01/05/2008 03:57 GMT+7

Già néo có ngày đứt dây

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

TT - Hệ miễn dịch là yếu tố quyết định cho sức khỏe của gia chủ về lâu về dài. Chính vì thế mà ngay từ lúc lọt lòng lực lượng tế bào phòng vệ, cụ thể là bạch cầu và thực bào, đã theo học lớp huấn luyện cấp tốc để nhận diện mọi yếu tố ngoại lai có khả năng gây bệnh.

WDJhdrjR.jpgPhóng to
Y bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM hỗ trợ Bệnh viện huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre khám, phẫu thuật mắt cho bệnh nhân nghèo - Ảnh: N.C.T.
TT - Hệ miễn dịch là yếu tố quyết định cho sức khỏe của gia chủ về lâu về dài. Chính vì thế mà ngay từ lúc lọt lòng lực lượng tế bào phòng vệ, cụ thể là bạch cầu và thực bào, đã theo học lớp huấn luyện cấp tốc để nhận diện mọi yếu tố ngoại lai có khả năng gây bệnh.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Chương trình học cam go không chỉ vì bệnh nguyên biến hóa trăm hình vạn trạng, mà vì tế bào phòng vệ vừa đóng vai trò đã nêu vừa là thầy của thế hệ tiếp nối.

Tế bào phòng vệ chẳng những phải cấp tốc "lập trình phần mềm" để đối phó với mỗi loại nguyên nhân gây bệnh, mà đồng thời nhận trách nhiệm "chuyển giao công nghệ" cho tế bào của các thế hệ sau, để chiến thuật phòng ngự tuy không cần đăng ký nhưng trở thành sở hữu trí tuệ theo kiểu "cha truyền con nối". Vừa học vừa hành như thế thử hỏi hệ miễn dịch làm sao tránh khỏi sớm thấm mệt trước lượng bệnh nguyên chỉ tăng chứ không giảm trong bối cảnh cuộc sống căng thẳng hiện nay.

Gậy ông đập lưng ông

Nào đã xong, lực lượng tế bào "vệ sĩ” còn được huấn luyện ngày đêm để đừng lẫn lộn cấu trúc của ngoại vật với gà nhà, nhằm phòng tránh trường hợp phe ta hoặc vì quá hăng say, hoặc vì mắt nhắm mắt mở sao đó nên khai hỏa tiêu diệt ngay... phe mình! Tình trạng gậy ông nện ngay lưng ông dù vậy vẫn có thể xảy ra vì những lý do sau đây:

- Cấu trúc của tế bào phe ta bị sai lệch gì đó trong di thể, chẳng hạn vì độc chất sinh ung thư, khiến tế bào phòng vệ mất khả năng nhận diện đâu là bạn, đâu là thù! Nghĩa là làm ẩu nhưng vẫn báo cáo như thật!

Không lạ gì khi ngành y tế ở nhiều nước tiên tiến đang cổ động người dân chủ động tìm đến thầy thuốc khi vừa phát hiện dấu hiệu dị ứng, dấu hiệu báo động hệ miễn dịch có gì đó trục trặc, như biện pháp phòng bệnh, thay vì đợi nước đến chân mới nhảy.

- Độc chất quỉ quái trong môi trường ô nhiễm, trong thực phẩm không vệ sinh, trong dược phẩm bị lạm dụng, cũng như vi khuẩn, nấm mốc, hóa chất trong sản phẩm gia dụng... sửa nhẹ cấu trúc của mô chủ khiến tế bào phòng vệ trông gà hóa cuốc, nhìn thù hóa bạn! Nghĩa là vui vẻ mở cửa mời trộm vào nhà!

- Hệ thống miễn dịch vì phải hoạt động trong tình huống đề cao cảnh giác tột độ mà không được nghỉ bù nên cuối cùng đổ quạu đụng đâu đốn đó, trúng sai bất cần! Hậu quả là cả thù lẫn bạn đều tiêu tùng với thiệt hại của phe ta thường khi cao hơn bên địch, nhưng chủ nhà vẫn xem là... chuyện nhỏ, chỉ đáng khiển trách! Nghĩa là trách ai đó cho xong, nhưng đừng trách người điều khiển!

Hậu quả chung cuộc là tế bào phòng vệ bỗng quay lại tấn công cơ thể của gia chủ và gây đủ thứ bệnh, khi thì viêm thần kinh do lớp bọc dây thần kinh bị tróc vỏ, lúc thì viêm khớp vì mặt trong bao khớp bị gặm nhấm, khi thì rối loạn nội tiết tố do cấu trúc bị biến dạng, lúc thì xơ vữa mạch máu vì thành mạch chai cứng hay thậm chí nghiêm trọng hơn nữa, gây rối loạn di thể của tế bào rồi dẫn đến ung thư... Khó vô cùng cho thầy thuốc vì biết cho thuốc sao đây? Không lẽ cứ cho thuốc đè đầu đè cổ hệ miễn dịch thì tuy có hiệu quả ban đầu, nhưng về nước khuya chẳng khác nào mời đủ thứ bệnh nội nhiễm ăn búp-phê miễn phí trong lúc sức kháng bệnh ngủ say bí tỉ!

Tức nước vỡ bờ

Đáng tiếc là tất cả không do mầm phá hoại từ bên ngoài mà chỉ vì phản ứng sai lầm do thấm mệt giữa đường của hệ thống miễn dịch. Từ tình trạng dị ứng thông thường bước qua phong thấp, hen suyễn bước qua viêm ruột, tiểu đường, bệnh tuyến giáp, cho đến liệt cơ... thầy thuốc đã đặt tên chung cho cơ chế sinh bệnh theo kiểu vừa mô tả là bệnh tự miễn. Tên bệnh không có nghĩa là tự miễn... thuế thu nhập, mà là loại bệnh do hệ thống miễn dịch vì cố chạy theo thành tích nên phải làm gì đó cho có làm mà bất cần hậu quả. Kết quả cuối cùng cũng từa tựa như chuyện học sinh học hết bậc tiểu học mà chưa biết... đọc!

Các nhà nghiên cứu đã tốn rất nhiều công sức để đi đến kết luận về vai trò của hệ miễn dịch trong nhiều căn bệnh trầm kha. Trên thực tế, không cần tốn công thử nghiệm đủ thứ cũng thừa sức đoán trước là thành phần này, nếu phải ngày đêm làm việc dưới áp lực như thế thì sớm muộn cũng đến lúc hoặc phản ứng tầm bậy theo kiểu tự đá lọt lưới để về nghỉ sớm, hoặc ngồi yên ù lì theo kiểu "ngu gì mà làm". Chuyện đời xưa nay vẫn thế. Tức nước ắt có lúc vỡ bờ.

Vấn đề chỉ là làm sao tiếp hơi cho sức đề kháng để mỗi ngày có thể tiếp tục già néo mà không đứt dây?! Khó chính là làm sao thắng xe sát bờ vực thẳm. Ngày nào biện pháp phòng bệnh chưa được xem trọng hơn giải pháp chữa bệnh, ngày nào cơ sở y tế hạ tầng chưa được chú trọng bằng bệnh viện trung ương thì câu hỏi đó vẫn còn bỏ ngỏ. Nói cách khác, dù dễ mích lòng, người bệnh nếu vẫn phải chịu cảnh "đem con bỏ chợ" là chuyện cứ như bình thường, nếu vẫn còn cảnh "trăm người bán, vạn người mua"! Nhưng xã hội hóa ngành y tế không chỉ đồng nghĩa với xây thêm bệnh viện. Yếu tố quyết định là... con người!

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên