Ai cũng biết kẹt xe, ùn tắc giao thông là do: đường hẹp - xe nhiều - người đông, đây là điều tất nhiên. Như vậy để giải quyết thông thường người ta lại đưa ra giải pháp: 1. Đường hẹp: mở đường (rộng thêm hoặc mở thêm đường mới)! 2. Xe nhiều: giảm xe! 3. Người đông: giảm dân nhập cư!
- Vấn đề đường hẹp: Với giải pháp mở đường thì không thể tiến hành trong ngày một ngày hai và cũng cần một nguồn kinh phí rất lớn. Như vậy chúng ta chỉ có thể làm ngay là: làm cho thông thoáng đường trả lại tất cả diện tích đường cho lưu thông bằng cách:
+ “Dẹp” càng nhanh càng tốt các công trình xây dựng đang “nghênh chiến” trên đường.
+ Dừng ngay điệp khúc “đào - lấp, đào - bỏ đó… ”
+ Phải kiên quyết chuyển các họat động quét hốt rác, vận chuyển rác, sơn đường, rửa đường, vẽ đường, nạo vét cống… vào ban đêm khi có ít phương tiện lưu thông.
+ Thực hiện nghiêm các biện pháp chống buôn bán lấn chiếm lòng lề đường.
Đây là một việc rất khó, vì do tập quán mua bán của người dân đã ăn sâu, tuy nhiên phải kiên quyết giải quyết được điều này thì mới mong giảm được vấn nạn kẹt xe. Biện pháp căn cơ nhất là phải tổ chức những khu chợ và trung tâm thương mại để hạn chế việc buôn bán nơi mặt tiền đường như hiện nay, và chỉ khi ấy mới không có cảnh người vừa chạy xe vừa ngó nghiêng rồi đột ngột dừng lại…
- Vấn đề xe nhiều: với các giải pháp hạn chế đăng ký, tăng phí đánh vào túi tiền của người dân... xem ra không khả thi. Xin đưa ra một số quan điểm như sau:
+ Cấm lưu hành xe ba bốn bánh tự chế (theo nghị quyết 32) là một giải pháp, tuy nhiên cần quan tâm tới việc giải quyết lao động.
+ Hiện tượng xe đạp, xe 2 bánh gắn máy cơi nới chở quá khổ rất nhiều ở trên đường cũng góp phần gây kẹt xe, lực lượng CSGT thường “ngó lơ” với các đối tượng này vì phải “mắc công” nghe năn nỉ, nên cần phải chấn chỉnh ngay.
+ Thực hiện nghiêm công tác kiểm định xe để đảm bảo 100% xe lưu thông là được kiểm định và hạn chế thấp nhất tình trạng xe “nằm đường” gây ùn tắc giao thông.
+ Nhà nước cần quy định khi xe hư thì bắt buộc phải gọi dịch vụ cứu hộ đến giải quyết ngay. Chứ không như hiện nay khi xe hư các “bác tài” và phụ xế gọi thợ đến “khám và chữa” ngay tại hiện trường.
+ Nâng cao chất lượng dịch vụ cứu hộ để khi chẳng may xe bị “nằm đường” thì anh cứu hộ đến kéo đi ngay.
+ Lực lượng công an cần phải giải quyết nhanh chóng các vụ tai nạn giao thông để lưu thông được bình thường.
+ Thay vì cấm lưu hành xe ba bốn bánh tự chế... nên thu thêm phí giao thông đối với những xe có kích thước bằng và lớn hơn kích thước các xe bị ngưng hoạt động, đặc biệt là xe ôtô cá nhân.
+ Nâng cao hơn nữa tính hiệu quả và khoa học đối với họat động vận tải công cộng (đặc biệt là xe buýt).
Theo tôi hiện nay xe buýt vừa thừa lại vừa thiếu. Thừa: có rất nhiều xe chạy trên một đọan đường thậm chí nhiều đường (trùng tuyến, trùng đoạn) tranh giành khách và đây là một nguyên nhân ùn tắc kẹt đường Cũng như gây tai nạn giao thông rất phổ biến. Thiếu: có những con đường xe buýt không hề đi qua nên người dân không thể sử dụng được dịch vụ công cộng này.
- Vấn đề người đông: Đúng là mấy năm gần đây tốc độ dân nhập cư vào thành phố tăng rất nhanh, góp phần làm cho vấn nạn kẹt xe ùn tắc giao thông càng thêm trầm trọng. Tuy nhiên việc dân nhập cư vào các thành phố lớn là điều tất yếu, không có gì mới mẻ trên thế giới, do đó đừng tìm cách để hạn chế hay khống chế tình trạng này một cách tiêu cực mà phải đối mặt với nó. Việc giải quyết căn cơ vẫn là mở đường, mở rộng thành phố, thành lập thành phố vệ tinh... nhưng những việc này quá lớn cần nhiều thời gian và kinh phí.
Vậy nên bàn phương án khác ít tốn kém hơn, thực hiện cấp bách để góp phần giảm nạn ùn tắc kẹt xe, như:
+ Có rất nhiều con đường buổi sáng thì kẹt xe bên làn đường bên này và buổi chiều thì lại kẹt xe bên làn đường bên kia. Từ hiện tượng này chúng ta có thể đưa ra phương án phân luồng giao thông theo buổi, theo giờ chứ không nên phân luồng cứng nhắc như hiện nay.
+ Nên luôn cho xe hai bánh rẽ phải khi gặp đèn đỏ đối với hầu hết các giao lộ (trừ những giao lộ không thuận tiện).
+ Tại các giao lộ đã có bố trí đèn tín hiệu thì phải có tín hiệu đèn đỏ (hiện nay một số chỉ có đèn vàng nhấp nháy) để dừng chứ không mạnh bên nào nấy tranh.
+ Phải có biện pháp kiểm tra và xử lý ngay lập tức đèn tín hiệu giao thông 24/24 không để xảy ra hiện tượng “đèn chết, đèn loạn”. Nếu bị mất điện hay tín hiệu không đúng thì rất cần có anh CSGT ngay lập tức để điều khiển giao thông.
+ Nên xem xét bố trí lại các chỗ hở của dải phân cách (con lươn) cho hợp lý, đây là nơi các phương tiện qua đường mà lại không có đèn tín hiệu, thậm chí chỗ hở này lại ngay trước một nơi tập trung đông đúc như: trường học, chợ, quán ăn...
+ Việc số nhà “nhảy múa” lung tung trên rất nhiều con đường, việc thay tên đổi họ nhiều con đường hay các biển báo giao thông bị “nấp”... cũng góp phần làm cho giao thông bị ách tắc.
+ Cuối cùng người tham gia giao thông phải nâng cao ý thức và cư xử văn minh trong giao thông và Nhà nước đóng vai trò trong việc vận động tuyên truyền.
Tóm lại, để giảm bớt được nạn ùn tắc kẹt xe trong thành phố thì cần có sự phối hợp của tất cả bộ ngành và toàn xã hội chứ không riêng một bộ ngành nào. Rất mong một ngày không xa người dân đi trên chính những con đường thân quen lại có cảm giác đường phố rộng thênh thang an tòan như những ngày... Tết!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận