08/02/2007 11:47 GMT+7

Giá cổ phiếu ngân hàng tăng phi mã

Theo Hồ Minh Lương - Sài Gòn tiếp thị
Theo Hồ Minh Lương - Sài Gòn tiếp thị

Cuối tuần qua, thị trường OTC bỗng nhiên hút cổ phiếu ngân hàng, giá nhiều loại cổ phiếu được săn lùng và đặt mua đến mức các "cò chứng khoán" cũng không ngờ, tăng 20% giá trong vòng 24 giờ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng chơi cổ phiếu ngân hàng là chắc ăn, vì xu hướng hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều làm ăn tốt.

Hq0vw98h.jpgPhóng to
Cà phê chứng khoán - nơi diễn ra các giao dịch cổ phiếu OTC - đang nóng về cổ phiếu OTC ngân hàng. Ảnh : Lê Quang Nhật - Sài Gòn tiếp thị
Cuối tuần qua, thị trường OTC bỗng nhiên hút cổ phiếu ngân hàng, giá nhiều loại cổ phiếu được săn lùng và đặt mua đến mức các "cò chứng khoán" cũng không ngờ, tăng 20% giá trong vòng 24 giờ. Nhiều nhà đầu tư cho rằng chơi cổ phiếu ngân hàng là chắc ăn, vì xu hướng hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều làm ăn tốt.

Đổ xô mua ABB

Anh Tư Hồng, một cò môi giới chứng khoán trên đường Nguyễn Công Trứ cho biết ngày cuối tuần thị trường OTC bỗng nhiên náo loạn. Các nhà đầu tư lùng sục mua cổ phiếu ABB của Ngân hàng An Bình với giá tới 86.000 đồng/CP.

Anh Hồng cho biết: "Mới hôm 1-2 cổ phiếu này được nhiều người chuyển nhượng với giá 72.000 đồng/CP". Tức tăng 20% chỉ trong vòng 24 giờ, điều không thể xảy ra ở sàn giao dịch chứng khoán chính thức (bị Nhà nước giới hạn 5%).

Sở dĩ ABB tăng vọt là do Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng năm 2007 đã họp và lấy ý kiến của cổ đông về kế hoạch phát hành 1.500 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng trong năm nay. Trái phiếu có mệnh giá 10.000 đồng, thời hạn 12 tháng hay 18 tháng.

Trái phiếu chuyển đổi này sẽ được phát hành cho các cổ đông và bán ra một phần cho công chúng đầu tư. Anh Tư Hồng cho biết thêm mặc dù ngày 4.2 là chủ nhật nhưng các cò chứng khoán tại TP.HCM vẫn liên lạc với cò ngoài Hà Nội liên tục để đặt cọc, thu gom vì ngoài đó còn ở mức giá 78.000 đồng/CP.

Vì sao ngân hàng ăn khách?

Việc ngân hàng ABB tăng vốn gấp đôi và cho quyền cổ đông mua trái phiếu không phải là hiện tượng mới có lần đầu trên thị trường. Và mặc dù vốn điều lệ của ABB được nhà đầu tư cho là "tăng hỗn" vì trong năm 2007 mới tăng lên 2.000 tỉ đồng, nhưng người ta vẫn săn mua vì nhiều lý do.

Trong khi đó giá cổ phiếu EIB của Eximbank trước đây có giá trị là 11.500.000 đồng/CP (mệnh giá 1.000.000 đồng/CP), cách nay một tuần có giá 11.780.000 đồng/CP nay đã lên 14.300.000 đồng/CP. Tuy nhiên, cổ phiếu EIB ít giao dịch vì thị giá quá lớn. Một cổ đông sở hữu tờ 50 CP EIB trị giá hơn 700 triệu đồng, khó tìm được nhà đầu tư.

Còn một lý do khác là cổ đông của Eximbank cũng không muốn bán cổ phiếu này khi thấy ngoài thị trường có nhiều người đang tìm. Một nhà đầu tư cho biết hiện nay anh đang "nín thở" vì giá cả, sau đại hội cổ đông (ngày 6.2.2007) chắc chắn giá IEB sẽ còn được định lại nên anh không dám bán ra hoặc mua thêm vào.

Cổ phiếu ngân hàng "chiếu dưới", từ mà dân cò gọi để chỉ các cổ phiếu mới nổi lên như ngân hàng Nam Á, Phương Đông cũng có giá cao đến phát sợ! Ngân hàng Phương Đông năm rồi đã tăng vốn điều lệ, cổ tức thì trả thấp nhất (12%/năm). Khi có thông tin ngân hàng này đã bán 10% vốn cổ phần cho Ngân hàng BNP Paribas thì giá cổ phiếu Ngân hàng Phương Đông đã từ 85.000 đồng/CP lên 92.000 đồng/CP đến 94.000 đồng/CP, dù trên trang điện tử OCB.com của ngân hàng này chưa có thông tin chính thức về việc tham gia vốn này, chỉ mới có ký kết hợp tác liên minh chiến lược.

Tương tự cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) cũng đã tăng giá từ 95.000 đồng/CP lên 120.000 đồng/CP do có tin ngân hàng này và Deutsche Bank Aktiengesellschaft đã ký hợp đồng hợp tác chiến lược. Theo đó, sau khi được chấp thuận chính thức của các cấp có thẩm quyền, Deutsche Bank sẽ được phép tham gia 10% hoặc có thể tới mức 20% cổ phần của ngân hàng khi được luật pháp Việt Nam cho phép. Việc ký thoả thuận này nằm trong chiến lược phát triển giai đoạn 2006 - 2010 của Habubank.

Cổ phiếu ngân hàng có giá thấp là Ngân hàng Đại Á, tiền thân của Đại Á là Ngân hàng TM Nông thôn vừa được chuyển đổi thành Ngân hàng TM Đô thị. Gọi là thấp, nhưng giá của Ngân hàng Đại Á cũng nhảy vọt lên từ 49.000 đồng/CP lên 52.000 đồng/CP. Theo giới đầu tư thì sau lưng của ngân hàng này có sự yểm trợ của Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI) nên về tính thanh khoản của cổ phiếu này rất an tâm (?).

Mua ngân hàng là chắc ăn

Nhận định về các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường OTC, tiến sĩ Lê Vũ Nam, giảng viên về chứng khoán Trường Đại học Quốc gia nói: "Hiện nay tình trạng đầu tư vào các cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết đều rất đáng lo ngại do nhà đầu tư không căn cứ vào tình hình kinh doanh của ngân hàng mà chỉ đầu tư theo thông tin ngoài vỉa hè".

Tuy nhiên, cũng theo ông Nam, những thông tin này thường có kết hợp hiện tượng có thật như sẽ tăng vốn điều lệ vì tới đây vốn điều lệ của ngân hàng sẽ là 3.000 tỉ đồng. Ngân hàng nào chưa đủ tiêu chuẩn thì phải huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc chia thưởng cổ phiếu.

Hai là họ kỳ vọng vào việc đầu tư của các tổ chức tài chính nước ngoài, khi các tổ chức này tham gia thì giá cổ phiếu sẽ tăng. Một tâm lý khác, là mua cổ phiếu vào thời điểm trước tết, qua tết nhiều người dư tiền muốn đầu tư vào kênh này thì giá cổ phiếu cũng có thể lên chút ít dù sao cũng tăng hơn lãi tiết kiệm.

Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng chơi cổ phiếu ngân hàng là chắc ăn, vì xu hướng hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều làm ăn tốt. Ngân hàng lại có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước, được Nhà nước... "bảo kê" nếu có sự cố xảy ra.

Theo Hồ Minh Lương - Sài Gòn tiếp thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên