn Đang, phó giám đốc ITC, về bản chất của cái gọi là “hợp tác kinh doanh vũ trường” Blue giữa ITC và bị cáo Nguyễn Văn Phương.

Dù ông Đang và cả bị cáo Chung Thị Mỹ Lệ trong phần thẩm vấn trước đó một mặt cho rằng trung tâm “hợp tác” kinh doanh với Nguyễn Văn Phương, nhưng cũng lại thừa nhận chính ông Phương (và các chủ đầu tư vũ trường trước đó) tự bỏ vốn kinh doanh.

Qua thẩm vấn, Nguyễn Văn Phương đã xác nhận mình là người bỏ vốn cải tạo, kinh doanh vũ trường, đổi tên vũ trường Intershop thành vũ trường Blue. Có thể nói, thực chất của việc “hợp tác kinh doanh” này chính là việc giám đốc ITC cho vợ chồng Nguyễn Văn Phương - Lê Ngọc Thủy thuê giấy phép hành nghề vũ trường (mỗi tháng ITC được hưởng 3.200 USD).

Theo qui định tại nghị định 88/CP ngày 14-12-1995 và nghị định 31/CP ngày 26-6-2001 của Chính phủ, đối với giấy phép hành nghề vũ trường không được cho mượn, cho thuê, sang nhượng. Như vậy, việc bị cáo Chung Thị Mỹ Lệ với vai trò giám đốc ITC đã ký hợp đồng cho thuê giấy phép hành nghề vũ trường có phải là hành vi cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng?

Còn nếu như cho rằng ITC và Nguyễn Văn Phương “hợp tác” kinh doanh vũ trường thì người chủ vũ trường đâu phải chỉ một mình Nguyễn Văn Phương? Trong khi Phương bị truy tố về tội vi phạm các qui định về PCCC thì người chủ còn lại (giám đốc ITC) chỉ bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm với khung hình phạt nhẹ hơn, liệu có đúng người, đúng tội?

Cũng trong ngày hôm qua, HĐXX đã thẩm vấn 45 nguyên đơn dân sự bao gồm các doanh nghiệp, văn phòng đại diện các công ty có trụ sở tại ITC về mức thiệt hại và các yêu cầu đòi bồi thường, đồng thời cho thẩm vấn một số thân nhân nạn nhân đã chết trong vụ cháy.

Được hỏi có yêu cầu bồi thường gì về cái chết của con gái, ông Nguyễn Văn Bây, cha của nạn nhân Nguyễn Thị Thu Thảo (sinh 1980), đã nói: “Cũng như những gia đình nạn nhân khác, chúng tôi cũng bức xúc, thương tâm vì vừa thấy con đi buổi sáng, chiều đã không về. Nhưng tai nạn này không ai muốn. Gia đình tôi cũng khó khăn nhưng tôi nghĩ có thể ráng khắc phục được. Chúng tôi không đòi hỏi bồi thường gì...”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, vợ nạn nhân Trần Văn Minh Tín, cũng đau khổ cho biết anh Tín là lao động chính, chết đi để lại cho chị hai con nhỏ mà cả hai đều bị bệnh thiếu máu bẩm sinh, chị rất khổ sở vì phải xoay trở nuôi con. Nhưng chị Tuyền cũng không đòi hỏi gì nhiều, tùy vào phán xét của pháp luật. Đại diện của ba nạn nhân khác thì đề nghị bồi thường tổn thất tinh thần từ 50 - 60 triệu đồng, thiệt hại vật chất 30 - 80 triệu đồng.

Cũng có tám đại diện của công ty, văn phòng đại diện đặt trụ sở tại ITC (Công ty bảo hiểm AIA, Công ty giải pháp phần mềm Unosoft, Công ty TNHH tư vấn tiếp thị Quốc tế...) đề nghị các bị cáo phải bồi thường giá trị tài sản thiệt hại. Ngoài AIA thiệt hại nặng nhất: khoảng 19 tỉ đồng (đòi bồi thường 7,2 tỉ đồng vì một phần thiệt hại đã được mua bảo hiểm), các công ty khác cũng bị thiệt hại từ 30 - 800 triệu đồng, nhiều công ty chỉ yêu cầu bồi thường 50% thiệt hại.

Hôm nay, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các nguyên đơn dân sự, đại diện gia đình nạn nhân...

CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên